Để con chăm sóc cha – mẹ: Hành trình của tình yêu và sự hi sinh

Chăm sóc cuối đời cho cha mẹ là hành trình mà nhiều người con phải trải qua. Nếu không chuẩn bị, những ngày tháng này có thể bào mòn sức khỏe và tinh thần của người chăm sóc, đồng thời gây rạn nứt tình cảm gia đình.

Cái chết là một phần của cuộc sống, nhưng nhiều người vẫn né tránh nói về nó và không chuẩn bị cho hành trình cuối cùng này. Nếu phải học bài học này từ cha mẹ mình, nỗi đau sẽ rất lớn.

Nỗi lòng của người chăm sóc

Đây là câu chuyện của Miew, một họa sĩ truyện tranh người Malaysia. Trong 12 năm làm người chăm sóc, cô chứng kiến cha mẹ rời xa vì bệnh tật, rơi vào đau buồn và khó hòa nhập lại cuộc sống. Vẽ truyện giúp Miew đối diện và xoa dịu nỗi đau, sống lại ký ức bên cha mẹ.

Bộ sách "I Am A Caregiver" của Miew gồm hai tập: "Để con chăm sóc cha" và "Để con chăm sóc mẹ". Tập 1 kể về thời gian chăm sóc cha mắc bệnh ung thư tuyến tụy. Từ người đàn ông khỏe mạnh, cha cô trở thành bệnh nhân yếu ớt, cộc cằn. Tình trạng này khiến Miew mắc kẹt trong tâm trạng buồn bã và sợ hãi.

Trong sách, cô viết: “Người chăm sóc giống như bị khóa trong chiếc hộp trong suốt, ánh mặt trời ấm áp ngoài kia mà vẫn thấy lạnh lẽo. Bởi dù cố gắng thế nào, tình trạng cũng khó cải thiện. Sinh mệnh người thân cứ khô héo và cuối cùng ra đi.”

Bệnh tật không chỉ dày vò người bệnh mà còn là một kiểu tra tấn từ từ đối với người chăm sóc. Một trong những vấn đề lớn nhất của người chăm sóc là mất ngủ. Bởi vì khi người thân yêu nằm cạnh mình đang phải chịu đau đớn thì chẳng ai có thể ngủ nổi. Người chăm sóc sẽ liên tục mất ngủ hoặc ngủ chập chờn trong vài tháng liền, thậm chí là vài năm.

Đồng thời, họ phải hy sinh gần như toàn bộ thời gian, thu nhập, sức khỏe… của mình để trở thành tay, chân, đầu bếp, y tá… của người bệnh. Đây là một hành trình vất vả và đau buồn. Thế nhưng, cũng chính trong giai đoạn này, tình yêu thương đã thể hiện sức mạnh không ngờ. Dẫu những cơn mê sảng của người cha đã để lại nhiều tổn thương trong lòng Miew nhưng cô vẫn kiên trì ở bên cạnh ông suốt những ngày tháng cuối cùng.

Nếu hành trình chăm sóc cha đã để lại trong Miew những hồi ức u ám, bi thương thì những ngày tháng cuối đời bên mẹ đã cứu rỗi và xoa dịu cô. Tập 2 “Để con chăm sóc mẹ” là hành trình chữa lành của Miew. Sau cái chết của cha, mẹ cô cũng già yếu và thường xuyên vào viện. Nhờ kinh nghiệm trước, Miew và chị gái đã cùng mẹ trải qua những ngày cuối đời ý nghĩa và thanh thản hơn.

Trong sách, cô viết: “Sinh mệnh giống như vòng tròn, trước mẹ là người lớn, tôi là trẻ con. Giờ tôi là người lớn, mẹ lại như trẻ nhỏ. Trước mẹ yêu tôi dù không hiểu chuyện, giờ tôi chiều mẹ dù mẹ cố chấp.”

Bài học từ cái chết

Miew nhận ra rằng người chăm sóc trước tiên phải biết chăm sóc tốt cho chính mình. Chỉ khi chăm sóc tốt cho bản thân, mới có thể chăm sóc tốt cho người khác.

Ngoài ra, cô cũng đề cập đến thực trạng phụ nữ thường phải gánh vác công việc chăm sóc gia đình nhiều hơn nam giới. Miew khuyên rằng gia đình nên thảo luận về việc chia sẻ trách nhiệm chăm sóc và chuẩn bị cho sự ra đi của cha mẹ khi họ còn khỏe mạnh.

Như Miew đã viết: “Vô thường sẽ gõ cửa bất cứ lúc nào, chúng ta chẳng hề có cái gọi là ngày mai vô tận. Chúng ta biết rõ là vậy, thế mà lại luôn cho rằng hiện tại là đương nhiên, có thể tùy tiện phung phí”.

Với những nét vẽ đơn giản nhưng sống động và đầy cảm xúc, Miew không chỉ làm cho những hồi ức về cha mẹ cô được sống mãi trên những trang sách mà còn giúp bạn đọc nhận ra rằng: Dẫu hành trình của một người chăm sóc có thể ẩn chứa nhiều gian khổ, đau thương, nhưng mỗi khoảnh khắc đều chứa đựng tình yêu thương và dạy ta những bài học ý nghĩa về cái chết.

Trên hết, bộ sách của Miew còn là lời nhắc nhở chân thành đến bạn đọc, nhân lúc người thân yêu còn khỏe mạnh, hãy yêu thương và trân trọng thời gian ở bên họ.

Hàn Mai

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/giai-tri/de-con-cham-soc-cha-me-hanh-trinh-cua-tinh-yeu-va-su-hi-sinh-c3a78296.html
Zalo