ĐBQH: Chưa bao giờ kinh tế tư nhân được nhìn nhận đúng đắn và rõ ràng như hiện nay

ĐBQH Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá: 'Chưa bao giờ kinh tế tư nhân được nhìn nhận đúng đắn và rõ ràng như hiện nay. Chúng ta đang bước vào một thời kỳ mà mọi mong muốn, kỳ vọng về sự phát triển kinh tế tư nhân từ phía Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp đều đang gặp nhau ở một điểm chung: hành động'.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã có những chia sẻ thẳng thắn, đầy tâm huyết về vai trò của kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh rằng: Chính sách đã rõ, nhưng điều quan trọng là hành động thực thi từ chính quyền các cấp. Nếu các chính sách cởi mở hiện nay được ban hành sớm hơn 10 năm, bức tranh kinh tế Việt Nam đã rất khác.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vị trí và vai trò của kinh tế tư nhân trong giai đoạn hiện nay?

Đại biểu Nguyễn Văn Thân: Tôi phải nói thật là chưa bao giờ kinh tế tư nhân lại được nhìn nhận một cách đúng đắn và rõ ràng như hiện nay. Chúng ta đang bước vào một thời kỳ mà mọi mong muốn, kỳ vọng về sự phát triển kinh tế tư nhân từ phía Đảng, Nhà nước cho đến các doanh nghiệp đều đang gặp nhau ở một điểm chung – đó là: hành động.

Nếu như những chính sách hiện tại như Nghị quyết 68, các định hướng về đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành cách đây 10 năm, thì chắc chắn câu chuyện kinh tế đất nước mình đã rất khác. Chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, nhưng may mắn là giờ vẫn kịp để bứt phá.

Điều tôi tâm đắc là lần này, mọi thứ rất cụ thể. Không còn nói chung chung nữa. Kinh tế tư nhân bây giờ được xác định là bao gồm mọi thành phần: từ các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn, nhỏ và vừa, đến 5,2 triệu hộ kinh doanh cá thể, thậm chí cả những người cán bộ, viên chức đã nghỉ hưu mở cửa hàng, mở công ty. Ai có ý chí làm ăn, đầu tư vốn, mở cửa sản xuất là đã là một phần của lực lượng kinh tế tư nhân rồi.

PV: Ông có đề cập đến Nghị quyết 68 vậy theo ông, nghị quyết này tạo ra sự thay đổi như thế nào cho cộng đồng doanh nghiệp?

Đại biểu Nguyễn Văn Thân: Nghị quyết 68 chính là một bước ngoặt. Nó giống như một “cú hích tinh thần” rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. Chúng tôi thấy được sự công nhận thật sự, chứ không còn là “mang tính định hướng” như ngày xưa nữa.

Nghị quyết này giúp cởi trói về tư duy. Trước kia, nói tới kinh tế tư nhân là người ta nghĩ tới đầu cơ, tới lợi ích cá nhân. Bây giờ thì khác. Nhà nước đã xác định rõ kinh tế tư nhân là một trụ cột, là động lực quan trọng của nền kinh tế. Mà đã là trụ cột thì phải được tạo điều kiện để phát triển.

Chúng tôi cũng rất kỳ vọng vào những chính sách đổi mới liên quan đến khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bởi vì thực tế, các doanh nghiệp nhỏ thì rất khó tự mình đầu tư vào nghiên cứu nếu không có chính sách hỗ trợ, không có cơ chế đặt hàng rõ ràng. Nếu không có thị trường, không có sản phẩm đầu ra, thì ai dám bỏ tiền đầu tư? Đổi mới sáng tạo không thể dựa vào khẩu hiệu, mà phải có chính sách cụ thể, có đặt hàng cụ thể.

PV: Dù đã có chủ trương đúng, nhưng thực tế vẫn cho thấy doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận chính sách. Theo ông, nguyên nhân nằm ở đâu?

Đại biểu Nguyễn Văn Thân: Tôi nghĩ điều này doanh nghiệp nào cũng thấy – đó là vấn đề thực thi. Chính sách đã có, Nghị quyết đã ban hành, Đảng đã mở cửa, nhưng bước vào “bên trong căn nhà” – tức là bộ máy hành chính, chính quyền địa phương – thì vẫn còn rất nhiều nút thắt.

Rất nhiều doanh nghiệp nói với tôi rằng họ lo ngại không phải vì chính sách không tốt, mà vì chính sách thay đổi quá nhanh, quá bất nhất. Hôm nay thế này, ngày mai thế khác. Rồi mỗi nơi hiểu một kiểu, thực hiện một kiểu.

Chúng tôi cần sự đồng bộ. Mà để làm được điều đó, tôi xin nhấn mạnh một điều: phải có cán bộ tốt, có tâm, có năng lực và dám chịu trách nhiệm. Doanh nghiệp giống như người lính ra chiến trường có chí, có vốn, có mong muốn cống hiến nhưng nếu cán bộ địa phương, công chức hành chính không đồng hành, không thiện chí, thì khó mà đi xa.

Chúng tôi không xin đặc quyền, đặc lợi gì cả. Chúng tôi chỉ cần sự bình đẳng, minh bạch, trách nhiệm và tôn trọng từ chính quyền. Đó là cái mà cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi nhất lúc này.

PV: Trong bối cảnh này, theo ông, doanh nghiệp cần gì để có thể thực sự phát triển và đóng góp đúng vai trò “trụ cột” của mình?

Đại biểu Nguyễn Văn Thân: Điều quan trọng nhất là tạo ra một hệ sinh thái mà ở đó doanh nghiệp và chính quyền cùng phối hợp, đồng hành với nhau. Không ai đứng trên ai, mà phải cùng hướng về mục tiêu chung là phát triển kinh tế đất nước. Tôi luôn nói doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư, tạo việc làm, đóng thuế vậy họ cũng đang phục vụ đất nước. Vậy thì bộ máy công quyền cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ họ, không thể coi doanh nghiệp là “người đi xin”.

Bên cạnh đó, tôi rất mong muốn việc phân cấp, phân quyền như Thủ tướng đã nói được thực hiện một cách thực chất. Phân cấp không chỉ là giao quyền mà phải gắn với trách nhiệm rõ ràng. Cái đó phải được lượng hóa, được đo lường bằng KPI cụ thể, để biết ai làm tốt, ai chưa tốt. Đó là cách duy nhất để chính sách đi vào cuộc sống.

Cuối cùng, tôi xin chia sẻ một điều rất cá nhân là người đứng đầu Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, tôi thấy những góp ý, những đấu tranh âm thầm của mình suốt nhiều năm qua đến giờ bắt đầu được ghi nhận, được thể hiện bằng chính sách cụ thể là một điều rất xúc động. Nó cho tôi thêm niềm tin để tiếp tục cống hiến. Và tôi tin, hàng triệu doanh nghiệp ngoài kia cũng đang sẵn sàng làm điều đó, nếu họ thấy được sự chân thành từ phía chính quyền.

PV: Xin cảm ơn ông!

Vân Hồng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dbqh-chua-bao-gio-kinh-te-tu-nhan-duoc-nhin-nhan-dung-dan-va-ro-rang-nhu-hien-nay-post1197433.vov
Zalo