ĐBQH đề nghị nhất thể hóa chức danh Bí thư và Chủ tịch UBND cấp xã

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn đề nghị nhất thể hóa chức danh Bí thư và Chủ tịch UBND cấp xã sau khi sắp xếp đơn vị hành chính để tăng cường hiệu quả điều hành...

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 23-5, Quốc hội thảo luận ở tổ nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội quan tâm đến công tác cán bộ ở cấp phường, xã sau sắp xếp.

Ông Sơn nhấn mạnh chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, phường là một quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước, không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, mà còn để kiến tạo nên một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, gắn với kỳ vọng đổi mới tư duy và phương thức quản trị ở cơ sở.

Nếu thực hiện tốt, đây sẽ là cú hích mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển đồng bộ từ gốc rễ – nơi gần dân nhất, nơi mọi chính sách, mọi chủ trương đều phải đi vào đời sống một cách cụ thể, sát sườn.

 Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội)

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội)

“Chính vì vậy, tôi đặt ra một câu hỏi không mới, nhưng cần thiết trong thời điểm hiện nay: Chúng ta có nên mạnh dạn trao quyền cho những người đủ năng lực, cụ thể là để Bí thư Đảng ủy xã, phường đồng thời đảm nhiệm chức danh Chủ tịch UBND cùng cấp?”, đại biểu Sơn đề cập.

Ông Sơn cho rằng trong một bộ máy tinh giản và hiệu lực cao, sự đồng nhất giữa vai trò lãnh đạo Đảng và điều hành chính quyền sẽ giúp các quyết sách được thông suốt, giảm độ trễ và tăng hiệu quả thực thi. Một người, nếu đủ tâm và đủ tầm, sẽ tạo ra một chính quyền gần dân hơn, quyết đoán hơn, dám nghĩ – dám làm – dám chịu trách nhiệm.

Theo đại biểu Sơn, cũng sẽ có những băn khoăn về nguy cơ tập trung quyền lực, lo ngại về tính độc đoán. Nhưng xin hãy nhớ rằng, chúng ta không trao quyền trong một môi trường không có kiểm soát. Hệ thống chính trị cấp cơ sở vẫn còn đó Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, cùng những thiết chế giám sát chặt chẽ đã được thiết lập và hoàn thiện nhiều năm qua.

Vấn đề không nằm ở việc một người kiêm nhiệm hai chức danh, mà nằm ở chỗ người đó có vì dân, có đủ năng lực và có bị kiểm soát hiệu quả hay không.

“Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần một tư duy mới, dũng cảm hơn trong tổ chức bộ máy hành chính cơ sở. Việc trao quyền cho Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã, phường – nếu được cân nhắc kỹ lưỡng và thí điểm phù hợp – có thể là một bước đi táo bạo nhưng đúng đắn, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và phát triển đất nước”, đại biểu Sơn nhấn mạnh.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/dbqh-de-nghi-nhat-the-hoa-chuc-danh-bi-thu-va-chu-tich-ubnd-cap-xa-post851281.html
Zalo