Để cạnh tranh với mạng xã hội, báo chí cần quay về với những giá trị cốt lõi

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí muốn giữ vững trận địa của mình phải làm khác mạng xã hội, quay về với những giá trị cốt lõi của báo chí với tin xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, ngày 12/11. (Ảnh: DUY LINH)

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, ngày 12/11. (Ảnh: DUY LINH)

Thông tin đi từ báo chí phải định hướng được dòng chảy chính trên không gian mạng

Ngày 12/11, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền thông. Một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm là nâng cao vai trò của báo chí chính thống.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Khi mạng xã hội ra đời, có thể nói nó lấy mất nghề của báo chí. Trong nhiều năm nay, báo chí tập trung vào đưa tin nhưng giờ đây mạng xã hội đưa tin nhanh hơn. Mạng xã hội họ có hàng chục triệu phóng viên không mất tiền, ở khắp mọi nơi”.

Theo Bộ trưởng, báo chí muốn giữ vững trận địa của mình phải làm khác mạng xã hội, quay về với những giá trị cốt lõi của báo chí với tin xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp.

Thay vì đưa tin thì cần phân tích đánh giá, thay vì bình luận thì đưa ra giải pháp, thay vì đưa tin thì kể câu chuyện... để dẫn dắt, định hướng xã hội.

Trước đây trong không gian thực thì báo chí là chủ đạo. Giờ đây trên không gian mạng thì những thông tin xuất phát từ báo chí phải định hướng được dòng chảy chính. Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam xác định đây là định hướng chính để xác định lại vị trí, vai trò của báo chí cách mạng.

“Chúng tôi cũng xác định cách tốt nhất để cạnh tranh với mạng xã hội là làm khác mạng xã hội, quay về những giá trị cốt lõi của mình. Sử dụng những công nghệ của mạng xã hội để làm báo, tương tác hai chiều, coi mạng xã hội là công cụ, nền tảng và môi trường để xuất hiện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tham gia chất vấn, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đặt vấn đề, bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí sẽ phải giải quyết thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại, làm tốt vai trò của người lính xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: DUY LINH)

Hồi âm đại biểu, Bộ trưởng cho biết, cách đây nhiều năm, khi kinh tế thị trường mới vào Việt Nam, các doanh nghiệp bắt buộc quảng cáo để bán hàng. Vì thế, họ chi khá nhiều tiền cho quảng cáo và chỉ có một phương tiện là báo chí.

Lúc đó ít các cơ quan báo chí và các cơ quan báo chí cũng mong muốn được tự chủ tài chính, không dùng ngân sách nhà nước. Nhưng khi mạng xã hội xuất hiện đã lấy mất 80% quảng cáo trực tuyến, còn cả trực tiếp và trực tuyến mất khoảng 60%. Trong khi đó các cơ quan báo chí có số lượng lớn với 880 cơ quan.

Bộ trưởng đặt câu hỏi lúc này số lượng cơ quan báo chí tăng và nguồn thu lại giảm thì ứng xử thế nào?

Trong Chỉ thị Thủ tướng Chính phủ ban hành về truyền thông chính sách có yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình. Ngoài chuyện chủ động cung cấp thông tin thì có ngân sách hàng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng ngân sách đặt hàng báo chí.

Do vậy từ năm 2023, chính quyền các cấp đã tăng ngân sách, đặt hàng cho báo chí.

Theo Bộ trưởng, khi sửa Luật Báo chí tới đây sẽ có riêng một mục nói về kinh tế báo chí. Trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực về truyền thông. Nhưng ở đây kinh doanh là để làm báo.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, nếu báo chí chạy theo mạng xã hội thì sẽ đứng ở phía sau, phải dùng công nghệ số để lấy lại trận địa, tăng số lượng đọc giả, từ đó quảng cáo sẽ tăng lên.

Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí có nội dung rất quan trọng là Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông với những điều kiện, cơ chế đặc thù.

Chán nản với tin tiêu cực, nhiều bạn đọc quay về báo chí tích cực

Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) cho biết, trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông có nhận định, nhiều cơ quan báo chí hiện nay đã bảo đảm tự chủ một phần chi thường xuyên, tuy nhiên kinh tế báo chí vẫn là thách thức với sự phát triển.

Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ việc áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, cơ chế đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ nguồn ngân sách nhà nước đối với cơ quan báo chí hiện nay đã và đang triển khai như thế nào, có gặp khó khăn gì không?

Và theo đại biểu, có bao nhiêu cơ quan báo chí thực hiện được nội dung này?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến thông tin truyền thông đã ban hành được khoảng 80%, phấn đấu đến cuối năm nay hoặc quý II năm sau sẽ hoàn thành 100%.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: DUY LINH)

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: DUY LINH)

Theo Bộ trưởng, một số quy định trước đây rất khó, giao cho cơ quan chủ quản dựa trên hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông để họ ban hành định mức nhưng nhiều cơ quan chủ quản không đủ năng lực ban hành.

Các định mức kỹ thuật mới đang được làm rất thông thoáng, để thẩm định, phê duyệt đơn giản hơn rất nhiều.

Bộ trưởng cho biết, theo thông tin từ trợ lý ảo thì chỉ có 5 bộ, ngành và 3 cơ quan báo chí giải quyết được vấn đề xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật. Con số này là quá ít.

Nêu vấn đề chất vấn, đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) nhận định, các tin tức giật gân thường thu hút sự chú ý, trong khi tác phẩm báo chí về tấm gương người tốt, việc tốt lại ít được quan tâm.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để báo chí phát huy vai trò là kênh truyền tải hiệu quả tấm gương người tốt, lan tỏa giá trị nhân ái, cũng như giải pháp để cơ quan báo chí duy trì chất lượng, sự trung thực trong thông tin trước sức ép của nguồn quảng cáo, nhà tài trợ.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, có việc các doanh nghiệp tác động đến cơ quan báo chí thông qua hỗ trợ truyền thông để “lái” báo chí theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ có rà soát, phát hiện, đánh giá, xử lý vấn đề trên. Hiện nay, Bộ đã ban hành quy định nói rõ bảo hộ truyền thông giữa doanh nghiệp và báo chí, tránh việc lợi dụng.

Cùng đó, báo chí hoạt động trên không gian mạng đã có nhiều công cụ mới để rà quét. Bộ đã quy định tiêu chí đánh giá về thông tin tiêu cực, tích cực trên báo chí. Theo đó, định mức thông tin tích cực phải trên 60%, thông tin trung tính chiếm 25%, thông tin tiêu cực khoảng 15%.

“Hiện nay có một thuận lợi là rất nhiều người sử dụng sử dụng mạng bắt đầu chán nản với những thông tin tiêu cực, làm cho mình mất năng lượng và mọi người lại quay về với những thông tin tích cực nhiều hơn, lan tỏa quan hệ tích cực”, Bộ trưởng cho biết.

VĂN TOẢN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/de-canh-tranh-voi-mang-xa-hoi-bao-chi-can-quay-ve-voi-nhung-gia-tri-cot-loi-post844435.html
Zalo