ĐBQH đề xuất loạt giải pháp tăng độ phủ bảo hiểm y tế

Chiều 31/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Luật BHYT được Quốc hội thông qua năm 2008; sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2014, là cơ sở pháp lý cao nhất, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Đây là lần lập pháp thứ 3 về BHYT.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cùng với việc thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Luật BHXH năm 2024, việc xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT tại kỳ họp này cho thấy Quốc hội và Chính phủ khóa XV đang hết sức nỗ lực để thực hiện có hiệu quả đường lối của Đảng về việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách đã đề ra trong Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011.

Tăng mức hỗ trợ NSNN đối với BHYT học sinh, sinh viên

Phát biểu tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình bày tỏ mong muốn Quốc hội thông qua dự án Luật tại Kỳ họp này để Luật sớm có hiệu lực thi hành, đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, từ đó tháo gỡ, giải quyết những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT cũng như quyền lợi của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Quan tâm tới quy định về đối tượng tham gia BHYT là học sinh, sinh viên, đại biểu Dung đề nghị tăng hỗ trợ mức đóng lên 50% và đóng theo cơ sở giáo dục đào tạo mà không để tự lựa chọn hình thức đóng. Như vậy sẽ kéo theo 2,8% số học sinh, sinh viên còn lại chưa tham gia sẽ tham gia BHYT.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Cùng đề cập vấn đề trên, ĐBQH Châu Quỳnh Dao – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang góp ý xoay quanh vấn đề đối tượng tham gia BHYT đối với học sinh, sinh viên. Đại biểu đề xuất bãi bỏ điểm d khoản 6 Điều 13 của dự thảo Luật: "Trường hợp đối tượng tham gia BHYT quy định tại khoản 4, Điều 12, đồng thời buộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 5 Điều 12 Luật này thì được lựa chọn theo đối tượng đóng phù hợp", có nghĩa là dự thảo Luật mở cho các em được đóng theo nhóm đối tượng hộ gia đình hoặc học sinh, sinh viên tại nhà trường.

ĐBQH Châu Quỳnh Giao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang.

ĐBQH Châu Quỳnh Giao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang.

Đại biểu cho rằng, mức đóng của học sinh, sinh viên bằng 4,6% mức lương cơ sở. Và đông đảo cử tri cho rằng, mức đóng đó vẫn cao so với thu nhập của họ. Do đó, đại biểu Châu Quỳnh Dao mong rằng Ban soạn thảo cân nhắc giữ theo quy định hiện hành.

Đồng thời kiến nghị Nhà nước tiếp tục tăng mức hỗ trợ NSNN tối thiểu là 50% cho các học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Bởi vì đây là một trong những tiền đề rất quan trọng tiến tới đạt được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân. Cùng với đó, cần bổ sung thêm nhóm các hộ thoát nghèo vào danh sách được NSNN hỗ trợ.

Đề xuất thêm nhiều đối tượng hưởng chính sách BHYT

Cho ý kiến vào dự thảo Luật, ĐBQH Phan Văn Xựng - Đoàn ĐBQH TPHCM đề nghị bổ sung quy định về BHYT cho thân nhân của dân quân thường trực.

Theo đại biểu, Luật Dân quân tự vệ quy định, dân quân thường trực là lực lượng thường trực làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, trực tiếp tham gia chống khủng bố, giải thoát con tin, trấn áp tội phạm, giải tán biểu tình…

ĐBQH Phan Văn Xựng.

ĐBQH Phan Văn Xựng.

Và trong thực tiễn chống dịch COVID-19, lực lượng dân quân là lực lượng nòng cốt, quan trọng trong chống dịch. Riêng trong chống dịch, TPHCM có hơn 36.000 đối tượng này tham gia. Nhiệm vụ của các lực lượng này có yêu cầu cao, có tính chất phức tạp, kịp thời, hoạt động không kể ngày đêm trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, điều kiện môi trường đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của dân quân thường trực…

Thực tế tại các địa phương, đối tượng dân quân thường trực đang được hưởng các chế độ chính sách như các hạ sĩ quan tại ngũ, nhưng thân nhân của họ chưa được mua BHYT bằng NSNN. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về BHYT cho thân nhân của dân quân thường trực.

ĐBQH Trần Quang Minh.

ĐBQH Trần Quang Minh.

ĐBQH Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đề nghị bổ sung đối tượng "Cựu thanh niên xung phong tham gia khắc phục chiến tranh xây dựng kinh tế sau năm 1975" vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng là hộ gia đình ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được NSNN hỗ trợ 70% mức đóng BHYT.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dbqh-de-xuat-loat-giai-phap-tang-do-phu-bao-hiem-y-te-169241031153109945.htm
Zalo