ĐBQH: Không tổ chức cấp huyện là phù hợp với xu thế của các nước phát triển

Sáng 14.5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất) và thảo luận về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Về tổ chức chính quyền 2 cấp, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) cho biết kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia như Pháp, Nhật, Thụy Điển đã thực hiện việc sắp xếp, thu gọn đầu mối đơn vị hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, giúp tăng cường hiệu quả quản lý, giảm chi phí hành chính mà vẫn gần dân, sát dân.

“Thực tiễn ở Việt Nam cũng đã thực hiện sát nhập một số đơn vị hành chính trên cả nước, cho thấy khả năng bảo đảm hiệu quả quản lý đối với đơn vị hành chính có quy mô lớn hơn. Việc nghiên cứu không tổ chức cấp huyện là cần thiết hiện nay và phù hợp với xu thế của các nước phát triển”, bà Thanh nói.

Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) cho rằng đây là dự án luật quan trọng, sửa đổi toàn diện về tổ chức hoạt động của các cấp chính quyền địa phương, có tác động lớn đến tổ chức bộ máy, hoạt động kinh tế - xã hội.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương hai cấp, nhất là những nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện trước đây; tránh bỏ sót chồng chéo, làm ảnh hưởng đến tính liên tục, thông suốt trong hoạt động của chính quyền địa phương, cũng như ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hoạt động của người dân và doanh nghiệp.

Đối với quy định về phân quyền tại khoản 3 Điều 12 của Dự thảo Luật, ông Thắng nhất trí với quy định của dự thảo luật cho phép UBND tỉnh được đề xuất với Chính phủ đề nghị Quốc hội phân quyền cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa có quy định về việc xem xét, giải quyết của Chính phủ sau khi nhận được đề xuất của UBND tỉnh.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam)

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam)

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung trách nhiệm xem xét giải quyết của Chính phủ sau khi được đề xuất của UBND tỉnh về phân quyền như đã được quy định tại khoản 6 Điều 13 của Dự thảo Luật về phân cấp để đảm bảo tính phù hợp, thống nhất, thuận lợi trong thực tiễn thực hiện.

Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh quy định này theo hướng chỉ cho phép thường trực HĐND quyết định chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi thực hiện nhiệm vụ cấp bách theo sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND. Các chế độ chi khác vẫn vẫn giao cho HĐND quyết định. Quy định này cũng cần tra soát với các quy định tại Dự thảo Luật Ngân sách đang được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Về Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) muốn tập trung làm rõ nội dung về bầu, miễn nhiệm, điều động chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Theo ông Huân, để xây dựng thể chế, cần phải trao quyền nhiều hơn cho địa phương, nhưng cũng cần trao nhiều quyền hơn cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, theo đúng tinh thần Hiến pháp về điều hành linh hoạt, thống nhất trong toàn quốc về hành chính quốc gia.

Tại khoản 2, Điều 36 của Dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương đang quy định, HĐND bầu Chủ tịch UBND theo giới thiệu của Chủ tịch HĐND và bầu Phó chủ tịch UBND, Ủy viên Ủy ban nhân dân theo giới thiệu của Chủ tịch UBND, nội dung này đúng theo tinh thần điều 114 Hiến pháp hiện nay.

Tuy nhiên, ông Huân cho rằng khoản 4 Điều 37, quy định HĐND cũng bãi nhiệm các chức vụ do HĐND bầu, nhưng theo Điều 41 thì khi mà Thủ tướng quyết định cách chức chủ tịch HĐND, điều động chủ tịch UBND thì không cần HĐND miễn nhiệm.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương)

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương)

Đại biểu Huân cho rằng điều này về mặt quy định thì đúng với Hiến pháp, nhưng về mặt logic thì không đảm bảo, vì HĐND bầu thì HĐND phải miễn nhiệm, nếu làm đúng như Điều 41 sẽ không hợp lý.

“Nếu giữ nguyên khoản 2 Điều 41, đại biểu cho rằng nên sửa điều 56, HĐND không phải bầu chức danh chủ tịch mà giới thiệu để Thủ tướng phê chuẩn. Nếu thực hiện điều này thì Điều 114 Hiến pháp sẽ phải sửa thêm, đặc biệt là nội dung HĐND bầu UBND cùng cấp đang chưa sửa”, ông Huân nói và đề nghị, để thống nhất giữa Điều 36 và Điều 41 của Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì sửa thêm điều 114 Hiến pháp.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cũng đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã tại khoản 4 Điều 11

Đại biểu cho rằng cần thiết phải bổ sung vào Điều 11 của Dự thảo Luật quy định trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, trong trường hợp cần thiết, trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã như khoản 4 Điều 11 đã thể hiện.

Tuy nhiên, bà Hà nhận thấy việc quy định rất chung chung thẩm quyền này của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh “trong trường hợp cần thiết” là chưa thể hiện rõ trách nhiệm của cấp tỉnh và có thể dẫn đến những vướng mắc, bất cập, thiếu thống nhất trong tổ chức thi hành. Do đó, bà Hà đề nghị có quy định chặt chẽ hơn ngay trong luật này hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dbqh-khong-to-chuc-cap-huyen-la-phu-hop-voi-xu-the-cua-cac-nuoc-phat-trien-232554.html
Zalo