ĐBQH Trần Quốc Tuấn: Sửa đổi Luật Điện lực phải đạt đồng thời 02 mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Hiện nay có rất nhiều nguồn lực ngoài nhà nước đã và đang đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, nếu thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, sẽ làm lãng phí lớn nguồn lực xã hội như nhiều trường hợp dự án điện gió, điện mặt trời hiện nay đã hoàn thành nhưng không thể hòa lưới thương mại…
Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, chiều ngày 07/11 Quốc hội tiến hành thảo luận ở Hội trường về Dự án Luật Điện lực sửa đổi.
Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh đã tham gia đóng góp nhiều nội dung quan trọng.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn cơ bản thống nhất việc cần thiết sửa đổi Luật Điện lực, do Luật hiện hành thiếu rất nhiều nội dung đã và đang phát sinh trong thực tiễn, nên cần phải có căn cứ pháp lý cụ thể quy định, hướng dẫn để triển khai thực hiện, phù hợp với xu hướng phát triển chung. Sửa đổi Luật Điện lực cần phải đáp ứng đồng thời cả 02 mục tiêu trước mắt và lâu dài là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trong đó, ĐBQH Trần Quốc Tuấn đặc biệt quan tâm đến nhu cầu cấp thiết cần phải khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên sẵn có, nhất là các dự án điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới để đạt đồng thời 02 mục tiêu nêu trên, vì hiện nay nguồn lực ngoài nhà nước đã và đang đầu tư vào lĩnh vực này rất nhiều, nếu thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, sẽ làm lãng phí lớn nguồn lực xã hội như nhiều trường hợp dự án điện gió, điện mặt trời hiện nay đã hoàn thành nhưng không thể hòa lưới thương mại…
Theo đại biểu, còn rất nhiều nội dung cần phải được nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ lưỡng để hoàn thiện dự án Luật Điện lực sửa đổi, trong giới hạn thời lượng, ĐBQH Trần Quốc Tuấn đề nghị Ban soạn thảo quan tâm, điều chỉnh bổ sung 04 nội dung sau:
Thứ nhất, về khái niệm “Nhà máy điện gió gần bờ” và khái niệm “Nhà máy điện gió ngoài khơi” nêu tại khoản 5 Điều 31 và khoản 1 Điều 39 Dự thảo Luật.
Theo ĐBQH Trần Quốc Tuấn, cả 02 khái niệm này là chưa rõ, chưa thống nhất, khó xác định và sẽ dẫn đến khó thực hiện. Cần điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh: (1) “Nhà máy điện gió gần bờ là nhà máy điện gió trên biển, có toàn bộ tua-bin được xây dựng trong vùng biển 06 hải lý từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm - ra phía biển”; (2) “Nhà máy điện gió ngoài khơi là nhà máy điện gió trên biển, có toàn bộ tua-bin được xây dựng ngoài vùng biển 06 hải lý ra phía biển”.
Việc hoàn chỉnh nội dung như nêu trên là hoàn toàn phù hợp với pháp luật về “giao khu vực biển” đã được quy định tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đang được thực hiện rất ổn định và rõ ràng.
Thứ hai, về quy định điều kiện nhà đầu tư nước ngoài thực hiện phát triển điện gió ngoài khơi, tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung “hình thức đầu tư tư nhân và đầu tư có vốn nước ngoài trên nguyên tắc đảm bảo an ninh quốc phòng” Quy định tại Điều 46 dự thảo Luật.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn cho rằng, dự thảo Luật, chỉ quy định trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được tham gia thực hiện dự án điện gió ngoài khơi, với sự tham gia của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% hoặc cổ phần chi phối. Quy định như vậy sẽ làm hạn chế các nguồn lực đầu tư khác tham gia vào phát triển điện gió ngoài khơi, trong đó có các nguồn lực đầu tư tư nhân và nguồn lực đầu tư có vốn nước ngoài.
Thứ ba, về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đầu tư công.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn đề nghị cần bổ sung vào khoản 4, Điều 27 Dự thảo Luật, với nội dung “loại hình điện gió trên biển” gồm cả “điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi”. Vì ngoài loại hình điện khí, điện gió trên bờ và năng lượng mới được quy định trong dự thảo Luật, thì hiện nay có nhiều nhà đầu tư điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi đang rất cần sự an toàn vốn khi họ bỏ ra một số tiền rất lớn để đầu tư.
Điển hình như họ cần sự bảo đảm của nhà nước trong bảo lãnh đầu tư, chuyển đổi ngoại tệ, cam kết về chuyển giao công nghệ và sử dụng hàng hóa và dịch vụ trong nước… Nếu được bổ sung nội dung này, sẽ thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi tham gia phát triển điện lực trong nước, góp phần lớn vào việc vừa đạt mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhưng cũng vừa thực hiện đúng cam kết quốc tế của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thứ tư, Dự thảo luật cần có quy định chính sách ưu đãi thu hút đầu tư FDI và chuyển giao công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm trong sản xuất thiết bị điện gió đến Việt Nam đầu tư và chuyển giao công nghệ cho các đối tác trong nước.
Điều này giúp nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, Luật cũng cần bổ sung chính sách ưu đãi đối với động nhập khẩu thiết bị lõi của các Dự án Năng lượng tái tạo như tua-bin gió, hay cánh quạt gió… Vì về lâu dài, chúng ta cần phải làm chủ công nghệ chế tạo các loại thiết bị lõi của lĩnh vực năng lượng tái tạo.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn cho rằng, còn rất nhiều nội dung khác cần quan tâm, như các Dự án Điện gió ngoài khơi phải được điều chỉnh tại các điều khoản của Luật Đầu tư và các dự án Luật khác… để có đủ cơ sở pháp lý triển khai thực hiện đầu tư các dự án trên biển…
ĐBQH Trần Quốc Tuấn nêu quan điểm về thời điểm thông qua dự án Luật Điện lực (sửa đổi), đây là nội dung cấp thiết cần phải sớm thông qua, nhưng còn quá nhiều nội dung cần thảo luận thật kỹ để Ban soạn thảo hoàn chỉnh trình Quốc hội lấy ý kiến, nhằm tránh trường hợp Luật được Quốc hội bấm nút thông qua nhưng khó tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, ĐBQH Trần Quốc Tuấn đề nghị Quốc hội cân nhắc thật kỹ lưỡng theo hướng thông qua Luật Điện lực sửa đổi theo quy trình tại 02 kỳ họp, thay vì 01 kỳ họp như Chính phủ trình Quốc hội.