ĐBQH băn khoăn với nhiều tội danh thoát án tử hình

Thảo luận tại tổ về Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), các ĐBQH nêu nhiều băn khoăn với các loại tội được bỏ án tử hình. Đặc biệt là tội vận chuyển trái phép chất ma túy; sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và phòng bệnh; tham ô; và nhận hối lộ.

Tội vận chuyển ma túy không thể thoát án tử hình

Chiều ngày 20/5, thảo luận tại tổ về Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), với kinh nghiệm từng là Giám đốc Công an TP Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa, đại biểu Nguyễn Hải Trung - Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo, ĐBQH đoàn Hà Nội, đồng tình với việc bỏ một số loại tội có án tử hình. Một số nước không có hoặc có cũng không thi hành án tử hình. Nếu không giảm bớt một số tội có án tử hình thì có thể ảnh hưởng tới quan hệ đối ngoại, nhất là quan hệ về tương trợ tư pháp.

Tuy nhiên, trong những loại tội được giảm án tử hình mà dự thảo luật đề xuất, đại biểu băn khoăn về tội vận chuyển ma túy. Theo đại biểu đoàn Hà Nội, trong số các tội phạm ma túy, có nhiều hành vi như sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng… nhưng trong dự thảo luật lại chỉ giảm cho tội vận chuyển ma túy.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung (Đoàn Hà Nội). (Ảnh: Phạm Thắng)

Đại biểu Nguyễn Hải Trung (Đoàn Hà Nội). (Ảnh: Phạm Thắng)

“Thực tế, ở một số xã miền núi, nhiều người vất vả quá thì nghĩ ngay đến chuyện vận chuyển ma túy. Vấn đề là nếu vận chuyển một vài gram thì không nói nhưng có trường hợp vận chuyển cả tấn, thậm chí có nước làm cả tàu ngầm để vận chuyển và gây ra tác hại rất lớn”, đại biểu phân tích.

Do đó, đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng, với tội này vẫn phải có án tử hình nhưng phân hóa rõ, áp dụng với một số đối tượng vi phạm nghiêm trọng.

Còn với đối tượng sử dụng ma túy, theo ông Trung, đây là nguồn của nhiều loại tội phạm. Từ ma túy sinh ra đủ thứ giết người, trộm cắp; số người nghiện ma túy không có công ăn việc làm rất nhiều. Do đó, đại biểu có quan điểm là hành vi sử dụng ma túy phải là tội và phải xử lý bằng hình phạt tù.

Cũng góp ý cho Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Đoàn TP.HCM) nêu quan điểm không đồng tình khi bỏ án tử hình với 8 tội danh như dự thảo luật đề xuất. Trong đó, với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, đại biểu cho rằng, trong vụ án mua bán trái phép chất ma túy muốn thực hiện thành công thì đối tượng đồng phạm quan trọng nhất vẫn là “người vận chuyển”.

“Mặc dù duy trì án tử hình nhưng số lượng mua bán, vận chuyển ngày càng tăng, lên tới hàng trăm bánh, hàng tạ, hàng tấn. Nếu bỏ tội này thì Việt Nam có thể trở thành điểm trung chuyển ma túy”, đại biểu Nguyễn Thanh Sang nói.

Đối với tội tham ô và tội nhận hối lộ, ông Sang cũng đề nghị cân nhắc kỹ việc bỏ hình phạt tử hình, đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm này.

Ông Sang lưu ý, tội phạm tham ô tài sản không chỉ xảy ra ở lĩnh vực công mà còn ở cả lĩnh vực tư. Ông lấy ví dụ điển hình vụ án Trương Mỹ Lan tại ngân hàng SCB, cho rằng, việc duy trì hình phạt tử hình có tác dụng răn đe, giúp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.

“Nếu bỏ hình phạt này, hiệu quả thu hồi tài sản có đạt được như mong muốn hay không?”, đại biểu băn khoăn.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Đoàn TP.HCM). (Ảnh: Quang Phúc)

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Đoàn TP.HCM). (Ảnh: Quang Phúc)

“Nhân văn” với tội phạm là “độc ác” với đồng bào

Cũng nêu nhiều băn khoăn, đặc biệt về đề xuất bỏ án tử hình đối với bốn tội danh: vận chuyển trái phép chất ma túy, sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và phòng bệnh, tham ô và nhận hối lộ trong lần sửa đổi này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.HCM) cho rằng, theo logic thông thường, nếu tình hình quản lý và thực tế của các tội danh này được cải thiện thì có thể giảm án.

Ngược lại, nếu tình hình căng thẳng, nguy cơ cao và luật hiện hành không đủ sức răn đe, thì cần tăng mức xử phạt. Đại biểu nêu ví dụ trong việc xử lý các vi phạm giao thông thời gian vừa qua.

“Thực tế, tình hình ma túy ngày càng phức tạp. Mới đây, công an Thanh Hóa phát hiện 21 loại thuốc giả và đó có thể chỉ là phần nổi của tảng băng. Tham nhũng và nhận hối lộ dù Đảng ta đã quyết liệt đấu tranh, nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Người phạm tội có nghĩ đến hậu quả khi gây án hay không? Tại sao chúng ta lại “nhân văn” thay cho họ?. Chúng ta không nên “nhân văn” với tội phạm mà lại “độc ác” với đồng bào, với những người tuân thủ pháp luật và thân nhân của các nạn nhân”, bà Lan nói.

Dành nhiều thời gian nêu ý kiến về vấn đề thuốc giả, là một cán bộ công tác trong ngành y, bà Lan khẳng định, đạo đức nghề nghiệp là vô cùng quan trọng. Thực tế, luật hiện hành chưa xử tử hình ai về tội làm thuốc giả. Tuy nhiên, án tử hình có tác dụng răn đe. Trước tình trạng hàng giả tràn lan, đặc biệt là thuốc giả ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe, thì phải giữ án tử hình để răn đe và tránh tình trạng “luật trói tay” trong tương lai.

“Một bác sĩ dở có thể gây hại cho một bệnh nhân, nhưng một dược sĩ làm thuốc giả có thể giết hàng loạt người. Và đừng nói là “không biết”, khi nhận lợi nhuận, họ đều biết rõ. Hành vi này phải bị trừng trị thích đáng. Chúng ta cần lưu ý đến ví dụ ở Trung Quốc, năm 2007, Cục trưởng Cục Quản lý Dược bị tử hình vì cấp phép cho thuốc kháng sinh gây chết người. Việc thi hành án nhanh chóng đã có tác dụng răn đe”, bà Lan nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.HCM). (Ảnh: Quang Phúc)

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.HCM). (Ảnh: Quang Phúc)

Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị xem xét lại các tội liên quan đến thực phẩm. Mức án cao nhất hiện tại chỉ là chung thân, nhưng lại yêu cầu chứng minh thiệt hại. Đại biểu cho rằng, việc chứng minh này rất khó khăn, thực phẩm giả, đặc biệt là thực phẩm chức năng và sữa giả, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người già, trẻ em và những đối tượng yếu thế.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung (Đoàn Hà Nội) và đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Đoàn TP.HCM) cũng nêu cùng quan điểm với đại biểu Phong Lan trong nội dung này.

Với nhóm tội phạm sản xuất hàng giả, ông Trung dẫn lại trước đây từng có tiểu phẩm trong đó người bố phải thốt lên: “Thuốc giả, bác sĩ giả, chỉ có con tôi chết là thật” và nhấn mạnh quan điểm tội sản xuất thuốc giả phải có mức án cao hơn các loại hàng hóa giả khác vì tính chất nghiêm hại cao.

Còn ông Sang cho rằng, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, dù trong lịch sử chưa tuyên án tử hình, nhưng những diễn biến gần đây cho thấy các đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả với số lượng lớn thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh đã bị phát hiện. Hành vi này gây tác hại khôn lường, kinh doanh trên nỗi đau của người bệnh. Do đó, cần xem xét hình phạt tử hình cho tội danh này.

Góp ý tại họp tổ về việc sửa đổi Bộ luật Hình sự, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.HCM) cho biết, với tư cách là ĐBQH khóa XIII, bà đã tham gia xây dựng Bộ luật Hình sự năm 2015 và việc bộ luật này liên tục được sửa đổi (vào năm 2017 và hiện tại) khiến đại biểu lo ngại về tính “yểu mệnh của luật, cũng như sự cập nhật của ban soạn thảo với thực tế.

“Liệu các luật sư, tòa án có theo kịp những thay đổi này. Bộ luật Hình sự là một văn bản pháp luật quan trọng, việc sửa đổi liên tục khiến tôi ngạc nhiên, tương tự như trường hợp Luật Dược trước đây”, đại biểu nói.

Lê Hoàng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/dbqh-ban-khoan-voi-nhieu-toi-danh-thoat-an-tu-hinh-post1200881.vov
Zalo