ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh): Cần đánh giá đầy đủ hơn về kết quả thực hiện phiên tòa trực tuyến
Tòa án Nhân dân Tối cao cần đánh giá đầy đủ hơn về kết quả thực hiện phiên tòa trực tuyến, đặc biệt về những khó khăn, bất cập trong triển khai để có giải pháp thiết thực, đồng bộ. Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ thì việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý; xây dựng quy định về tổ chức đối thoại, hòa giải trực tuyến, xét xử trực tuyến đối với các vụ án hành chính, dân sự... cũng là những yêu cầu cần hết sức quan tâm. Đây là ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) trong phiên thảo luận tại Hội trường sáng nay (8.11) về tình hình, kết quả công tác xét xử, công tác thi hành án năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
Bước đột phá cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án
Đánh giá phiên tòa xét xử trực tuyến chính là bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 là rất cần thiết, kịp thời. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, TAND tối cao đã chủ động phối hợp với cơ quan liên quan như Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn và nhiều văn bản, kế hoạch tổ chức thực hiện.
Kết quả cho thấy, đến nay, sau 11 tháng từ khi Thông tư liên tịch số 05/2022/TTLT-TAND-VKSND-BCA-BQP-BTP chính thức có hiệu lực đã ghi nhận 3.614 vụ án được tổ chức xét xử trực tuyến tại 662 Tòa án trên cả nước (3 TAND cấp cao, 62 TAND cấp tỉnh và 557 TAND cấp huyện). “Các phiên xét xử trực tuyến được lên kế hoạch, chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm các điểm cầu hình ảnh, âm thanh rõ ràng; những người tiến hành tố tụng thực hiện đúng trình tự thủ tục, không có phiên tòa nào bị hoãn do đường truyền hoặc thiết bị”, đại biểu đánh giá.
Ngoài những ưu điểm được chỉ rõ trong báo cáo của Chánh án TAND tối cao, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng bổ sung thêm về những lợi ích khác thu được từ triển khai phiên tòa trực tuyến như: giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể xảy ra cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng có thể phát sinh từ việc đi lại, di chuyển hồ sơ, vật chứng… đến địa điểm mở phiên tòa, nhất là đối với các phiên tòa phúc thẩm của Tòa cấp cao; tạo điều kiện để đông đảo người dân quan tâm vụ việc có thể theo dõi quá trình xét xử mà không bị giới hạn số lượng như phòng xử án thông thường; nâng cao khả năng tiếp cận công lý, giảm các thủ tục và chi phí không cẩn thiết cho người dân. Các phiên tòa được ghi hình có âm thanh, lưu trữ bảo đảm trích cứu khi cần thiết. “Các phiên tòa trực tuyến của các tòa án được kết nối trực tiếp với trung tâm giám sát, điều hành hoạt động Tòa án của TAND tối cao phát huy hiệu quả tích cực, theo dõi giám sát, tư vấn”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Tiếp tục hoàn thiện các quy định về xét xử trực tuyến
Bên cạnh những ưu điểm, từ thực tiễn tại địa phương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều khó khăn, bất cập trong triển khai thực hiện phiên tòa trực tuyến. Trong đó, cơ sở vật chất chưa đầu tư được đồng bộ, cán bộ công chức Tòa án phải tận dụng những thiết bị có sẵn tại cơ quan, kể cả của cá nhân để phục vụ xét xử trực tuyến. Tại một số điểm cầu cấp huyện đôi lúc vẫn bị gián đoạn vì lỗi kỹ thuật; chi phí thuê thiết bị, đường truyền để xét xử trực tuyến hàng tháng là khá cao, dẫn đến tăng áp lực về kinh phí cho các đơn vị.
Cũng theo đại biểu, tại Quảng Ninh, hiện mới có 4 đơn vị có thiết bị xét xử trực tuyến. Trong đó, thiết bị và đường truyền đều đi thuê. Thời gian đầu, chỉ có điểm cầu tại Tòa án tỉnh và Trại giam công an tỉnh, các đơn vị Tòa án xét xử trực tuyến cơ quan Công an huyện phải di chuyển bị cáo từ nhà tạm giữ Công an huyện lên Trại giam Công an tỉnh (trường hợp tạm giam tại Nhà tạm giữ công an cấp huyện), Hội đồng xét xử phải di chuyển lên điểm cầu trung tâm – TAND tỉnh để xét xử vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng, đương sự phải di chuyển xa nên các đơn vị ở xa Tòa án tỉnh chưa tổ chức xét xử trực tuyến được.
Mặt khác, số vụ án hình sự được xét xử trực tuyến tại Quảng Ninh đang chiếm tỷ lệ tuyệt đối với các vụ án hành chính, dân sự. Thống kê cho thấy, trong tổng số 52 vụ án được 2 cấp Tòa án tại Quảng Ninh tổ chức xét xử trực tuyến, thì toàn bộ là án hình sự. Theo đại biểu, ngoài sự phức tạp của các vụ án hành chính, dân sự thì sự chưa đầy đủ, chưa có quy định trong hệ thống pháp luật là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chênh lệch này. Đơn cử như: chưa có quy chế phối hợp với cơ sở giam giữ; chưa quy định rõ thủ tục tiếp nhận, bàn giao tài liệu chứng cứ; chưa có quy định về trình tự thủ tục ghi âm, ghi hình có âm thanh, bảo quản dữ liệu điện tử; giao nhận, bào giao bị cáo tại phiên tòa…
Để bảo đảm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, đại biểu đề nghị: TAND tối cao cần đánh giá đầy đủ hơn về kết quả thực hiện phiên tòa trực tuyến, đặc biệt về những khó khăn, bất cập hiện nay trong việc thực hiện để có giải pháp thiết thực, đồng bộ.
Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ, TAND tối cao quan tâm phát huy hiệu quả của Tòa án điện tử, khai thác có hiệu quả kho dữ liệu lớn của TAND tối cao; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị xét xử trực tuyến cho hệ thống TAND các cấp bảo đảm đồng bộ về công nghệ, đường truyền theo đúng yêu cầu kỹ thuật của TAND tối cao. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về xét xử trực tuyến; xây dựng quy định pháp luật về tổ chức đối thoại, hòa giải trực tuyến cũng như các quy định về xét xử trực tuyến đối với các vụ án hành chính, dân sự…