Để các hộ kinh doanh tự nguyện 'trưởng thành'
Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) trong 2 năm liên tiếp kể từ khi phát sinh thu nhập chịu thuế đối với DN được thành lập mới từ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Chính sách được nhìn nhận không chỉ góp phần giảm gánh nặng tài chính trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, mà còn tạo động lực để các hộ kinh doanh từng bước hòa nhập vào hệ sinh thái kinh tế chính thức.

Rất cần thêm những đòn bẩy để khuyến khích hộ kinh doanh lớn lên thành doanh nghiệp. Ảnh: M.Hoa.
Miễn thuế 2 năm liên tiếp
Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Bộ Tài chính đề xuất quy định về miễn Thuế TNDN đối với DN chuyển đổi từ hộ, cá nhân kinh doanh.
Cụ thể, tại khoản 4 Điều 15 quy định: DN được thành lập mới từ hộ kinh doanh và có doanh thu không quá 50 tỷ đồng/năm sẽ được miễn thuế thu nhập DN trong hai năm liên tiếp kể từ khi phát sinh thu nhập chịu thuế.
Thời gian miễn thuế quy định tại khoản này được tính liên tục từ năm đầu tiên DN có thu nhập chịu thuế, trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong 3 năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu thì thời gian miễn thuế được tính từ năm thứ tư.
Trường hợp trong kỳ tính thuế đầu tiên của DN có thời gian sản xuất, kinh doanh được miễn thuế dưới 12 tháng, DN được lựa chọn hưởng miễn thuế ngay kỳ tính thuế đó hoặc đăng ký với cơ quan thuế thời gian bắt đầu được miễn thuế từ kỳ tính thuế tiếp theo.
Trường hợp DN đăng ký thời gian miễn thuế vào kỳ tính thuế tiếp theo thì phải xác định số thuế phải nộp của kỳ tính thuế đầu tiên để nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
Hết thời gian miễn thuế và thời gian hưởng ưu đãi thuế (nếu có) quy định tại khoản này, DN thực hiện mức thuế suất thuế 15% với doanh thu không quá 3 tỷ đồng/năm và 17% với doanh thu từ trên 3 tỷ đến 50 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, quy định cũng nêu rõ: DN thành lập mới để được hưởng miễn thuế theo diện này phải là DN đăng ký kinh doanh lần đầu. Các trường hợp thành lập DN mới nhưng người đại diện theo pháp luật (trừ trường hợp không phải là thành viên góp vốn), thành viên hợp danh hoặc người có tỷ lệ vốn góp cao nhất đã từng tham gia điều hành DN khác đang hoạt động, hoặc DN đã giải thể chưa quá 12 tháng trước đó, sẽ không thuộc diện được hưởng chính sách miễn thuế.
Cần chính sách tạo đà cho hộ kinh doanh
Đánh giá về quy định miễn Thuế TNDN trong 2 năm đầu đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển đổi lên DN, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một chính sách hợp lý, đúng thời điểm và cần thiết để thúc đẩy tiến trình chính thức hóa khu vực kinh tế phi chính thức.
TS Trần Khắc Tâm - Phó Chủ tịch Hội đồng các Hiệp hội DN Đồng bằng sông Cửu Long nhấn mạnh, chính sách này tạo tâm lý yên tâm, giảm áp lực tài chính cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh khi vừa chuyển đổi. Từ đó khuyến khích quá trình chuyển đổi mạnh mẽ.
Nhiều quan điểm cũng cho rằng chính sách miễn thuế không chỉ mang lại lợi ích tài chính trực tiếp cho hộ kinh doanh mới chuyển đổi, mà còn tạo động lực để họ từng bước tiếp cận hệ sinh thái doanh nghiệp chính thức, minh bạch hơn trong giao dịch, dễ dàng hơn khi tiếp cận tín dụng, mở rộng thị trường và tăng khả năng cạnh tranh lâu dài.
Nếu được triển khai đồng bộ với cải cách thủ tục hành chính thuế, kế toán đơn giản và hỗ trợ tư vấn pháp lý, thì chính sách miễn thuế 2 năm không chỉ giúp tăng số lượng DN, mà còn nâng cao chất lượng khu vực kinh tế tư nhân trong dài hạn.
Theo số liệu thống kê, tính đến đầu năm 2025, cả nước có hơn 940.000 DN đang hoạt động. Trong khi đó Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân đặt ra mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 2 triệu DN đang hoạt động. Như vậy, để có 2 triệu DN vào năm 2030, cần phải có thêm gần 1,1 triệu DN mới trong vòng 5 năm tới.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, để có một lực lượng DN hùng hậu, rất cần có những đòn bẩy để tạo động lực cho khu vực DN nhỏ và vừa phát triển, trong đó số lượng hộ kinh doanh cá thể bổ sung vào cộng đồng DN là hết sức quan trọng. Do đó, rất cần những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các hộ kinh doanh lớn mạnh lên thành DN.