ĐBSCL đối mặt nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng do triều cường và mưa lũ
Theo Ủy ban sông Mekong Việt Nam, sự kết hợp giữa triều cường và mưa lũ có thể gây ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tại nhiều khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong nửa đầu tháng 11.
Đại diện cơ quan này cho biết, tổng lượng mưa trên lưu vực sông Mekong trong nửa đầu tháng 11 dự kiến cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 3-5%, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tài nguyên nước tại ĐBSCL, TTXVN đưa tin.
Hiện tại, lượng nước tích trữ trong các hồ trên sông Lan Thương đã đạt khoảng 95% dung tích hữu ích. Tương tự, các hồ ở hạ lưu vực sông Mekong cũng đã tích được khoảng 80% dung tích.
Theo dự báo, mực nước cao nhất hàng ngày tại trạm Tân Châu (Tây Ninh) trong thời gian tới sẽ dao động theo thủy triều, từ 2,4-2,8m, cao hơn so với mức trung bình nhiều năm.
Lưu lượng nước qua trạm này cũng biến động trong khoảng 15.000-18.800 m3/s, cao hơn so với mức trung bình nhiều năm. Tổng lượng nước chảy qua dự kiến từ 21,9-23,4 tỉ m3, tương đương so với cùng kỳ năm 2023.
Tại trạm Châu Đốc, An Giang, mực nước cao nhất trong ngày dự báo dao động từ 2,2-2,5 m, thấp hơn mức báo động lũ cấp 1. Lưu lượng nước trung bình qua trạm trong cùng thời gian ước tính từ 2.500-3.800 m3/s, tổng lượng nước chảy dự kiến sẽ đạt khoảng 4,5-4,8 tỉ m3.
Do ảnh hưởng của triều cường, mưa cục bộ và dòng chảy từ thượng nguồn, mực nước tại các trạm Tân Châu và Châu Đốc dự báo sẽ thấp hơn mức báo động 1. Tuy nhiên, tại các trạm ở vùng giữa như Cần Thơ và Vĩnh Long, mực nước có thể lên đến báo động 2 hoặc 3. Các trạm ven biển hầu hết sẽ đạt mức báo động 1 trở lên do tác động của triều cường.
Ủy ban sông Mekong Việt Nam cảnh báo nguy cơ ngập lụt cao do triều cường kết hợp mưa lũ tại nhiều địa phương, đặc biệt là Cần Thơ, Vĩnh Long và các khu vực trung tâm của bán đảo Cà Mau.
Các địa phương cần chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ với các vùng trũng, vùng không có đê bao và các khu vực có đê bao yếu để giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt.