ĐBQH nêu lý do đề nghị áp mức thuế 10% cho cơ quan báo chí

Theo ĐBQH Thạch Phước Bình, quy định áp mức thuế 10% sẽ hỗ trợ cơ quan báo chí vượt qua khó khăn tài chính, tạo sự công bằng, khuyến khích phát triển bền vững.

Hỗ trợ ngành báo chí phát triển trong thời đại số

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 26/3, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Thảo luận tại hội nghị, đa số ý kiến các đại biểu bày tỏ đồng tình cao với nội dung tiếp thu, giải trình dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, đánh giá dự thảo luật đã có rất nhiều điểm bổ sung, sửa đổi để tháo gỡ những vấn đề vướng mắc hiện nay trong việc tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

ĐBQH Thạch Phước Bình (Ảnh: Media Quốc hội).

ĐBQH Thạch Phước Bình (Ảnh: Media Quốc hội).

Quan tâm đến mức thuế đối với ngành báo chí, ĐBQH Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho biết, quy định về thuế suất đối với cơ quan báo chí tại Điều 10 và điểm d khoản 2 Điều 13 cho thấy sự mâu thuẫn giữa thực tiễn hoạt động báo chí và chính sách thuế.

Phân tích thực trạng hoạt động báo chí hiện nay, đại biểu cho biết, báo điện tử đang trở thành phương thức chủ đạo, trong khi báo in ngày càng giảm sút.

Tuy nhiên, báo in lại được hưởng mức thuế ưu đãi 10%, trong khi báo điện tử phải chịu mức thuế 20%, dù cả hai đều phục vụ mục tiêu cung cấp thông tin chính thống, định hướng dư luận và thực hiện nhiệm vụ truyền thông của Đảng, Nhà nước.

Thêm vào đó, báo điện tử có nguồn thu lớn từ quảng cáo, thu phí nội dung và các dịch vụ kỹ thuật số, nhưng vẫn bị áp dụng mức thuế suất cao hơn báo in. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến báo chí trong bối cảnh cạnh tranh số, khi nhiều cơ quan báo chí điện tử gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động do doanh thu quảng cáo sụt giảm, trong khi vẫn phải chịu thuế suất cao hơn báo in.

Chính sách thuế hiện tại cũng chưa theo kịp xu hướng chuyển đổi số báo chí, tạo rào cản tài chính cho các cơ quan báo chí điện tử.

Trong khi đó, các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook chiếm phần lớn doanh thu quảng cáo nhưng chỉ chịu thuế gián tiếp tại Việt Nam, gây bất lợi cho báo chí trong nước.

Đại biểu đề nghị áp dụng thuế suất 10% cho toàn bộ cơ quan báo chí, không phân biệt loại hình. Ông nhấn mạnh, quy định này sẽ hỗ trợ cơ quan báo chí vượt qua khó khăn tài chính, tạo sự công bằng, khuyến khích phát triển bền vững, đầu tư vào công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới.

Việc duy trì thuế suất 20% cho báo điện tử là không phù hợp với thực tế, cần sửa đổi chính sách thuế để hỗ trợ ngành báo chí phát triển trong thời đại số.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng

Tham gia thảo luận, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho biết, theo dự thảo, doanh nghiệp đang hưởng ưu đãi nếu đầu tư mở rộng sẽ chỉ được hưởng ưu đãi cho thời gian còn lại của dự án.

Ví dụ, dự án được ưu đãi 20 năm, đã thực hiện 15 năm, thì phần đầu tư mở rộng chỉ được hưởng ưu đãi 5 năm còn lại. Tuy nhiên, nếu dự án đã hết thời gian ưu đãi, việc đầu tư mở rộng sẽ được hưởng ưu đãi theo cơ chế mới.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Ảnh: Media Quốc hội).

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Ảnh: Media Quốc hội).

Đại biểu nêu rõ, quy định này tạo ra sự bất hợp lý, không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng trong quá trình hoạt động. Doanh nghiệp sẽ có xu hướng trì hoãn đầu tư mở rộng đến khi dự án kết thúc để được hưởng ưu đãi tối đa. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư mà còn gây ra các thủ tục hành chính phát sinh.

Để khắc phục vấn đề này, đại biểu đề xuất thay đổi phương thức tính ưu đãi dựa trên tỉ lệ vốn đầu tư mở rộng so với tổng vốn đầu tư.

Cụ thể, tỉ lệ vốn đầu tư mở rộng càng lớn, thời gian ưu đãi càng dài so với thời gian còn lại của dự án. Ngược lại, tỉ lệ vốn đầu tư mở rộng nhỏ sẽ tương ứng với thời gian ưu đãi ngắn hơn. Phương pháp này sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng liên tục trong quá trình hoạt động, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả đầu tư.

ĐBQH Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) dẫn quy định tại điểm c khoản 6 Điều 13 về ưu đãi thuế suất cho doanh nghiệp đầu tư sử dụng thường xuyên trên 6.000 lao động.

Theo đại biểu, quy định hiện tại về số lượng lao động tối thiểu để được hưởng ưu đãi thuế suất là quá cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào các địa phương có tỷ trọng đầu tư thấp.

Do đó, đại biểu kiến nghị dự thảo luật xem xét giảm số lượng lao động tối thiểu xuống trên 3.000 lao động.

Nữ đại biểu nhấn mạnh, việc giảm số lượng lao động tối thiểu sẽ mang lại nhiều lợi ích như: phát huy hiệu quả chính sách ưu đãi thuế suất, tạo động lực cho các nhà đầu tư; khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực và địa phương có tiềm năng phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ mở rộng quy mô sản xuất và tạo thêm nhiều việc làm.

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và nêu rõ, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ các nội dung đã nêu, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp sắp tới.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dbqh-neu-ly-do-de-nghi-ap-muc-thue-10-cho-co-quan-bao-chi-204250326142724613.htm
Zalo