ĐBQH Thạch Phước Bình: Kết nối Trung ương - Địa phương để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cao

Chiều ngày 15/02, tiếp tục ngày làm việc thứ tư Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Quốc hội thảo luận ở hội trường bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên chiều ngày 15/0. Ảnh: media.quochoi.vn

Quốc hội thảo luận ở hội trường bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên chiều ngày 15/0. Ảnh: media.quochoi.vn

Tham gia phát biểu góp ý nội dung này, đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Trà Vinh cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục có những biến động phức tạp, nước ta cần xác định chiến lược phát triển phù hợp nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững và nâng cao sức cạnh tranh.

Với mục tiêu GDP năm 2025 đạt 8%, ĐBQH Thạch Phước Bình nhấn mạnh các giải pháp đột phá, từ cải cách thể chế, đầu tư hạ tầng chiến lược, đến phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy kinh tế số. Từ đó, đại biểu góp một số nội dung cụ thể vào dự thảo Nghị quyết như sau:

Thứ nhất, về mục tiêu tổng quát (Điều 1)

Trước bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục có những biến động phức tạp, việc xác định mục tiêu và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Nhằm bảo đảm tính khả thi và phù hợp với định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị điều chỉnh mục tiêu tổng quát của Nghị quyết và thiết kế viết lại cụ thể như sau:“Củng cố nền tảng thể chế, khoa học - công nghệ, hạ tầng và nguồn nhân lực nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, đưa Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển cao hơn với nền kinh tế hiện đại, hội nhập sâu rộng. Năm 2025, tập trung thúc đẩy tăng trưởng bứt phá với mục tiêu đạt 8%, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao chất lượng tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”.

Thứ hai, về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu (Điều 2)

Để đạt tốc độ tăng GDP 8% trở lên vào năm 2025 và tiến tới hai con số vào giai đoạn 2026-2030, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, nước ta cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng suất lao động và cải cách mạnh mẽ về thể chế. Việc thúc đẩy tăng trưởng nhanh có thể gây áp lực lên lạm phát, nợ công, hệ thống tài chính và tỷ giá hối đoái. Dù có lực lượng lao động dồi dào, nhưng kỹ năng và trình độ lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế số và công nghệ cao. Tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh làm gia tăng thách thức trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên bền vững và giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam phải đối mặt với áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia trong thu hút đầu tư, phát triển công nghệ và xuất khẩu. Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đồng tình với 05 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu đã nêu trong dự thảo Nghị quyết.

ĐBQH Thạch Phước Bình phát biểu ý kiến tại Hội trường chiều ngày 15/02. Ảnh: media.quochoi.vn

ĐBQH Thạch Phước Bình phát biểu ý kiến tại Hội trường chiều ngày 15/02. Ảnh: media.quochoi.vn

Bên cạnh đó, đại biểu Thạch Phước Bình cũng phân tích những thách thức mà các địa phương, đặc biệt là vùng Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc, đang phải đối mặt như nhiều tỉnh vẫn phát triển theo chiều rộng, phụ thuộc vào đầu tư vốn và khai thác tài nguyên, trong khi hiệu quả sử dụng vốn và năng suất lao động còn hạn chế. Đặc biệt, các địa phương thuần nông gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang công nghiệp và dịch vụ do thiếu nhân lực chất lượng cao, công nghệ lạc hậu và chưa có sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị.

Nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc, vẫn thiếu kết nối giao thông thuận lợi với các trung tâm kinh tế lớn, gây cản trở cho thu hút đầu tư. Tình trạng lao động chất lượng cao di cư đến các thành phố lớn hoặc ra nước ngoài cũng làm suy giảm nguồn nhân lực tại địa phương. Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh còn thấp, dẫn đến khó khăn trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhiều địa phương ven biển và đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh cũng làm gia tăng ô nhiễm môi trường, trong khi công tác xử lý rác thải và bảo vệ tài nguyên còn hạn chế.

Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương cần có chính sách hỗ trợ đồng bộ, từ hoàn thiện thể chế, ưu tiên ngân sách đầu tư giao thông, đến đào tạo nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế xanh. Cụ thể:

Một là, cần ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù cho các địa phương có tiềm năng nhưng gặp khó khăn về hạ tầng và nguồn lực. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi để thu hút vốn trong và ngoài nước.

Hai là, Trung ương cần ưu tiên ngân sách phát triển các tuyến cao tốc, đường sắt, cảng biển và sân bay để tăng cường kết nối vùng và liên vùng. Phát triển đồng bộ hệ thống khu công nghiệp, khu chế xuất và trung tâm logistics nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất.

Ba là, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao tay nghề lao động theo nhu cầu doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và kinh tế số. Xây dựng cơ chế thu hút và đãi ngộ nhân tài để hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám”.

Bốn là, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi tín dụng giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý để mở rộng sản xuất và đổi mới công nghệ. Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ.

Năm là, Trung ương cần có chính sách đặc thù hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và Tây Nguyên. Đẩy mạnh đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo, mô hình kinh tế tuần hoàn và công nghệ xử lý môi trường.

Sáu là, cần có chính sách khuyến khích phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và bảo tồn các giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tăng cường nguồn lực để bảo vệ chủ quyền biển đảo, đảm bảo an ninh kinh tế và an ninh mạng.

Bảy là, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Báo Trà Vinh Online

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chinh-tri/dbqh-thach-phuoc-binh-ket-noi-trung-uong-dia-phuong-de-hien-thuc-hoa-muc-tieu-tang-truong-cao-43653.html
Zalo