Đề án sắp xếp đơn vị hành chính của Hà Nội cần tính tới đặc trưng về lịch sử, văn hóa
'Đảng ủy UBND thành phố khẩn trương hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Trung ương, đảm bảo làm rõ những đặc trưng của Hà Nội về lịch sử, văn hóa và những quy hoạch mang tính lâu dài của thành phố', Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu.
Văn phòng Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo Kết luận Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý I/2025.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thay mặt Thường trực Thành ủy kết luận hội nghị. Ảnh: PV.
Thường trực Thành ủy yêu cầu Đảng ủy UBND thành phố khẩn trương hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Trung ương, đảm bảo làm rõ những đặc trưng của Hà Nội về lịch sử, văn hóa và những quy hoạch mang tính lâu dài của thành phố; đồng thời, thực hiện các trình tự, thủ tục xây dựng và thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định hiện hành.
Theo yêu cầu của Thường trực Thành ủy, các cơ quan, ban, ngành, các quận, huyện, thị ủy trên địa bàn thành phố khẩn trương tiến hành rà soát, thống kê và đánh giá đội ngũ cán bộ nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu tổng thể, làm tiền đề để bố trí, phân công sắp xếp cán bộ, đảm bảo công khai, minh bạch, công tâm, khách quan, tuyệt đối không xảy ra tiêu cực.
Theo Thường trực Thành ủy Hà Nội, trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, các cơ quan, quận, huyện, thị ủy có trách nhiệm đảm bảo các hoạt động diễn ra một cách liên tục, không bị gián đoạn, đồng thời không gây ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, người dân và doanh nghiệp.
Tại Hội nghị giao ban Quý I/2025 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã, lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội thông tin, hiện nay, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn. Nếu thực hiện theo tỷ lệ định hướng của Trung ương, Hà Nội sẽ giảm từ 526 phường, xã, thị trấn xuống còn 263 đơn vị hành chính cấp xã.
Về phương án đặt tên, có hai phương án. Một là đặt tên theo định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là tên gọi của xã, phường mới hình thành sau sắp xếp cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học; khuyến khích đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin, ví dụ: Thanh Xuân 1, Thanh Xuân 2, Đan Phượng 1, Đan Phượng 2...
Hai là đề xuất đặt tên đối với các đơn vị hành chính nội đô lịch sử, có truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng, có tính đại diện của đất nước và Thủ đô. Lựa chọn 1 đơn vị hành chính tiêu biểu để đặt tên, các đơn vị hành chính liền kề được lấy theo tên các địa danh lịch sử, văn hóa, cách mạng tiêu biểu khác tránh sự trùng lặp. Ví dụ: Hoàn Kiếm (đơn vị đặt tên là Hoàn Kiếm); Đống Đa (một đơn vị đặt tên là Đống Đa; một đơn vị đặt tên là Kim Liên, một đơn vị đặt tên là Văn Miếu - Quốc Tử Giám).