ĐBSCL: Hoa tết sẵn sàng xuống phố
Cuối năm, thời tiết bất lợi (không khí lạnh, mưa trái mùa kéo dài) song nhiều nhà vườn trồng hoa kiểng vùng ĐBSCL đã chủ động, kịp thời ứng phó. Theo đó, tại nhiều làng hoa, nông dân sản xuất hoa kiểng đang phấn khởi, kỳ vọng sức mua cao để có một vụ hoa tết như ý.
Trên cánh đồng hoa tại Làng hoa Mỹ Phong (Tiền Giang), không khí lao động nhộn nhịp của những người nông dân chăm sóc hoa: nhổ cỏ, bắt sâu, bón phân, tưới nước, tỉa cành… với mong muốn cây hoa khỏe, nở kịp tết, sẵn sàng chờ thương lái đến mua.
Chủng loại hoa của làng hoa năm nay chủ yếu là cúc các loại như mâm xôi, Hà Lan, vàng hòe; vạn thọ, cát tường...
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, năm nay hoa, kiểng phục vụ Tết Nguyên Đán địa phương đã trồng được 1,28 triệu chậu, tương đương so cùng kỳ năm trước.
Hiện cây sinh trưởng và phát triển tốt, các nhà vườn đã thỏa thuận cung ứng cho thương lái được khoảng 50%.
* Tại Làng nghề trồng mai Phước Định, huyện Long Hồ (Vĩnh Long), từ ngày 14 tháng Chạp, người dân bắt đầu lặt, tỉa lá mai.
Nhiều nhà vườn phải thuê mướn thêm nhân công để xong dứt điểm trước ngày 18 tháng Chạp, đảm bảo cho hoa nở kịp ngày tết. Không khí làng nghề nhờ đó cũng nhộn nhịp hẳn lên.
Bà Lê Thị Nhỏ, xã Phước Định, huyện Long Hồ có hơn 30 năm trồng mai, chia sẻ, tùy thuộc vào thời tiết mà người trồng mai chọn ngày lặt lá. Nếu tiết trời lạnh, mai sẽ trổ muộn, còn thời tiết nóng, mai sẽ ra hoa sớm hơn.
Vì vậy, không phải cứ đến ngày 13 tháng Chạp là lặt lá hết các cây mai, mà phải xem nụ hoa để canh ngày lặt lá. Đặc biệt, việc tưới nước cũng phải đều đặn, vừa đủ giúp cây ra hoa tốt hơn.
Làng mai Phước Định được biết đến là “thủ phủ” mai ở Tây Nam bộ với hàng chục ngàn cây mai tiểu, trung, đại, doanh thu hàng năm trên 10 tỷ đồng.
* Tại Bến Tre, trên các con đường, thửa ruộng khu vực Làng hoa Chợ Lách đều tràn ngập sắc hoa, hình ảnh người dân đang tất bật hoàn tất những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị mang hoa, cây kiểng ra chợ, tạo nên không khí sôi động của một vùng quê với muôn sắc hoa tươi thắm.
Chợ Lách là vùng trồng hoa kiểng lâu đời và có quy mô lớn nhất ở tỉnh Bến Tre, với hơn 6 ngàn hộ dân chuyên trồng hoa, kiểng.
Theo ông Trần Hữu Nghị, Phó Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, năm nay, tại các làng trồng hoa, cây kiểng của địa phương sản xuất khoảng 12 triệu sản phẩm các loại để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Đến thời điểm hiện tại, một số sản lượng hoa, cây cảnh được thương lái đặt hàng, số lượng còn lại người dân mang ra chợ bán trực tiếp và bán qua kênh online.
Địa phương sẽ liên hệ, kết nối với các chợ hoa tại TPHCM và các tỉnh trong khu vực để người dân thuê lô, sạp tiêu thụ hoa, cây cảnh trong dịp cận tết.
* Tại Làng hoa Sa Đéc, nơi được mệnh danh là thủ phủ hoa lớn bậc nhất miền Tây, hàng triệu giỏ hoa với muôn sắc rực rỡ kịp “ra mắt” thị trường tết này.
Cũng như những làng khác, nhà vườn trồng hoa đang tất bật chăm sóc tỉ mỉ từng bông hoa, cành lá, bắt từng con sâu, nhổ cỏ… cho hoa vào chậu, buộc dây cẩn thận để chuẩn bị lên xe đi khắp các tỉnh thành, phục vụ thị trường tết.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, hoa, kiểng là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.
Những năm gần đây, ngành hàng hoa, kiểng của tỉnh Đồng Tháp đã có bước phát triển vượt bậc, tăng về số lượng và chất lượng, có năng suất cao, đáp ứng nhu cầu của người dân trong và ngoài nước, đem lại lợi nhuận cho người trồng hoa, kiểng Đồng Tháp.
Tổng diện tích trồng hoa, kiểng đạt gần 3.000ha, với trên 2.000 chủng loại, phân bổ tại TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc và các huyện: Lai Vung, Lấp Vò…
Năm nay, ngoài những loại hoa truyền thống như: sống đời, cúc mâm xôi, ớt kiểng, dừa cạn, dạ yến thảo, mắt nai, cát tường… một số loại hoa khó trồng và khó tìm đầu ra đã được nông dân giảm số lượng và thay thế bằng những giống hoa mới được thị trường ưa chuộng như: cúc pha lê, cúc họa mi, cúc Hàn Quốc nhiều màu…