ĐBSCL tìm lời giải bài toán nhân lực chất lượng cao - Bài 3: Nâng chất đào tạo cùng chính sách đãi ngộ

Trước thực tế nguồn nhân lực chất lượng cao (NLCLC) thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL, một số chuyên gia, lãnh đạo địa phương trong vùng và doanh nghiệp đã có những gợi mở, đề xuất hướng tháo gỡ, nâng chất…

* Ông NGUYỄN VĂN ÚT, Chủ tịch UBND tỉnh Long An: Có kế hoạch đáp ứng NLCLC từ xa

Để đảm bảo nguồn NLCLC cho các doanh nghiệp FDI ngày càng đầu tư nhiều vào Long An, thời gian qua, bên cạnh việc đẩy mạnh đào tạo, nâng chất đội ngũ lao động, lãnh đạo tỉnh Long An thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp để biết họ cần nguồn lực lao động thế nào, từ đó địa phương có kế hoạch đáp ứng từ xa.

Chẳng hạn, các doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất nhân lực làm việc phải biết tiếng Hàn lưu loát. Hiện nay, Long An đang xem xét mở khoa tiếng Hàn tại trường đại học ở địa phương và đề nghị phía Hàn Quốc hỗ trợ giáo viên dạy tiếng Hàn. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng cam kết “đặt hàng”, tuyển dụng sinh viên ra trường hàng năm. Ngoài ra, Long An đang xây dựng 71 chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có đội ngũ nhân lực phục vụ cho các doanh nghiệp Đài Loan, Hoa Kỳ đang đầu tư tại địa phương.

* Ông TRẦN VIỆT TRƯỜNG, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: Việc tìm người - Người tìm việc

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu hút, phát triển thị trường lao động cũng như tuyển dụng lao động, nhất là lao động chất lượng cao, UBND TP Cần Thơ đã xây dựng cơ sở dữ liệu người lao động “Việc tìm người - Người tìm việc”. Thông qua cơ sở dữ liệu này, doanh nghiệp và các cơ quan tuyển dụng lao động sẽ thu thập, cập nhật, lưu trữ, tổng hợp dữ liệu thông tin thị trường lao động, phục vụ xây dựng chính sách, quản trị thị trường lao động trên cơ sở tối ưu hóa việc kết nối, chia sẻ với dữ liệu đã có.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng, kết nối các cơ quan quản lý nhà nước về lao động, trung tâm dịch vụ việc làm, trường đào tạo nghề; cải thiện thu nhập, chế độ đãi ngộ hợp lý (phù hợp về chi phí đi lại, tiền ăn, nơi ở…) để có thể thu hút và giữ chân người tài gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

 Các sinh viên Đại học Nam Cần Thơ thực hành tại xưởng bảo dưỡng ô tô. Ảnh: TUẤN QUANG

Các sinh viên Đại học Nam Cần Thơ thực hành tại xưởng bảo dưỡng ô tô. Ảnh: TUẤN QUANG

* Ông TRƯƠNG CẢNH TUYÊN, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang: Tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ

Hậu Giang xác định việc đánh giá chất lượng hàng năm đối với cán bộ công chức, người lao động là rất quan trọng, là cơ sở để thực hiện tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành trực thuộc, các cơ quan, đơn vị địa phương tăng cường công tác giám sát, thực thi công vụ, dân chủ, khách quan trong đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức cuối năm. Qua đó, sử dụng hiệu quả NLCLC được đào tạo, bồi dưỡng; phát huy được năng lực, sở trường làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Đặc biệt, sẽ thực hiện có hiệu quả và phấn đấu đạt các mục tiêu Nghị quyết số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đối với chính sách thu hút nguồn nhân lực, Hậu Giang tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 22 của HĐND tỉnh, quy định chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học, khuyến khích tự đào tạo sau đại học, thu hút nhân lực, biệt phái và luân chuyển trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, thực hiện tốt công tác rà soát, quy hoạch nguồn nhân lực, đặc biệt là NLCLC đối với những ngành, lĩnh vực tập trung phát triển: công nghiệp, nông nghiệp đô thị và du lịch.

* Ông VÕ THANH PHONG, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng hải Hậu Giang: Hỗ trợ chi phí đào tạo chuyên sâu

Trong bối cảnh NLCLC ngành logistics thiếu trầm trọng, thời gian qua, các địa phương đã đề xuất các trường đại học trong vùng ĐBSCL cần thiết phải đào tạo ngành này, đến nay có trường Đại học Cần Thơ, Đại học Nam Cần Thơ, Đại học Trà Vinh, Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ đưa vào đào tạo. Năm 2024, khóa sinh viên ngành logistics đầu tiên của Đại học Cần Thơ (cũng là trường đầu tiên đào tạo ngành logistics ở ĐBSCL) tốt nghiệp, hy vọng sẽ góp phần giải cơn “khát” NLCLC logistics ở khu vực Tây Nam bộ. Để phát huy năng lực, sở trường của sinh viên ngành logistics mới ra trường, đồng thời ngăn tình trạng “chảy máu chất xám”, công ty sẽ tuyển dụng các em ngay sau khi ra trường và cho đào tạo thực tiễn với từng ngành nghề trong chuỗi của từng doanh nghiệp. Qua đó tạo nguồn NLCLC ngành logistics phong phú cho địa phương và cho vùng.

Theo tôi, để có nguồn NLCLC dồi dào, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho nhân lực ngành logistics, như thường xuyên (hoặc định kỳ) tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo chuyên ngành do sở ngành tổ chức với kinh phí ngân sách tài trợ 100%; hoặc tài trợ một phần cho các tổ chức kinh tế, đào tạo, doanh nghiệp tổ chức các hội nghị chuyên đề về logistics. Nghiên cứu giảm một phần học phí (trong một thời hạn nhất định) cho các sinh viên ngành logistics ở các trường đào tạo từ cấp đại học trở xuống.

* Ông NGÔ MINH LONG, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang: Đào tạo nguồn nhân lực cho hợp tác xã

Bên cạnh những chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài của tỉnh, Nhà nước cần có chính sách đặc thù cho đội ngũ công chức, viên chức trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, nguồn nhân lực cho các hợp tác xã (HTX) cũng rất quan trọng. Vì hiện nay, việc phát triển nguồn nhân lực cho các HTX còn tồn tại nhiều vấn đề như: Hầu hết cán bộ quản lý HTX đều lớn tuổi, trình độ của đội ngũ cán bộ ở một số HTX còn thấp, năng lực tiếp cận công nghệ cũng như khả năng thích ứng với thị trường còn hạn chế. Đây là lực cản đối với sự phát triển của HTX. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phối hợp các viện, trường, các tổ chức nước ngoài (Agriterra của Hà Lan; DRGV của Đức) hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX nông nghiệp cho các chức danh: giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị HTX. Hỗ trợ đào tạo lãnh đạo HTX tiếp cận tri thức mới về nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn; tiếp cận kiến thức cơ bản về kinh tế thị trường, kỹ năng truyền thông, kỹ năng bán hàng, kỹ năng tiếp cận công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Đồng thời, thực hiện chính sách thu hút cán bộ quản lý và khoa học về công tác tại các HTX: ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% tiền lương cho cán bộ quản lý và khoa học có chuyên ngành đào tạo phù hợp, được đại hội thành viên thống nhất nhận về công tác tại HTX, liên hiệp HTX (mỗi đơn vị được hỗ trợ một đối tượng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 năm).

* TS - BS TRẦN CHÍ CƯỜNG, Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ: Đồng bộ giữa thiết bị hiện đại và nguồn nhân lực

Ở đây, xin đề cập đến nguồn NLCLC trong ngành y tế ĐBSCL. Đầu tiên phải xây dựng hệ thống y tế trước, sau đó mình mới biết nguồn NLCLC sẽ nằm ở đâu. NLCLC hiện nay thường tập trung chủ yếu ở tuyến tỉnh. Mỗi tỉnh cần có đánh giá về lượng bệnh nhân để xây dựng nguồn NLCLC. Ví dụ, ở tỉnh mình thường xuyên xuất hiện các ca đột quỵ, thì phải đào tạo đội ngũ về vấn đề xử lý đột quỵ hoặc là mổ sọ não. Thứ nữa là trang thiết bị công nghệ, ví dụ đào tạo xong một bác sĩ chuyên khoa hay tiến sĩ mà bệnh viện không có trang thiết bị thì bác sĩ chuyên ngành cũng không làm được. Cho nên, vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành y tế phải đồng bộ với đầu tư thiết bị y tế hiện đại.

Ngành y tế cần quan tâm là làm sao để nuôi nguồn NLCLC? Nguồn NLCLC đa phần tự bỏ tiền đầu tư vào học tập, nghiên cứu chuyên ngành lựa chọn. Do đó, ngành y tế phải có ưu đãi hợp lý để giữ chân nguồn nhân lực. Một điều cần lưu ý khác nữa là nguồn NLCLC ngành y tế phải có nguồn bệnh để bác sĩ hành nghề. Nghề bác sĩ liên quan đến thực hành, một bác sĩ chuyên khoa giỏi về mổ tim mà suốt năm không có ca nào để mổ tim, về lâu dài sẽ bị lụt nghề.

* Ông TRẦN THÁI NGHIÊM, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ: Đãi ngộ cán bộ nông nghiệp ở vùng sâu vùng xa

Để thu hút NLCLC, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay, cần thiết phải thay đổi chương trình đào tạo cho lực lượng sinh viên phù hợp theo yêu cầu về phát triển nông nghiệp trong thời đại ngày nay. Thu hút sinh viên theo học các ngành về nông nghiệp và hỗ trợ cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Có chính sách để thu hút và đãi ngộ tương xứng hơn cho nhân lực nông nghiệp có trình độ và chính sách đãi ngộ về thu nhập cho cán bộ nông nghiệp ở xã, cán bộ nông nghiệp công tác ở vùng sâu vùng xa…

NHÓM PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dbscl-tim-loi-giai-bai-toan-nhan-luc-chat-luong-cao-bai-3-nang-chat-dao-tao-cung-chinh-sach-dai-ngo-post747480.html
Zalo