ĐBQH: Cần xử nghiêm vụ cháu bé bị bỏ quên trên xe để răn đe
Theo các ĐBQH, vụ việc cháu bé bị bỏ quên trên xe đưa đón rất thương tâm, cần siết lại quy trình xe đưa đón học sinh và xử nghiêm vụ án để cảnh tỉnh, răn đe.
Vụ việc bé 5 tuổi tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón khiến dư luận bàng hoàng, đau xót. Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tai nạn thương tâm này. Sự tắc trách của những người lớn; những quy định còn lỏng đối với xe đưa đón học sinh, quy trình đưa đón trẻ… là những vấn đề được đưa ra bàn xới với những nhức nhố, bức xúc.
Nỗi đau quá sức chịu đựng
Trao đổi bên hành lang Quốc hội với Báo Tri thức và Cuộc sống, đại biểu Phạm Văn Hòa (Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho hay, trong thời gian qua đã có nhiều vụ việc đau lòng xảy ra đối với trẻ em, như trẻ bị bắt cóc, bị bạo hành, đặc biệt là việc trẻ bị bỏ quên trên xe đưa đón dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
“Đây là vụ việc rất thương tâm đối với gia đình cháu bé. Đặt địa vị của mình vào trong gia đình cháu bé, thì nỗi đau có thể nói là quá sức chịu đựng”, đại biểu Phạm Văn Hòa chia sẻ.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, từ vụ việc này, quy trình đưa đón trẻ cần phải được siết chặt lại và có những quy định nghiêm ngặt và cần có những lưu ý, cảnh báo.
Đối với tài xế xe, phải thực hiện đúng quy định. Khi giao trẻ, trẻ xuống xe phải kiểm tra xem có còn trẻ ở trên xe hay không.
Điều này, cũng đã có quy định trong pháp luật. Cụ thể, tại điểm b, khoản 6, điều 4, Thông tư 12/2020/TT-BGTVT có quy định: Sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe, người lái xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách).
Như vậy, dù không nêu cụ thể xe chở học sinh, nhưng quy định trên cho thấy, tài xế của xe đưa đón học sinh cũng phải thực hiện quy định về kinh doanh vận tải hành khách. Chứ không thể có chuyện tài xế không hề kiểm tra xem còn học sinh trên xe hay không như vụ việc trên.
Cùng với đó, cô giáo phụ trách đưa đón học sinh cũng không hề kiểm tra xe khi giao học sinh. Khi vào lớp, giáo viên lớp có chụp ảnh điểm danh học sinh gửi lên phần mềm của nhà trường để theo dõi, quản lý thì phát hiện vắng cháu H nhưng không thông báo cho gia đình.
“Tôi cho rằng, việc khởi tố vụ án, truy cứu trách nhiệm đối với những người liên quan trong vụ án này là hết sức cần thiết, để cảnh tỉnh, răn đe để không xảy ra những vụ việc đau lòng tương tự như vậy nữa”, đại biểu Phạm Văn hòa nêu quan điểm.
Cần bổ sung chế tài đủ sức răn đe
Cũng trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho biết, thực tế đã có không ít vụ bỏ quên trẻ em là học sinh trên xe đưa, đón của nhà trường, nhiều vụ đã xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Chính vì vậy, cần phải quy định việc đưa đón học sinh đến trường bằng các chế định trong các đạo luật phù hợp.
Việc đưa quy định về bảo đảm TTATGT đối với xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non tại Điều 46 Luật TTATGT đường bộ, là phù hợp với đối tượng điều chỉnh. Sau khi đạo luật này có hiệu lực, ông Vân hy vọng sẽ có công cụ pháp lý giúp các lực lượng chức năng có căn cứ để xử lý hành vi vi phạm hiệu quả.
Nêu quan điểm về việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với cô giáo để xác định hành vi vi phạm, đánh giá lỗi, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng là cần thiết, vì trong khoa học hình sự, yếu tố lỗi là quan trọng nhất, trong đó có lỗi cố ý và lỗi vô ý.
“Dù vô ý hay cố ý, nhưng khi xem xét hậu quả gây ra hay khách thể bị xâm hại thì luật vẫn quy định truy cứu trách nhiệm hình sự. Tất nhiên lỗi là yếu tố quan trọng để xác định mức độ, hậu quả để áp dụng chế tài xử lý”, đại biểu Lê Thanh Vân cho hay.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) cho rằng, trách nhiệm để xảy ra vụ việc đau lòng này là của người lớn, đặc biệt là giáo viên và người phụ trách đưa đón học sinh. Nguyên nhân cũng là do chúng ta còn dễ dãi trong lựa chọn người đảm trách nhiệm vụ đưa đón trẻ, chế tài xử lý không đủ nghiêm khắc, răn đe. Cho nên, tới đây cần bổ sung quy định về những nội dung này.