ĐBQH: Tham nhũng chỉ có một số nơi, nhưng lãng phí có khắp mọi nơi
Chiều 26/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.
Phát biểu tại phiên họp, ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực, xử lý tội phạm rất thuyết phục được Nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ, tài sản tham nhũng được thu hồi có tiến bộ nhưng chưa đạt được như mong muốn, nhiều tài sản thất thoát rất nghiêm trọng, khả năng thu hồi khó khăn, tội phạm thường ở những nơi công vụ, nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, giữa người có quyền và người cần sự trợ giúp để có lợi.
Ông Hòa đề nghị, phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong thanh tra, kiểm toán, khách quan trung thực, phòng ngừa để người ta không dám, không lạm dụng, không tham.
Tham nhũng chỉ là vấn đề bề nổi của “tảng băng chìm”, còn vấn đề lãng phí xảy ra bình thường thì lại là vô hình, ít được quan tâm. Xét cho cùng lãng phí có thể gây thất thoát không kém gì tham nhũng. “Tham nhũng chỉ có một số nơi, nhưng lãng phí có khắp mọi nơi dù là việc nhỏ cho đến việc to trên tất cả các lĩnh vực, việc nào cũng có nhưng ít có sự chú ý”-ông Hòa nói và đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ngành chức năng quan tâm nhiều hơn về lãng phí để ngăn chặn có hiệu quả lãng phí.
Theo ĐB Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum), công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh quyết liệt đồng bộ và toàn diện hơn. Nhiều vụ án tham nhũng kinh tế lớn được điều tra làm rõ, xét xử nghiêm minh được cử tri đồng tình. Tuy nhiên theo ông Thanh, tội phạm về tham nhũng kinh tế buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp, nổi lên là vi phạm về quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu mua sắm tài sản công, quản lý sử dụng đất đai.
Cho rằng tội tham ô tài sản tham nhũng tăng 45,61%, ông Thanh đề nghị, đây là vấn đề này cần phải được tổ chức nghiên cứu nghiêm túc để làm rõ nguyên nhân, điều kiện phạm tội, kiểm tra, rà soát chặt chẽ để khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về kinh tế, đất đai, tài nguyên, khoáng sản để giúp cho việc phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hiệu quả hơn loại tội phạm này trong thời gian tới.
ĐB Phan Thị Nguyệt Thu (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng quyết liệt, mạnh mẽ cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, áp lực lớn đối với các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử, thi hành án, chú trọng thu hồi tài sản do phạm tội mà có.
Bà Thu nhìn nhận, kết quả năm 2024 đã hoàn thành vượt nhiều chỉ tiêu công tác do Quốc hội giao, đã xử lý nghiêm minh, nhân văn nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế với nhiều bị cáo gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang quyết tâm thực hiện.
Từ đó trong thời gian tới, bà Thu đề nghị, cần dự báo đúng tình hình vi phạm tội phạm, có giải pháp phòng ngừa, xử lý phù hợp, hiệu quả, nhất là đối với các vi phạm tội phạm trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, kinh tế, tài chính, doanh nghiệp, thẩm định định giá; vi phạm tội phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá đầu tư.
Cùng quan điểm, ĐB Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) nhấn mạnh, Đảng ta coi tham nhũng là quốc nạn, giặc nội xâm, phải luôn kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực. Công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhiều vụ việc tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý đúng kế hoạch, đúng pháp luật, nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn được dư luận và Nhân dân đồng tình và đánh giá cao.
Tuy nhiên, theo ông Tám, việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế còn tồn động lớn. Do đó đề nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt vấn đề này để thu hồi tài sản tham nhũng. “Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của người dân trong công tác phòng chống tham nhũng, hoàn thiện cơ chế để phát huy vai trò của người dân trong công tác này. Do đó, cần nghiên cứu, thí điểm các hình thức phản ánh tố cáo tham nhũng qua điện thoại, đường dây nóng trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay”-ông Tám kiến nghị.
Giải trình trước các vấn đề ĐBQH nêu, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, công tác hoàn thiện thể chế về PCTNTC trong một số trường hợp còn chưa đáp ứng yêu cầu. Một số chủ trương chính sách của Đảng chậm được thể chế hóa thành pháp luật. Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về tháo gỡ điễm nghẽn của điểm nghẽn là thể chế, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo xây dựng hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, tạo sự thông thoáng khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển, khắc phục những sơ hở bất cập dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, theo ông Phong, trong năm 2024 nhiều biện pháp đã được các cấp các ngành tổ chức thực hiện và đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, còn nhiều tồn tại hạn chế. Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như công khai hoạt động kết quả của các cơ quan đơn vị, chuyển đổi vị trí công tác, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. “Thực hiện kiểm soát tài sản thu nhập, xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực còn nhiều tồn tại, hạn chế”-ông Phong cho hay.