ĐBQH chất vấn về việc bác sĩ 'dởm' hành nghề nhan nhản, Bộ trưởng Bộ Y tế nói gì?

Chất vấn Bộ trưởng Y tế, đại biểu Phạm Văn Hòa phản ánh tình trạng bác sĩ 'dởm' hành nghề vẫn phức tạp, nhất là các cơ sở y tế tư nhân có yếu tố nước ngoài, ai sẽ chịu trách nhiệm?

ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế

ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), thời gian qua, nhiều cơ sở y tế tư nhân, phòng khám, phòng mạch bác sĩ có yếu tố nước ngoài,… treo bảng hiệu điều trị nhiều loại bệnh, trong đó không ít bác sĩ không có bằng cấp cũng như giấy phép hành nghề. Thực trạng này khiến bệnh nhân không biết đâu mà lường, thậm chí đã xảy ra các trường hợp đáng tiếc. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục?

Trả lời chất vấn đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định nhiều điều cấm trong việc hành nghề của đội ngũ y bác sĩ. Tuy nhiên trong thực tế vẫn có những hiện tượng trá hình.

Cụ thể, về việc cấp phép cho các cơ sở y tế tư nhân, hiện nay Bộ Y tế sẽ cấp phép hoạt động cho các cơ sở thuộc Bộ Y tế quản lý. Từ 1-1-2027, phần cấp phép cho bệnh viện tư nhân cũng sẽ bàn giao cho Sở Y tế các tỉnh. Còn địa phương hiện đang quản lý, cấp phép cho các loại hình còn lại.

“Thực tế, dọc đường Giải Phóng (Hà Nội) trước kia có rất nhiều phòng khám có yếu tố nước ngoài, nhưng thời gian gần đây địa phương đã quyết liệt rà soát và chấn chỉnh nên tình trạng sai phạm đã giảm nhiều” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan dẫn chứng.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các phòng khám, cơ sở y tế thuộc quyền quản lý. Nếu phát hiện có sai phạm thì phải xử lý nghiêm theo quy định.

Bên cạnh đó, Tư lệnh ngành Y tế mong được chia sẻ khó khăn vì hiện nay, đội ngũ quản lý hành nghề của ngành y tế rất mỏng. Ở nhiều địa phương, kể cả nhân sự làm công tác quản lý dược, quản lý cơ sở bán thuốc, chỉ có vài người.

Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn trước Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn trước Quốc hội

Cũng tham gia chất vấn Bộ trưởng Y tế, đại biểu Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái) nêu, việc những người mặc áo blue trắng xưng danh bác sĩ bệnh viện thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng có phù hợp theo quy định hay không? Nếu sai sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, hiện nay quảng cáo liên quan đến thuốc, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm… đều đã có đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan tới nội dung này. Bộ luật Hình sự cũng đã quy định rất rõ các mức độ liên quan tới xử lý hình sự nếu vi phạm pháp luật về quảng cáo.

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, việc sử dụng các hình ảnh y bác sĩ bệnh viện để thực hiện quảng cáo là sai quy định. Về phía Bộ Y tế đã có văn bản gửi tới tất cả các Sở Y tế cũng như các cơ sở y tế trên toàn quốc để nhắc nhở và đề nghị mỗi cán bộ, nhân viên ngành y tế không tham gia quảng cáo sai quy định.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn

Vẫn liên quan đến nội dung quản lý hành nghề y, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) nêu thực trạng có nhiều bác sĩ sau khi được địa phương cử đi đào tạo theo địa chỉ thì không về công tác theo sự phân công hoặc công tác không đủ thời gian, sẵn sàng bồi hoàn kinh phí đào tạo để chuyển sang bệnh viện tư.

"Một số lãnh đạo địa phương đề nghị xử lý hành vi này, chẳng hạn như thu hồi chứng chỉ hành nghề? Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào và giải pháp cho thực trạng này là gì?" – đại biểu Yến Nhi chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, năm 2022, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc trở nên nghiêm trọng khi con số lên tới gần 9.000 người. Để giải quyết, Bộ Y tế đã và đang tích cực triển khai các giải pháp, trong đó tập trung vào việc sửa đổi Nghị định 56 về chế độ phụ cấp ưu đãi và Nghị định về tiền trực, chế độ nhân viên y tế thôn bản.

Theo Bộ trưởng Y tế, nhân viên y tế công lập đang chiếm tới 95% lực lượng phục vụ người dân. Tuy nhiên, nếu không có những chính sách phù hợp và giải pháp hiệu quả, việc thu hút và giữ chân nhân viên y tế sẽ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng chảy máu nhân tài sang các cơ sở y tế tư nhân.

Tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) liên quan tới việc quản lý giấy phép hành nghề, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hiện nay, chúng ta đang tiến tới quản lý trên toàn quốc việc sử dụng giấy phép người hành nghề.

Theo Bộ trưởng Y tế, thời gian trước, Bộ đã có phần mềm quản lý người hành nghề khám chữa bệnh trên toàn quốc và đến thời điểm này, đã có 430.000 người đã được đưa vào quản lý trên tổng số hơn 600.000 người hành nghề. Hiện Bộ Y tế đang nâng cấp phần mềm này và kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến của các địa phương, cũng như hệ thống dịch vụ công trực tuyến của quốc gia.

Tiến Hưng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dbqh-chat-van-ve-viec-bac-si-dom-hanh-nghe-nhan-nhan-bo-truong-bo-y-te-noi-gi-post595173.antd
Zalo