Để công quả đúng nghĩa là công quả

Hôm 8/8 vừa rồi, TAND TP Hồ Chí Minh đã xét xử đối tượng N.T.T.X vì hành vi lẻn vào phòng riêng của trụ trì chùa Kỳ Viên (phường 3, quận 3, TP Hồ Chí Minh) trộm tiền để trả nợ và chơi cờ bạc. Đây chỉ là một vụ án nhỏ, nhưng nó lại là hành vi phạm tội khá phổ biến.

Nhiều năm qua, không ít đền, chùa, miếu mạo đã bị kẻ trộm viếng thăm hòm công đức mà chẳng hề có sự ngại ngần với cái gọi là "thờ thiêng kiêng lành" gì.

Có một thực tế mà chúng ta đều phải thừa nhận với nhau là tiền công quả mà các Phật tử nói riêng cũng như các tín đồ tôn giáo khác nói chung dâng cúng cho các cơ sở tôn giáo hằng năm là rất lớn. Đi liền với con số rất lớn đó luôn là câu hỏi lớn không kém: "Tiền công quả đã được sử dụng như thế nào?".

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mới đây, Chính phủ đã có chỉ đạo sát sao liên quan đến chuyện tiền công quả này nhằm mục đích minh bạch hóa, để công quả trở về với đúng ý nghĩa thiện nguyện trong sáng ban đầu của nó. Đầu tiên, chỉ đạo của Chính phủ là Chủ tịch UBND các địa phương, từ cấp tỉnh, thành phố trở xuống, phải nghiên cứu báo cáo, kiến nghị của Bộ Tài chính về kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ ở các di tích lịch sử văn hóa trên phạm vi toàn quốc.

Kế đến, xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm tiền công đức, tài trợ được sử dụng chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích. Và, vượt trên hết, Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan, trong thời hạn quý IV năm 2024, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền để bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc quản lý tiền công đức. Có thể nói, đây là một bước tiến thật sự để lành mạnh hóa môi trường tôn giáo cũng như từ thiện.

Thực tiễn cho thấy, ở nhiều quốc gia, điển hình như láng giềng Thái Lan, việc quản lý hành chính ở các cơ sở tôn giáo rất nghiêm ngặt. Bên cạnh hoạt động tín ngưỡng, tức là hội đồng các tăng ni, hoạt động dưới sự chỉ đạo của một hội đồng cấp quốc gia (tương đương Giáo hội Phật giáo Việt Nam), mỗi cơ sở tôn giáo đều có 1 hội đồng quản trị có cả sự tham gia của dân sự, nhằm mục đích minh bạch, công khai tiền công đức theo đúng quy định của chính phủ.

Hằng năm, vẫn có các đoàn thanh tra thuế, kiểm toán của chính phủ đến làm việc với các cơ sở tôn giáo để tránh tình trạng lợi dụng sự tin tưởng của tín đồ và trục lợi. Đây chính là một thực tiễn mà Việt Nam cần phải thực hành theo, với các điều chỉnh phù hợp với môi trường pháp luật, xã hội và văn hóa Việt Nam khi mà gần đây đang bắt đầu có quá nhiều dị nghị về chuyện công đức cũng như từ thiện.

Chỉ đạo kể trên của Chính phủ cần được các địa phương, các Bộ, ngành có liên quan gấp rút tuân thủ và sát sao theo dõi nhằm chuẩn hóa lại môi trường tôn giáo hiện thời cũng như góp phần tạo ra động lực cho các cơ sở tôn giáo thực hiện tốt việc sử dụng tiền công quả vào đúng mục đích và đề cao được tinh thần tốt đời, đẹp đạo.

Văn Đoàn

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/van-nghe-cong-an/de-cong-qua-dung-nghia-la-cong-qua-i740659/
Zalo