ĐBQH: Rất nhiều cán bộ, công chức muốn mua nhà ở xã hội mà không thể tiếp cận

Theo đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhu cầu về nhà ở xã hội của cán bộ, công chức thành phố rất nhiều, tuy nhiên thành phố không có nguồn cung và nhóm được hưởng khó đạt được điều kiện hưởng.

Nhu cầu về nhà ở xã hội của cán bộ, công chức rất lớn

Sáng 21/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu thảo luận.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu thảo luận.

Quan tâm đến điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, theo Luật Nhà ở, cán bộ, công chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH không thuộc diện hưởng chính sách này.

"Đối tượng hưởng phải thuộc diện nhóm thu nhập thấp, nếu là công chức thì phải là người không đóng thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, không có công chức nào không đóng thuế thu nhập cá nhân. Bởi họ còn được hưởng chính sách từ Nghị quyết của HĐND thành phố, được hưởng cơ chế chi tăng thêm nên sẽ nằm trong diện đóng thuế", bà Thúy nói.

Theo đại biểu, nhu cầu về nhà ở xã hội của cán bộ, công chức thành phố rất nhiều, tuy nhiên, đến nay có 2 điểm chưa tháo gỡ được. Đó là không có nguồn cung và nhóm được hưởng khó đạt được điều kiện hưởng.

"Nếu Nghị quyết vẫn giữ nguyên quy định hiện hành thì cán bộ, công chức của TP.HCM vẫn khó tiếp cận.

Kể cả trường hợp tới đây khi sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM, có cán bộ, công chức phải đi làm xa hơn 30km cũng khó được hưởng chính sách để thuê, mua nhà ở xã hội trong thành phố, do ràng buộc quy định tại Luật Nhà ở", bà Thúy nêu.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Hữu Đàn (đoàn Quảng Trị) đề nghị bổ sung quy định mở rộng đối tượng thuê nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức tại các địa phương thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính.

Ông cho biết, việc sáp nhập đơn vị hành chính tuy mang lại hiệu quả trong quản lý nhưng đồng thời tạo ra áp lực lớn về ổn định đời sống cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm việc tại cơ sở.

"Nếu thiếu chính sách hỗ trợ thiết thực, nhiều cán bộ sẽ gặp khó khăn về nhà ở, ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần và hiệu quả công việc", đại biểu Đàn nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP. HCM) tham gia thảo luận. Ảnh: Media Quốc hội.

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP. HCM) tham gia thảo luận. Ảnh: Media Quốc hội.

Quy định rõ cơ quan quản lý Quỹ nhà ở quốc gia

Quan tâm đến nội dung thành lập Quỹ nhà ở quốc gia, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP.HCM) cho rằng, bên cạnh việc ban hành các quy định hỗ trợ, tạo điều kiện về nguồn quỹ, cần xem xét đến quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.

Dù đã có quy định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội song thực tế cho thấy, chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm.

"Mức xử phạt vi phạm hành chính từ 120 – 300 triệu đồng chưa đủ răn đe.

Hơn nữa, việc không quy định thời hạn phải thực hiện cũng như thời hạn phải bàn giao cho Nhà nước trong trường hợp không xây dựng nhà ở xã hội dẫn đến tình trạng trì hoãn, kéo dài thời gian, gây lãng phí nguồn lực đất đai, ảnh hưởng nguồn cung nhà ở xã hội", bà Lệ nêu thực tế.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận. Ảnh: Media Quốc hội.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận. Ảnh: Media Quốc hội.

Cũng đề cập về việc thành lập Quỹ nhà ở quốc gia, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, cần rà soát quy định để không mâu thuẫn với Luật Ngân sách.

Theo đó, ngân sách Nhà nước không hỗ trợ kinh phí cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, cũng như các nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước.

Trong khi dự thảo có quy định một trong những nguồn thu “từ việc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở, nguồn từ bán nhà ở thuộc tài sản công hợp pháp khác”. Đây đều là những nguồn thu theo quy định hiện hành phải nộp ngân sách Nhà nước.

Ở góc độ khác, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đề xuất đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại (theo quy định phải dành 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội), trường hợp, chủ đầu tư muốn lấy 20% quỹ đất này để phát triển nhà ở thương mại thì nên cho phép, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư chuyển số tiền tương ứng vào Quỹ Nhà ở quốc gia.

Dẫn chứng thực tế hiện rất ít chủ đầu tư mặn mà việc xây dựng nhà ở xã hội cho thuê do giá thuê thấp, đại biểu cho rằng, Quỹ nhà ở quốc gia cần có cơ chế khuyến khích việc xây dựng nhà cho thuê.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) cho rằng, dự thảo chưa quy định rõ cơ quan nào quản lý quỹ.

"Nếu giao cho Mặt trận Tổ quốc hoặc Tổng Liên đoàn thì không ổn vì quỹ này vừa đầu tư xây dựng vừa đứng ra cho thuê, mua. Vậy một cơ quan như Mặt trận Tổ quốc có làm được việc đó không? Còn nếu giao một cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện cũng không phù hợp, bởi việc kinh doanh rất phức tạp", ông Hùng đặt vấn đề.

Do đó, ông đề nghị trong quá trình bổ sung hồ sơ, Chính phủ cần làm rõ hơn cơ quan nào điều hành, cũng như cơ chế vận hành, chức năng nhiệm vụ.

Yến Chi

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/dbqh-rat-nhieu-can-bo-cong-chuc-muon-mua-nha-o-xa-hoi-ma-khong-the-tiep-can-192250521135845678.htm
Zalo