Để công nghiệp văn hóa Thủ đô cất cánh

Hà Nội đang nổi lên như một trung tâm sáng tạo văn hóa đầy tiềm năng trong khu vực và trên thế giới. Nghị quyết 09 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã thể hiện rõ vai trò và ngày càng định hình rõ nét ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Dấu ấn phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô

Với “giao lộ sáng tạo” vận hành trên một trục hệ thống các di sản quen thuộc, công chúng lần đầu tiên được tiếp cận, lựa chọn tuyến lễ hội theo thời gian, địa điểm trong hành trình khám phá di sảy. Trong chuỗi 15 hoạt động du lịch về đêm, điểm nhấn “Tinh hoa Đạo học” tôn vinh truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và tư tưởng trọng dụng hiền tài được thể hiện bằng công nghệ tiên tiến khiến khách du lịch mãn nhãn. Nhiều không gian sáng tạo phong phú, những khu phố đi bộ với các chương trình nghệ thuật trình diễn độc đáo, hàng loạt các di tích, điểm đến của Thủ đô sáng đèn, góp phần kích hoạt kinh tế đêm.

Chị Nguyễn Mai Phương, thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, nhận xét: "Em cảm thấy rất khác biệt và tự hào với những giá trị văn hóa được phô diễn tại đây".

Hà Nội dần trở thành điểm đến hàng đầu của các sự kiện nghệ thuật quốc tế, là một trong những điểm đến không thể bỏ qua, vinh dự đón nhận nhiều giải thưởng lớn.

Nỗ lực đổi mới các hoạt động văn hóa nghệ thuật ở Thủ đô, sự đầu tư nghiêm túc trong việc tổ chức các tuần lễ thiết kế sáng tạo, tuần lễ du lịch áo dài, lễ hội quà tặng du lịch... với hàng loạt các hoạt động, triển lãm đi kèm, đã tạo nên sức sống mới cho văn hóa Thủ đô.

Thách thức trên con đường trở thành trung tâm sáng tạo văn hóa

Công nghiệp văn hóa đang từng bước góp phần gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế của thành phố. Tuy vậy, theo nhận định của các chuyên gia, con đường mang tên “công nghiệp văn hóa” vẫn còn không ít điểm nghẽn cần được tháo gỡ.

Không có bảng biển tên làng nghề. Không có điểm giới thiệu sản phẩm. Khi đến làng nghề mây tre đan Phú Vinh huyện Chương Mỹ, nếu không được giới thiệu trước, mấy ai biết đây là một làng nghề nổi danh với sản phẩm mây tre đan tinh xảo, nức tiếng cả nước và quốc tế. Khách đến đa phần đi theo sự hướng dẫn và kết nối từ trước của các tour, đoàn.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, cho hay: "Không phải ai ở trong làng nghề cũng có cơ hội để tiếp cận với truyền thông nói về công nghiệp văn hóa. Có nhiều câu hỏi như liệu bao giờ làng nghề Phú Vinh mới tiếp cận được công nghiệp văn hóa này. Và công nghiệp văn hóa sẽ tác động như nào cho cuộc sống của người dân nơi đây thì đó là một điều rất cần suy nghĩ".

Hà Nội hiện có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm tới 56% số lượng cả nước. Bao nhiêu trong số đó được như Bát Tràng, như Vạn Phúc, và bao nhiêu làng nghề có tiềm năng mà công nghiệp văn hóa còn chưa chạm tới? Những điểm nghẽn cho sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội còn là những nút thắt trong việc quan tâm đầu tư các nguồn lực khác.

Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND thành phố Hà Nội ban hành mới đây, phấn đấu doanh thu ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm, tạo nhiều việc làm, nâng cao năng lực hưởng thụ văn hóa cho nhân dân Thủ đô. Để đạt mục tiêu này, đòi hỏi Hà Nội cần có biện pháp quyết liệt, đồng bộ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tại Hội nghị phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ngày 22/12/2024, đã nói: “Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, có mỏ vàng đừng để bị lãng quên”. Hà Nội có nhiều tiềm năng, thế mạnh. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực và thành quả đã đạt được, chắc chắn thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục có những bước đột phá mới, để công nghiệp văn hóa của Thủ đô bứt phá và cất cánh thành công.

Thanh Thùy

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/de-cong-nghiep-van-hoa-thu-do-cat-canh-294328.htm
Zalo