ĐBQH: Cần có giải pháp gỡ khó trong việc xây dựng ký túc xá sinh viên

Việc cải thiện cơ chế phối hợp giữa CSGD và địa phương trong phân bổ quỹ đất và quy hoạch xây dựng KTX là cấp thiết để giải quyết tình trạng thiếu chỗ ở cho SV.

Tình trạng thiếu chỗ ở ký túc xá cho sinh viên hiện nay đang trở thành một vấn đề cấp bách, đặc biệt tại các thành phố lớn. Với số lượng sinh viên ngày càng gia tăng, các trường đại học, cao đẳng gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ chỗ ở, dẫn đến nhiều sinh viên phải đối mặt với tình trạng thuê nhà trọ bên ngoài với giá cao và điều kiện sống không đảm bảo.

Nhiều trường đại học gặp khó khăn trong việc xây dựng ký túc xá do quỹ đất hạn chế, thủ tục phức tạp và thiếu kinh phí dẫn đến chậm trễ trong việc đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho sinh viên. Việc tìm kiếm giải pháp để khắc phục tình trạng này đang trở thành một yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết.

Khó khăn xây dựng ký túc xá sinh viên do thiếu sự đồng bộ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, nhiều trường đại học hiện nay đang gặp khó khăn trong việc triển khai xây dựng ký túc xá do chưa thực hiện đồng bộ 3 yếu tố: quỹ đất, nguồn vốn đầu tư và nhu cầu sử dụng thực tế.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. (Ảnh: Thúy Hiền)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. (Ảnh: Thúy Hiền)

Việc thiếu sự đồng bộ dẫn đến quá trình hoàn thành các dự án kéo dài nhiều năm, làm chậm trễ trong việc cung cấp chỗ ở cho sinh viên. Một số trường dù có đủ nguồn lực tài chính nhưng không có quỹ đất để xây dựng, đặc biệt là tại các khu vực nội thành.

Trong khi đó, nếu các trường đại học quyết định di dời ra các khu vực ngoại thành, nơi có quỹ đất sẽ tiếp tục vấp phải một thách thức khác. Nhu cầu sinh viên muốn ở tại những khu vực này thường chưa cao do vị trí xa trung tâm, thiếu kết nối giao thông thuận tiện cũng như thiếu các dịch vụ đi kèm như nhà ăn, siêu thị hoặc khu giải trí.

Điều này làm tăng nguy cơ lãng phí trong việc xây dựng ký túc xá tại các khu vực này, vì nếu hoàn thành mà không có sinh viên đến ở ngay, các cơ sở sẽ bị bỏ trống và không được sử dụng hiệu quả.

Vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào để cân bằng giữa nhu cầu trước mắt và sự phát triển lâu dài. Đây là một “bài toán khó” khiến các trường đại học không chỉ phải đối mặt với áp lực về quỹ đất và chi phí xây dựng mà còn phải tính toán cẩn trọng để tránh việc đầu tư thiếu hiệu quả, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho sinh viên nhưng không lãng phí nguồn lực.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, vấn đề về nhà ở cho sinh viên đặc biệt là việc xây dựng ký túc xá là một vấn đề nan giải mà nhiều trường đại học đang phải đối mặt.

Theo nữ đại biểu, những rào cản chính khiến các trường đại học gặp khó khăn trong việc xây dựng và mở rộng ký túc xá hiện nay như sau:

Thứ nhất là hạn chế về nguồn vốn. Ngân sách Nhà nước dành cho việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường đại học còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, việc huy động vốn từ các nguồn xã hội hóa gặp nhiều khó khăn do các quy định pháp luật còn rườm rà và thủ tục hành chính phức tạp, gây cản trở cho các dự án đầu tư từ doanh nghiệp hoặc các tổ chức bên ngoài.

Thứ hai, việc tìm kiếm quỹ đất để xây dựng ký túc xá tại các thành phố lớn gặp nhiều trở ngại do quỹ đất hạn hẹp và giá đất cao. Ngoài ra, các quy hoạch đô thị hiện tại chưa ưu tiên dành đủ diện tích cho việc xây dựng ký túc xá sinh viên, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung chỗ ở và gây áp lực lớn cho các trường đại học trong việc đáp ứng nhu cầu của sinh viên.

 Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: NVCC)

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: NVCC)

Cùng bàn về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhận định, ký túc xá sinh viên hiện đang rơi vào tình trạng "vừa thiếu vừa thừa".

“Tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, giá phòng trọ trong năm vừa qua tăng lên đáng kể đã khiến nhu cầu sinh viên vào ở ký túc xá của trường đại học tăng cao. Tuy nhiên, nhiều trường đại học trong khu vực nội đô không đủ cơ sở vật chất để đáp ứng 100% nhu cầu về chỗ ở cho sinh viên.

Nguyên nhân chủ yếu là do quy mô các trường đại học ngày càng mở rộng, trong khi không có quỹ đất dành cho việc xây dựng ký túc xá và các mô hình ký túc xá hiện tại đã quá cũ kỹ, lạc hậu. Trong khi đó cũng có những khu vực có ký túc xá nhưng ít sinh viên lựa chọn ở. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sự đồng bộ trong hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng và không có các dịch vụ hỗ trợ, phục vụ đời sống khác khiến sinh viên không thực sự quan tâm tới việc sống tại đó”, bà Nga cho hay.

Xã hội hóa còn nhiều hạn chế, cần sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía

Xã hội hóa việc xây dựng ký túc xá sinh viên từ lâu đã được khuyến khích như một giải pháp nhằm cải thiện tình trạng thiếu chỗ ở tại các thành phố lớn, đây cũng là mong mỏi của nhiều cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy quá trình này còn gặp nhiều hạn chế. Những khó khăn trong việc huy động vốn từ các nguồn ngoài ngân sách Nhà nước, quy trình thủ tục pháp lý phức tạp và sự thiếu đồng bộ giữa các cơ quan quản lý đã tạo ra rào cản lớn cho các dự án xã hội hóa.

Theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, hạn chế trong việc xã hội hóa xây dựng ký túc xá sinh viên xuất phát từ rủi ro đầu tư. Thời gian thu hồi vốn thường kéo dài do đối tượng thuê chủ yếu là sinh viên với chu kỳ thuê ngắn và khả năng thanh toán không ổn định. Thêm vào đó, chi phí đầu tư lớn cho việc xây dựng và vận hành ký túc xá yêu cầu nguồn vốn đáng kể, trong khi lãi suất vay vốn thương mại thường cao. Chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng ký túc xá cũng chưa ổn định và rõ ràng, gây hoang mang cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, việc thiếu thông tin và kết nối giữa các bên liên quan cũng cản trở quá trình xã hội hóa. Các nhà đầu tư thường không có đủ thông tin về nhu cầu, chính sách và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này, đặc biệt khi mối liên kết giữa nhà đầu tư, nhà trường và chính quyền địa phương còn hạn chế.

Cuối cùng, vướng mắc về thủ tục hành chính là một yếu tố đáng chú ý khi quy trình phê duyệt dự án thường phức tạp và kéo dài, gây tốn thời gian, chi phí cho nhà đầu tư.

Để khuyến khích xã hội hóa việc xây dựng ký túc xá sinh viên, theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, cần triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ hiệu quả. Về thuế, Nhà nước có thể giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn giảm thuế đất cho các dự án xây dựng ký túc xá. Ngoài ra, cần cấp vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp và thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư nhằm thúc đẩy việc phát triển ký túc xá sinh viên.

Đồng thời, việc “đơn giản hóa” các thủ tục hành chính sẽ giúp rút ngắn thời gian phê duyệt dự án và xây dựng cơ chế "một cửa liên thông" để xử lý các thủ tục liên quan. Quy hoạch đô thị nên xác định quỹ đất riêng cho ký túc xá và xây dựng tiêu chuẩn thiết kế thuận lợi cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, việc áp dụng cơ chế đấu thầu công khai chính là giải pháp để đảm bảo tính minh bạch, ưu tiên nhà đầu tư có kinh nghiệm và đánh giá phương án đầu tư hiệu quả nhất.

Cùng bàn về vấn đề này, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, xã hội hóa việc xây dựng ký túc xá cho sinh viên là một hướng đi đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, quá trình triển khai cần được rà soát kỹ lưỡng vì mô hình này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. (Ảnh: NVCC)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. (Ảnh: NVCC)

Nữ đại biểu cho biết: "Trước hết, các cơ sở giáo dục đại học và các địa phương cần rà soát kỹ các quy định về quản lý, sử dụng đất đai và đảm bảo rằng việc phân bổ đất cho các dự án ký túc xá không làm ảnh hưởng đến quỹ đất công dành cho các mục đích phát triển khác. Ngoài ra, việc xã hội hóa cũng đòi hỏi phải xây dựng cơ chế kiểm soát chất lượng công trình và dịch vụ nhằm tránh tình trạng lợi nhuận được đặt lên trên lợi ích của sinh viên, dẫn đến chất lượng kém hoặc giá cả không phù hợp.

Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư và các trường học là vô cùng quan trọng. Để mô hình xã hội hóa xây dựng ký túc xá sinh viên phát huy hiệu quả, tất cả các bên cần cùng nhau xây dựng cơ chế hợp tác bền vững, đảm bảo rằng cả lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội đều được cân bằng, mang lại lợi ích lâu dài cho sinh viên và xã hội".

Cải thiện cơ chế phối hợp giữa các trường đại học và địa phương

Theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, việc cải thiện cơ chế phối hợp giữa các trường đại học và địa phương trong phân bổ quỹ đất và quy hoạch xây dựng ký túc xá là một vấn đề cấp thiết để giải quyết tình trạng thiếu hụt chỗ ở cho sinh viên.

“Trước hết, địa phương cần có quy hoạch tổng thể về đất đai, ưu tiên phân bổ quỹ đất cho việc xây dựng ký túc xá tại các khu vực tập trung nhiều trường đại học, đồng thời tinh giản các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép xây dựng. Việc xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi để thu hút nhà đầu tư cũng là yếu tố then chốt.

Các trường đại học có thể liên kết với nhau để cùng xây dựng các khu ký túc xá lớn, chia sẻ cơ sở vật chất, dịch vụ hoặc tận dụng quỹ đất sẵn có của mình để xây dựng ký túc xá.

Về tài chính, việc thành lập quỹ hỗ trợ xây dựng ký túc xá từ các nguồn khác nhau như ngân sách Nhà nước, vốn xã hội hóa và phí dịch vụ có thể giúp giảm áp lực tài chính. Nhà nước cũng nên áp dụng chính sách cho thuê đất ưu đãi đối với các dự án ký túc xá.

Để các giải pháp này đạt hiệu quả, sự phối hợp giữa các trường và địa phương cần tuân theo ba nguyên tắc cốt lõi sau: minh bạch trong thông tin dự án, đảm bảo sự tham gia tích cực của các bên liên quan và triển khai dự án một cách nhanh chóng, hiệu quả, chất lượng”, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho hay.

Mặt khác, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho sinh viên và “gỡ khó” cho các trường đại học, địa phương cần chú trọng ưu tiên sinh viên trong chính sách nhà ở xã hội.

“Theo Luật Nhà ở 2023, học sinh, sinh viên đại học, học viện, cao đẳng, dạy nghề, trường chuyên biệt và học sinh trường dân tộc nội trú công lập đều được hưởng chính sách về nhà ở xã hội. Đối với sinh viên, hình thức áp dụng là được thuê nhà ở xã hội trong thời gian học tập. Tại những địa phương có trường đại học và có nhà ở xã hội, sinh viên sẽ được xét duyệt thuê trong thời gian học.

Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế vì đây là phân khúc không hấp dẫn đối với các chủ đầu tư, lợi nhuận bị khống chế ở mức không quá 10% và việc cho thuê sẽ kéo dài thời gian thu hồi vốn.

Mặc dù vậy, Chính phủ đang rất quyết tâm phát triển phân khúc này và đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội. Hy vọng rằng trong thời gian tới, nguồn cung nhà ở xã hội sẽ dồi dào hơn, giúp giải quyết khó khăn về chỗ ở cho người lao động thu nhập thấp, các trường đại học và đặc biệt là sinh viên tại các đô thị lớn, nơi nhu cầu về nhà ở đang rất cấp thiết”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga thông tin.

Thúy Hiền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dbqh-can-co-giai-phap-go-kho-trong-viec-xay-dung-ky-tuc-xa-sinh-vien-post246267.gd
Zalo