ĐBQH: Cần cấm tuyệt đối thuốc lá điện tử, nung nóng để bảo vệ tính mạng, sức khỏe thế hệ trẻ

Theo thống kê tại 700 cơ sở y tế, năm 2023 đã có 1.224 người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử. Trước thực trạng trên, một số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề xuất cần cấm tuyệt đối để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của thế hệ trẻ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như nhiều chuyên gia y tế, chính sách, các Đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh những tác hại, gánh nặng do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ra với sức khỏe người sử dụng, cũng như tăng thêm gánh nặng tài chính chi cho điều trị bệnh tật do các sản phẩm này gây ra.

Cùng đó, Bộ Y tế đã nhiều lần nhất quán quan điểm cần phải CẤM chứ không QUẢN thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Vậy đâu là lý do WHO, Bộ Y tế và các chuyên gia y tế, chính sách cũng như các Đại biểu Quốc hội lại nêu quan điểm phải CẤM chứ không QUẢN thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng?

Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức tuyến bài "Vì sao cần phải CẤM chứ không QUẢN thuốc lá điện tử, nung nóng?"

Bài 1: Hệ lụy nghiêm trọng của thuốc lá điện tử, nung nóng: Nhìn từ bệnh viện

Bài 2: Hiểm họa khôn lường khi ma túy 'núp' trong thuốc lá điện tử

Bài 3: Thuốc lá điện tử, nung nóng chứa chất gây ung thư, nguy hại cho sức khỏe nên cần cấm chứ không 'quản'

Bài 4: Đằng sau những luận điệu truyền thông sai lệch về tác hại của thuốc lá điện tử, nung nóng

Bài 5: Cần cấm tuyệt đối thuốc lá điện tử, nung nóng để bảo vệ tính mạng, sức khỏe thế hệ trẻ

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.

Đáng chú ý, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không quy định về các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nên các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.

Thực tế cho thấy, một tình trạng đáng báo động là giới trẻ có thể dễ dàng mua bán, sử dụng các loại thuốc lá này mà không biết rõ nguồn gốc, tác hại của các hóa chất, thậm chí có cả chất gây nghiện được pha trộn.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) mới đây đã đưa ra con số khiến nhiều người giật mình. Cụ thể, thống kê của gần 700 cơ sở khám, chữa bệnh, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử được cấp cứu tại BV Bãi Cháy (Quảng Ninh). Ảnh: Bệnh viện cung cấp

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử được cấp cứu tại BV Bãi Cháy (Quảng Ninh). Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trước tình trạng trên, nhiều ĐBQH bày tỏ sự lo ngại và cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành cần có những giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề đáng báo động này.

ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, cử tri địa phương đang rất lo lắng bởi hiện nay có nhiều thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được chào bán công khai trên mạng xã hội. Người mua chỉ cần tìm kiếm đơn giản trên google là có thể sở hữu một cách dễ dàng.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân bày tỏ lo lắng, trong các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không chỉ có hóa chất hương thơm mà còn có cả ma túy được tẩm, pha trộn. Đã có trường hợp học sinh bị sốc thuốc được đưa đến bệnh viện xét nghiệm thì thấy có hàm lượng ma túy ở trong máu.

Để ngăn chặn những tác hại do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ra, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ phải cấm tuyệt đối buôn bán, sử dụng các loại thuốc lá này.

Nhiều ĐBQH đề nghị Chính phủ cấm tuyệt đối việc buôn bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Nhiều ĐBQH đề nghị Chính phủ cấm tuyệt đối việc buôn bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Lo ngại vấn đề sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng trong học sinh, sinh viên, ĐBQH Đặng Thị Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng, khi nói đến thuốc lá điện tử, chúng ta vẫn nghĩ chủ yếu tập trung ở thành phố. Tuy nhiên, thuốc lá điện tử đang tràn lan về vùng quê, không phải học sinh THCS sử dụng mà kể cả học sinh cấp Tiểu học cũng đua theo bạn sử dụng thuốc lá điện tử, sử dụng các chất gây nghiện khiến các bậc phụ huynh rất lo lắng.

Đại biểu tỉnh Hòa Bình cũng cho hay, việc mua bán thuốc lá điện tử quá dễ dàng thông qua mạng xã hội và nhiều kênh khác nhau. Vấn đề nguy hại hơn cả đó là các cháu không xác định được sự nguy hiểm của việc sử dụng thuốc lá điện tử. Trước thực trạng trên, đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc cho rằng "cần có một biện pháp mạnh và phải hướng tới cấm sử dụng thuốc lá điện tử, nếu như không cấm sẽ rất nguy hiểm cho cả một thế hệ".

Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, ĐBQH Âu Thị Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, tỷ lệ học sinh, thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là vấn đề đáng báo động. Bởi, việc sử dụng không chỉ có hại cho sức khỏe mà còn có nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, rối loạn tâm thần, suy giảm sự trưởng thành của bộ não. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan phải sớm có các giải pháp quản lý việc phòng, chống tác hại của các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá khác để kịp thời bảo vệ sức khỏe cho thanh thiếu niên.

Với những lo ngại, băn khoăn trước thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang gia tăng trong thanh thiếu niên, các ĐBQH cho rằng, Chính phủ cần có sự đánh giá về tác hại của việc sử dụng các loại thuốc lá này cũng như đưa ra giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để bảo vệ sức khỏe, trí tuệ và sự phát triển của cả thế hệ trẻ ở hiện tại và trong tương lai.

Mời bạn đón đọc các bài tiếp theo của tuyến bài "Vì sao cần phải CẤM chứ không QUẢN thuốc lá điện tử, nung nóng?" trên Sức khỏe và Đời sống.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dbqh-can-cam-tuyet-doi-thuoc-la-dien-tu-nung-nong-de-bao-ve-tinh-mang-suc-khoe-the-he-tre-16924081508591171.htm
Zalo