Để chính kịch luôn thu hút khán giả
Thời gian qua, một loạt vở diễn chính kịch xuất hiện ở các sân khấu không chỉ mang đến cho khán giả những tác phẩm chứa đựng nội dung sâu sắc, giá trị nghệ thuật cao mà góp phần làm cho bức tranh sân khấu thêm tưng bừng và đa sắc. Nhưng, làm thế nào để dòng kịch vốn giữ vị trí và vai trò quan trọng của sân khấu tiếp tục chinh phục đông đảo khán giả mới là vấn đề cốt lõi...
Những vở kịch mang giá trị thời đại
Hòa chung không khí kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và các ngày lễ lớn, sân khấu Việt cũng sôi động với sự xuất hiện của nhiều vở diễn chính kịch. Nằm trong chương trình “Tháng năm cùng Người”, Nhà hát Kịch Việt Nam đã mang đến cho khán giả 2 vở diễn lớn về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Người đi dép cao su” và “Đêm trắng”.

Một cảnh trong vở “Đêm trắng” của Nhà hát Kịch Việt Nam.
Trong đó, “Người đi dép cao su” được thực hiện từ kịch bản của nhà văn người Algeria Kateb Yacine. Kịch bản được tác giả viết sau chuyến thăm Việt Nam năm 1967 với lòng kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự yêu mến, ngưỡng mộ dân tộc Việt Nam. Tác phẩm không chỉ ca ngợi tài năng, tầm vóc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn có góc nhìn sử thi của một tác giả nước ngoài về lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Còn vở kịch kinh điển “Đêm trắng” (kịch bản: Lưu Quang Hà; đạo diễn: NSND Xuân Bắc) đã được Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn vào tháng 12/2024, nhân kỷ niệm 72 năm thành lập Nhà hát tiếp tục được tái diễn trên sân khấu vào những ngày tháng tư lịch sử. Vở kịch được tác giả Lưu Quang Hà viết dựa trên một câu chuyện có thật những năm 1950, khi toàn dân, toàn quân ta dồn sức người sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Vở diễn tôn vinh hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, Người đã phải trải qua nhiều đêm trăn trở trước khi đưa ra án tử hình đối với kẻ phản bội lý tưởng cách mạng. Với sự tham gia của hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên, “Đêm trắng” là một trong những vở kịch có quy mô lớn nhất của Nhà hát Kịch Việt Nam. Vở diễn nhận được nhiều giải thưởng danh giá cho tập thể, cá nhân tại các liên hoan sân khấu toàn quốc. Trước đây, “Đêm trắng” từng được Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn vào năm 1990 và nhanh chóng tạo nên tiếng vang lớn ngay khi ra mắt.
Cuối tháng tư vừa qua, Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn nhạc kịch “Lửa từ Đất” ca ngợi sự ra đời của Đảng bộ Hà Nội và những người con Thủ đô đi kháng chiến. Cùng với đó, những vở kịch chính luận như “Sống mãi tuổi 17”, “Bến nước thời gian” vẫn thường xuyên được đơn vị biểu diễn trên sân khấu. Ngoài ra, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam... cũng hòa chung dòng cảm hứng này với việc mang đến cho khán giả nhiều tác phẩm hấp dẫn, ý nghĩa.
Không chỉ sân khấu phía Bắc, mà các sân khấu xã hội hóa phía Nam - lâu nay vốn tập trung vào những đề tài giải trí thì thời gian qua cũng đã tăng cường dàn dựng các vở chính luận. Khán giả tại TP Hồ Chí Minh cũng được dịp thưởng thức những tác phẩm sân khấu được thực hiện chỉn chu, kỹ lưỡng trong đợt kỷ niệm ý nghĩ này.
Vở kịch cách mạng “Ngày ấy cổng trời” đã được NSND Trịnh Kim Chi dàn dựng và ra mắt cuối năm 2024 cũng vừa được tiếp tục biểu diễn trên sân khấu vào cuối tháng tư. Vở diễn kể về những đóng góp và hy sinh của các nữ thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Và, thông điệp nhắc nhở các thế hệ mai sau luôn sống, cống hiến xứng đáng với sự hy sinh của cha ông cho nền hòa bình hôm nay.
Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh mang đến vở kịch đề tài hậu chiến “Đồng chí”, trong đó đưa ra nhiều vấn đề về việc giữ gìn giá trị của hòa bình trong xã hội hôm nay. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tái diễn vở cải lương cách mạng “Tiếng hò sông Hậu” vào tối 26/4.
Đáng ghi nhận là sự vào cuộc nhiệt tình, tích cực của nhiều sân khấu tư nhân. Sân khấu cải lương mới Đại Việt có 2 vở diễn chất lượng chào mừng 50 năm thống nhất đất nước là vở mang đề tài cách mạng “Người ven đô” (từng ra mắt tháng 4/2024) và vở tuồng cổ đề tài lịch sử “Câu thơ yên ngựa” (công diễn 19/4).
Trước đó không lâu, Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B xây dựng vở “Bến lửa lòng” theo hướng dòng kịch chính luận - tâm lý tình cảm. Vở diễn từng rất thành công tại sân khấu này cách đây hơn 20 năm. Sân khấu kịch Thiên Đăng cũng đã mang tới cho khán giả vở nhạc kịch “Giáng Hương”. Đây là vở chính kịch tâm lý xã hội tôn vinh những điều đẹp đẽ trong nghệ thuật, cuộc sống.
Trách nhiệm của nghệ sĩ với đất nước
Những vở diễn chính luận trên sân khấu kịch đã nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả. Năm 2024, tại Nhà hát Kịch Việt Nam, số lượng khán giả đến xem các vở chính kịch như “Đêm trắng”, “Bão tố Trường Sơn”, “Người tốt nhà số 5”, “Người trong cõi nhớ”... luôn chật kín khán phòng. Đặc biệt, vở “Bệnh sĩ” (tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn Tuấn Hải) ra mắt hơn chục năm qua nhưng luôn cháy vé.
Đầu năm 2025, 3 đêm diễn của “Người tốt nhà số 5” đón hơn 500 lượt khán giả. Vở kịch “Ngược chiều bình an” (tác giả: Thiên Ân, đạo diễn: Kiều Minh Hiếu) tái hiện một cách chân thực, xúc động sự hy sinh anh dũng của 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC đã nhận được sự khen ngợi từ những người làm chuyên môn và khán giả.
Vở kịch “Đồng chí” của Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh tham dự Liên hoan Sân khấu Busan (Hàn Quốc) đã nhận được sự đồng cảm sâu sắc của đông đảo khán giả xứ sở kim chi. Hay, tại lễ trao giải thưởng tác phẩm sân khấu năm 2024, tác phẩm “Điện Biên vẫy gọi” của Nhà hát Kịch nói Quân đội (tác giả: PGS.TS Tất Thắng, đạo diễn: NSND Lê Hùng) khắc họa tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta trong kháng chiến chống Pháp đã được vinh danh ở hạng mục Vở diễn sân khấu của năm...
Theo NSƯT Kiều Minh Hiếu, Phó Giám đốc điều hành Nhà hát Kịch Việt Nam, để những vở chính kịch thu hút đông đảo khán giả, ngoài việc đầu tư xây dựng chất lượng kịch mục, nhà hát chú trọng tới công tác truyền thông tới khán giả. Lịch diễn của nhà hát luôn được cập nhật liên tục trên các nền tảng mạng xã hội, giúp khán giả dễ dàng, thuận tiện trong việc theo dõi, đặt mua vé.

“Ngày ấy cổng trời” là câu chuyện xúc động về các nữ thanh niên xung phong thời chống Mỹ cứu nước.
Tại buổi họp báo công bố các chương trình nghệ thuật lớn chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, NSND Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn chia sẻ: các chương trình đó không chỉ là hoạt động kỷ niệm mà mong muốn đưa nhiều tác phẩm nghệ thuật chất lượng, thể hiện tầm vóc của đại thắng mùa xuân 1975, ý nghĩa và khát vọng của hòa bình đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Qua đó cũng khơi dậy và hun đúc lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước đến mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Vì vậy, các vở diễn này sẽ được các đơn vị tổ chức lưu diễn ở nhiều tỉnh, thành.
Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của các dòng kịch thị trường như hài kịch, tạp kỹ, những vở diễn giải trí, nhưng việc nỗ lực mang những tác phẩm chính kịch cho khán giả của các đơn vị nhà hát cho thấy trách nhiệm của nghệ sĩ đối với đất nước, ở những sự kiện trọng đại của dân tộc. Mặc dù là dòng chủ lưu và giữ vai trò quan trọng trong bức tranh sân khấu Việt Nam nhưng có một thực tế, sân khấu kịch vẫn khan hiếm những vở diễn mới, hay về đề tài chính luận.
Trong đó phải kể tới những vở diễn phản ánh cuộc sống hiện đại với những vấn đề nóng hổi thời cuộc trong đời sống dân sinh, xã hội. Vì thế, nhiều đơn vị nhà hát dàn dựng lại các vở diễn từng có tiếng vang trong lịch sử sân khấu. Tuy nhiên, để đi đường dài, sân khấu Việt luôn cần sự vào cuộc tích cực của những nhà biên kịch, những tác giả tài năng để có thêm nhiều tác phẩm xứng tầm.
Nhà viết kịch Chu Thơm khẳng định, các vở diễn đề tài chính luận luôn mang những giá trị thời đại. Trong tương lai, thể loại chính luận sẽ tiếp tục được phát triển tại các sân khấu kịch. Tuy nhiên, để dòng kịch này phát huy mạnh mẽ nhất thì ngoài sự chủ động của các đơn vị nghệ thuật, sự hỗ trợ của Nhà nước thì sự tham gia tích cực của các nguồn lực xã hội hóa vô cùng quan trọng. Điều này giúp tác phẩm lan tỏa rộng rãi đến công chúng thông qua các hình thức thiết thực như tài trợ suất diễn, tổ chức các đội lưu diễn tuyên truyền...