Để công nghiệp dược không thua trên 'sân nhà'

Việt Nam hiện chưa sản xuất được các sản phẩm thuốc đặc trị, chỉ làm được một số loại thuốc điều trị bệnh thông thường.

Phần lớn thuốc đặc trị thiết yếu vẫn phải nhập từ các công ty dược nước ngoài. Người Việt cũng có xu hướng tin dùng thuốc ngoại nhập hơn thuốc nội. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đang được Quốc hội xem xét, thảo luận kỳ vọng sẽ có những chính sách mang tính vượt trội nhằm phát triển ngành dược nước nhà, từ đó hướng đến mục tiêu bao trùm là bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá hợp lý.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành dược, bởi quy mô thị trường khá lớn, với dân số khoảng 100 triệu người, cộng thêm nhu cầu chăm sóc và chi tiêu cho sức khỏe của người dân ngày càng cao. Thế nhưng, có một thực tế là ngành công nghiệp dược của chúng ta đang thua trên chính sân nhà. Đa số nhà cung cấp dược phẩm trong nước thiếu nguồn lực để phát triển sản xuất, khai thác thị trường nội địa. Việc sản xuất thuốc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu làm thuốc của nước ngoài, sản phẩm thiếu tính cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu cùng loại, ảnh hưởng đến doanh thu. Hơn nữa, Việt Nam hiện chưa sản xuất được các sản phẩm thuốc đặc trị, chỉ làm được một số loại thuốc điều trị bệnh thông thường. Phần lớn thuốc đặc trị thiết yếu vẫn phải nhập từ các công ty dược nước ngoài. Người Việt cũng có xu hướng tin dùng thuốc ngoại nhập hơn thuốc nội. Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này, Ủy ban Xã hội của Quốc hội thấy rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành dược, song các doanh nghiệp dược trong nước chưa tận dụng được lợi thế của mình do thiếu nguồn lực và trình độ về kỹ thuật, công nghệ còn hạn chế. Trong khi đó, những nhà đầu tư lớn của nước ngoài lại sẵn sàng đầu tư với các dự án lớn, “thâu tóm” những doanh nghiệp dược trong nước và cạnh tranh với các sản phẩm dược trong nước bằng nhiều cách khác nhau.

Để ngành dược phát triển, giúp người dân tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý, rất cần cú huých từ các chính sách mang tính đột phá, tạo cơ chế ưu đãi tốt hơn, thu hút đầu tư trong công nghiệp dược của đất nước. Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đánh giá cao khi Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược xác định rõ ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất nguyên liệu dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc hiếm, thuốc phòng, chống bệnh xã hội, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu Việt Nam mang thương hiệu quốc gia... Đặc biệt, dự thảo luật xác định ưu đãi đầu tư đối với sản xuất thuốc gốc (generic), nguyên liệu làm thuốc là tá dược, vỏ nang; xây dựng cơ sở thử nghiệm sinh học, đánh giá sinh khả dụng, tương đương sinh học của thuốc; cơ sở thử nghiệm lâm sàng thuốc. Đồng thời bổ sung quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng tỷ lệ trích và thời gian sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu làm thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được, đối với các hoạt động nêu trên (do Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp không có quy định rõ ưu đãi đối với sản xuất thuốc)...

NAM TRỰC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/de-cong-nghiep-duoc-khong-thua-tren-san-nha-783010
Zalo