ĐBQH: Thông tư 29 cho thấy nỗ lực rất lớn của Bộ GD để quản lý dạy thêm phù hợp
Đại biểu cho rằng, ngoài việc giám sát, phát hiện để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định dạy thêm thì công tác tuyên truyền cũng rất quan trọng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy định mới về dạy thêm học thêm tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 14/2/2025. Những quy định trong thông tư này hiện đang thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, học sinh.
Công khai đối với hoạt động dạy thêm là thực sự cần thiết
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hậu - Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ đồng tình với các quy định được nêu ra trong Thông tư số 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
"Tôi thấy rằng việc dạy thêm, học thêm vốn không sai, nó chỉ sai khi bị một số người vì chạy theo lợi nhuận kinh tế làm biến tướng hoạt động này. Đặc biệt là việc dạy thêm có thu phí tràn lan hay việc "ép" học sinh chính khóa đi học thêm từng được nhiều phụ huynh phản ánh.
Vì thế, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư mới này chính là hướng đến việc từng bước ngăn ngừa những hành vi làm biến dạng trong dạy thêm học thêm. Thông qua đó, đối với hoạt động dạy thêm, học thêm rất cần các cấp quản lý có biện pháp kiểm soát và xử lý nghiêm khắc khi phát hiện vi phạm, từ đó mới mong chấn chỉnh được tình trạng này", Phó Giáo sư Trần Hậu nhấn mạnh.
Vị Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng nêu quan điểm rằng: “Tại Điều 6 của thông tư này cũng nêu lên yêu cầu về việc công khai đối với các cá nhân, tổ chức có hoạt động dạy thêm, theo tôi điều này là thực sự cần thiết.
Bởi lẽ, việc công khai các thông tin nếu muốn tổ chức hoạt động dạy thêm là để cơ quan quản lý và chính quyền địa phương dễ dàng trong việc kiểm soát chất lượng và điều kiện an toàn khi học thêm của học sinh. Sau khi thông tư chính thức được áp dụng, các cơ quan quản lý cũng nên có đợt tổng rà soát đối với hoạt động dạy thêm và các các trung tâm tổ chức dạy thêm. Qua đó, nếu phát hiện các cơ sở nào không thực hiện nghiêm túc thì ngoài hình thức phạt tiền cũng nên có các chế tài đủ mạnh để, chống tái phạm".
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư mới quy định về dạy thêm học thêm với những điều khoản cụ thể, rõ ràng hơn cho thấy quyết tâm rất lớn của Bộ này trong việc chấn chỉnh và kiểm soát tình trạng dạy thêm tràn lan như hiện nay.
"Qua việc nắm bắt tâm tư của người dân, tôi thấy đa phần các phụ huynh ủng hộ chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc chấn chỉnh hoạt động dạy thêm tràn lan, "ép" học sinh chính khóa đi học thêm.
Như vậy, các quy định trong thông tư không cấm việc dạy thêm, nhưng nó đảm bảo đúng tinh thần tự nguyện với những học sinh có nhu cầu học thêm thực sự. Nó thể hiện khá rõ ở Điều 4 của thông tư này khi nêu lên việc, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường thì không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền với học sinh mà giáo viên đó đang được phân công dạy học theo kế hoạch của nhà trường.
Những quy định này nó vừa có tính nhân văn, song cũng hạn chế được những tiêu cực xảy ra trong hoạt động dạy thêm, học thêm", Đại biểu Dương Minh Ánh nhận định.
Ngoài ra, Đại biểu Dương Minh Ánh cũng đề cập đến việc phân loại đối tượng dạy thêm trong Thông tư 29. Điều này sẽ có tác động rất lớn, hướng dẫn các nhà trường xác định những học sinh trong các lớp dạy thêm đó có đúng quy định hay không. Từ đó có thể điều chỉnh hoặc xử phạt.
Đại biểu Dương Minh Ánh bày tỏ: "Khi có sự phân loại đối tượng được phép tổ chức dạy thêm, có nghĩa là lãnh đạo Nhà trường và cơ quan quản lý xác định được tại lớp học thêm đó là dành cho những học sinh cần phải được bồi dưỡng. Việc này hạn chế giáo viên mở lớp dạy thêm với số lượng lớn "núp bóng" là bồi dưỡng học sinh.
Ngoài việc phân loại đối tượng thì trong Thông tư 29 cũng đề cập đến việc giáo viên tổ chức dạy thêm trong nhà trường thì không được thu tiền của học sinh. Đồng thời, việc chi trả kinh phí cho các buổi học thêm đó được chi trả cũng được quy định rõ là lấy từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Điều này có hiệu quả rất lớn trong việc hạn chế các "tiểu xảo" của giáo viên nếu muốn thu tiền từ học sinh. Bởi lẽ từ quy định này thì đối tượng trả tiền dạy thêm không phải là học sinh, phụ huynh nữa mà chính các nhà trường sẽ chi trả".
Về việc bố trí kinh phí cho hoạt động dạy thêm, Đại biểu Dương Minh Ánh chia sẻ về một số mô hình tại các quốc gia khác trên thế giới khi vị này có dịp tham quan, trải nghiệm.
Theo đó, vị đại biểu này cho biết, tại một số trường học của một số quốc gia họ bố trí những phòng học riêng phục vụ cho hoạt động dạy thêm cho học sinh có học lực yếu. Mỗi học sinh sẽ được 1 giáo viên trực tiếp kèm cặp và ở các khung giờ nhất định và các lớp học này hoàn toàn miễn phí.
Để ngăn được học thêm tràn lan, cần tuyên truyền để phụ huynh hiểu mặt trái của học thêm quá nhiều
Còn theo Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Thông tư 29 là một bước tiến đáng kể trong việc siết chặt quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, đặc biệt là việc cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học và không cho phép dạy thêm có thu tiền đối với học sinh chính khóa.
"Những quy định này đã phần nào giải quyết được những bất cập tồn tại từ lâu trong hoạt động dạy thêm. Việc cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học và không cho phép dạy thêm có thu tiền đối với học sinh chính khóa sẽ giảm bớt áp lực học tập cho học sinh, giúp các em có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, vui chơi và phát triển toàn diện.
Bên cạnh đó, việc không cho phép dạy thêm có thu tiền đối với học sinh chính khóa sẽ hạn chế tình trạng chạy đua điểm số, giúp giáo viên tập trung vào việc nâng cao chất lượng dạy học trên lớp. Hơn nữa, quy định về dạy thêm chỉ dành cho các đối tượng học sinh yếu, kém hoặc học sinh giỏi sẽ giúp đảm bảo tính công bằng trong giáo dục".
Vì thế, theo vị đại biểu này, những quy định tại Điều 5 Thông tư 29 là một nỗ lực đáng ghi nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm tạo ra một môi trường giáo dục công bằng và chất lượng.
Qua đó vị này cho rằng, việc dạy thêm không thu tiền học sinh có thể tạo ra động lực mới cho giáo viên thực sự có tâm huyết với nghề. Bởi lẽ, khi đó giáo viên có thể tập trung vào việc nâng cao chất lượng dạy học, tìm tòi những phương pháp giảng dạy mới hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, theo Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, để quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thêm hiệu quả thì việc tăng cường tuyên truyền để giáo viên hiểu rõ tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng giáo dục và đóng góp cho sự phát triển của học sinh thông qua các buổi bồi dưỡng có chất lượng thay vì chạy theo lợi nhuận kinh tế là điều rất cần thiết.
Đồng thời, cần xây dựng cơ chế khen thưởng và động viên đối với giáo viên có thành tích tốt trong việc dạy thêm để tạo động lực để giáo viên tích cực tham gia hoạt động này.
Bày tỏ một số quan điểm để việc quản lý, giám sát hoạt động dạy thêm, học thêm có hiệu quả, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, ngoài việc thực hiện nghiêm các quy định trong Thông tư 29, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía, bao gồm phụ huynh, nhà trường và nhà quản lý.
Trong đó có việc, nâng cao nhận thức của phụ huynh để hiểu hơn về tác dụng không mong muốn của việc con phải học thêm quá nhiều. Thay vào đó, hãy khuyến khích con em mình học tập đều đặn tại trường, tham gia các hoạt động ngoại khóa để phát triển toàn diện.
"Đối với các Nhà trường, cần tăng cường chất lượng dạy học, trong đó có việc tập trung nâng cao chất lượng dạy học trên lớp, tạo môi trường học tập hấp dẫn, giúp học sinh chủ động tìm tòi, khám phá kiến thức. Đồng thời, cần thường xuyên trao đổi thông tin với phụ huynh về tình hình học tập của con em mình.
Các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Thông tư 29 tại các trường học và các cơ sở dạy thêm. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế tiếp nhận thông tin phản ánh của phụ huynh, học sinh về các trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm. Đối với các trường hợp vi phạm, cần xử lý nghiêm minh để tạo tính răn đe", Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nhấn mạnh.