ĐBSCL kiến tạo cực tăng trưởng mới sau sáp nhập để vươn mình ra biển lớn
Việc không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và đặc biệt là sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh để tối ưu hóa nguồn lực, khắc phục những hạn chế cố hữu đã kìm hãm sự phát triển của vùng trong nhiều năm qua.
Kiến tạo cực tăng trưởng mới
Chủ trương sáp nhập tỉnh đã hình thành nên những cực tăng trưởng mới với những lợi thế đặc thù. Tỉnh Đồng Tháp mới sẽ có niềm tự hào sở hữu hơn 120.000ha cây ăn trái, giữ vị trí hàng đầu cả nước. Trong khi đó, Cà Mau sẽ trở thành "thủ phủ tôm" với diện tích nuôi trồng thủy sản lên tới 450.000ha, đứng đầu cả nước về cả diện tích lẫn sản lượng.

Cà Mau và Bạc Liêu hợp nhất có nhiều thế mạnh, trong đó lĩnh vực nuôi và chế biến tôm đứng đầu cả nước
Ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở Tài chính Cà Mau (cũ) đánh giá cao tiềm năng khi Cà Mau và Bạc Liêu hợp nhất. Điều thấy rõ là kiến tạo một không gian phát triển rộng lớn, hài hòa, không chỉ hứa hẹn đưa lĩnh vực thủy sản đột phá mà còn có các tiềm năng khác để phát triển thành một vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, theo định hướng của Trung ương.
“Cà Mau và Bạc Liêu có 3 tiềm năng, lợi thế chủ yếu, tương đồng nhau. Thứ nhất đó là lĩnh vực thủy sản, thứ hai là tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đề án xuất khẩu điện sẽ mở cơ hội cũng rất lớn. Bây giờ sáp nhập hai tỉnh lại cũng tạo ra cơ hội phát triển du lịch rất lớn”, ông Thánh nêu rõ.
Không dừng lại ở nội vùng, chủ trương sắp xếp tỉnh còn “mở cánh cửa” cho liên kết liên vùng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. ĐBSCL sẽ kết nối từ Đồng Tháp mới qua tỉnh Tây Ninh mới để thẳng tiến đến vùng công nghiệp trọng điểm lớn nhất nước là Đông Nam bộ.
Điều này tạo ra một hành lang kết nối thuận lợi với một siêu đô thị, siêu thị trường hơn 13,6 triệu dân là TP.HCM (sau khi sáp nhập cùng Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu). Cùng với sự hình thành các tuyến cao tốc Bắc Nam trong tương lai gần và xa hơn là đường sắt tốc độ cao, TP.Cần Thơ sẽ trở thành điểm kết nối trung tâm của đồng bằng, tạo lợi thế lớn để phát triển mọi mặt, đặc biệt về thế mạnh nông, thủy sản.

Cần Thơ sẽ trở thành trung tâm kết nối hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL
Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&MT, khi TP.Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng sáp nhập sẽ có tiềm năng lớn về phát triển vùng trồng lúa chất lượng cao, chiếm khoảng 80% của cả vùng, đặc biệt là giống ST-25.
Ông Nam kỳ vọng, khi đã liên kết thành vùng nguyên liệu lớn, TP.Cần Thơ mới sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện đề án 1 triệu ha lúa phát thải thấp. Đồng thời, trở thành trung tâm phát triển mạnh công nghiệp chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông sản đặc sản, có giá trị gia tăng cao, dẫn dắt cả khu vực ĐBSCL tiến lên và khẳng định vị thế, sức cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường quốc tế.
“Năng lực chế biến của 3 tỉnh này khi mà nhập lại rất là lớn, nó chiếm khoảng là 40 % của ĐBSCL. Các đơn vị xuất khẩu chủ lực cũng là ở đây. Năm 2024 tổng kim ngạch xuất khẩu của ba tỉnh này khoảng 3,7 tỷ USD và chủ yếu là tôm vào và gạo. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn này, các đầu mối này gắn kết với các vùng nguyên liệu đạt chuẩn thì rất ít, cho nên vẫn là vấn đề cạnh tranh, “tranh mua tranh bán” cho nên dẫn đến là vấn đề giá cả rất là ảnh hưởng”, ông Nam cho biết.
Tiềm năng hướng biển
Sau sắp xếp, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều hướng ra biển, với tiềm năng to lớn. 5 tỉnh thành trong vùng sở hữu hơn 700km đường bờ biển, cùng các cửa ngõ vươn ra đại dương được mở, hứa hẹn giảm đáng kể chi phí logistics cho 70% hàng hóa xuất khẩu của vùng.
TP.Cần Thơ sau sáp nhập sẽ sở hữu tuyến đường vận tải thủy, hàng hải huyết mạch của vùng qua cảng Trần Đề ra biển Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, còn có tiềm năng về kinh tế biển, gồm: du lịch biển đảo, năng lượng tái tạo ngoài khơi, nuôi thủy sản.

TP Cần Thơ mới sở hữu tuyến đường thủy, hàng hải huyết mạch qua cảng Trần Đề
Tỉnh An Giang mới, với diện tích và dân số đứng đầu trong vùng vùng ĐBSCL, không chỉ có biên giới mà nay còn có đường bờ biển dài hơn 200km, mở ra nhiều lợi thế phát triển các tiềm năng. Tất cả sẽ bổ sung cho sự phát triển bền vững của vùng, đặc biệt trong bối cảnh ĐBSCL phải ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, người dân phường Bình Đức, tỉnh An Giang bày tỏ sự phấn khởi: “Việc bỏ cấp huyện, sáp nhập tỉnh, giảm bớt đơn vị cấp xã,.. làm người dân rất phấn khởi và đồng tình ủng hộ. Như An Giang với Kiên Giang nhập lại thì có thêm biển. Khi nhập tỉnh như vậy sẽ tạo ra điều kiện mới, tạo ra sức bật mới cho tỉnh mới phát triển”.

Tỉnh An Giang mới sẽ có diện tích và dân số lớn nhất vùng, hứa hẹn đầy tiềm năng phát triển
Dù chủ trương sắp xếp tỉnh, bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp xã rõ ràng tạo ra rất nhiều lợi thế phát triển, nhưng những khó khăn, thách thức không phải không có. Từ lâu, nhiều địa phương vùng ĐBSCL vẫn nêu vướng mắc về cơ chế, chính sách để tạo đà bứt phá; người dân vẫn gặp khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính; doanh nghiệp vẫn than phiền nhiều về các quy định ràng buộc sự phát triển.
Thách thức còn đó: Từ cơ chế, nhân lực đến thu hút đầu tư
Ông Lê Hoàng Phước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, thẳng thắn nêu vấn đề: “Trong những buổi cà phê doanh nhân cuối tuần, doanh nghiệp phản ánh các vấn đề toàn bộ nằm trong cơ chế. Doanh nghiệp người ta phản ánh thấy đau xót lắm, trúng thì nhà nước hưởng, chệch là doanh nghiệp phải ôm. Đề nghị nhanh chóng giải quyết những vấn đề tồn đọng, vướng mắc do cơ chế, chính sách, quy định của Cà Mau mà hiện giờ đang còn vướng cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp. Những vướng mắc, tồn đọng là về tài nguyên, môi trường, đất đai, thuế, bảo hiểm”.
Khi bộ máy còn nhiều cấp, chồng chéo, nhiều đơn vị cùng xử lý một việc rất dễ xảy ra bất cập. Vấn đề này không chỉ riêng của một địa phương nào mà tồn tại ở bất cứ tỉnh nào trong vùng. ĐBSCL đã được sắp xếp thành 5 tỉnh, thành; bộ máy từ cơ quan Đảng, chính quyền đến mặt trận đều giảm tương ứng; không còn cấp huyện; số cấp xã giảm mạnh. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử, hứa hẹn giảm nguồn lực đầu tư rất lớn cho bộ máy để chuyển sang đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân mong muốn công cuộc sáp nhập sẽ mang tới hiệu quả thực chất trong phục vụ người dân
Vấn đề còn lại, các tỉnh trong vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục thực hiện tinh gọn, cải cách thế nào để bộ máy mới thực sự hiệu lực, hiệu quả. Tại buổi tiếp xúc cử tri trong tháng 4 vừa qua tại tỉnh An Giang, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã lưu ý, chính quyền 2 cấp cần phải thực sự phục vụ nhân dân.
“Chính quyền 2 cấp là để cấp xã thực sự gần dân, sát dân và quản trị theo cách mới. Tức là chủ động phục vụ nhân dân. Câu chuyện còn lại là trách nhiệm của cấp ủy, của chính quyền địa phương, của nhân dân ở 2 tỉnh khi sáp nhập. Tôi mong rằng các lãnh đạo tỉnh, từ trách nhiệm, từ tinh thần vì đất nước, vì quê hương mình để chúng ta tính toán một cách sát thực, hợp với lòng dân, hợp với lòng cán bộ và tạo ra sự phát triển mới cho quê hương, như mong muốn của Đảng, của Nhà nước”, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Những vấn đề tồn tại dai dẳng của vùng châu thổ Cửu Long những năm qua như: thu hút đầu tư kém, thiếu việc làm, di dân,… vẫn được xem là những rào cản hiện hữu trong tương lai.
Phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trong cuộc làm việc với Ban thường vụ các địa phương Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang đã nêu rõ, mặc dù là trung tâm phát triển của vùng ĐBSCL, nhưng thách thức của TP. Cần Thơ sau khi sáp nhập vẫn là công tác thu hút đầu tư chưa thật sự tương xứng với vị trí đầu tàu. Bên cạnh đó, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ cũng chưa đáp ứng yêu cầu.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, TP Cần Thơ mới cần khắc phục được hạn chế về thu hút đầu tư và chất lượng nguồn nhân lực
“ĐBSCL nói chung, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng dù có nhiều trường đại học nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài ít có những tập đoàn lớn về đầu tư các dự án tầm cỡ để phát triển cả vùng”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ trương sáp nhập tỉnh và thực hiện địa phương 2 cấp đã giảm được cấp trung gian, giảm đầu mối các đơn vị. Từ đó, giảm chi phí vận hành bộ máy và có thêm nguồn lực đầu tư phát triển. Việc sáp nhập cũng giúp hình thành những cực tăng trưởng với quy mô lớn hơn nhiều lần, tăng cường tính liên kết nội vùng, liên vùng để tạo sức hút đầu tư.