Dạy tích hợp: Giáo viên than phiền khó giúp học sinh trả lời 'vấn đề khó'
Việc thiếu cơ sở vật chất, chưa thống nhất kiểm tra, đánh giá là những cản trở khiến thầy cô khó lòng đổi mới phương pháp dạy học theo chương trình GDPT mới.
Nhìn nhận lại quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018 đến nay, điều mà các thầy cô gặp phải nhiều khó khăn nhất đó là dạy môn tích hợp. Thiếu cơ sở vật chất, không nắm vững chuyên môn, chưa hiểu rõ vai trò của tích hợp là những vấn đề mà phần lớn giáo viên loay hoay trong quá trình giảng dạy.
Còn nhiều băn khoăn sau hơn 3 năm triển khai
Tốt nghiệp ngành Sư Phạm Sinh học, cô Thùy Dung – Giáo viên dạy THCS tại huyện Thanh Trì (
Hà Nội
) bày tỏ dù đã có kinh nghiệm 10 năm trên bục giảng với môn Sinh học nhưng vẫn gặp không ít khó khăn khi dạy tích hợp.
Giống như đồng nghiệp, giáo viên này đã được tham gia khóa học bồi dưỡng và hoàn thành chứng chỉ bồi dưỡng môn Khoa học tự nhiên tuy nhiên bản thân vẫn chưa đủ tự tin để đứng lớp, trả lời những câu hỏi, vấn đề khó mà học sinh đưa ra.
"Việc tập huấn chỉ diễn ra trong khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng, trong khi trước đây, giáo viên được đào tạo 4 năm ở trường sư phạm chỉ chuyên về 1 môn học. Đáng lẽ, cần phải đào tạo giáo viên dạy Khoa học tự nhiên trước khi triển khai chương trình mới", cô Dung đưa ra ý kiến.
Cô Thùy Dung cho rằng, giáo viên phải mày mò, tìm hiểu, tìm kiếm cách tiếp cận chương trình mới chứ không riêng gì học sinh. Bày tỏ lo lắng, cô Dung chia sẻ: "Càng lên lớp cao, lượng kiến thức chuyên sâu, giáo viên khó có thể giúp học sinh hiểu sâu kiến thức, đặc biệt là những phần nâng cao".
Là giáo viên dạy tại huyện Đông Anh, cô Nguyễn Thị Hiền lại cho rằng điều kiện cơ sở vật chất và việc dạy học môn tích hợp là những khó khăn mà cô gặp phải đối với Chương trình GDPT 2018.
Cô Hiền đánh giá: "Chúng tôi phải cố gắng, học hỏi rất nhiều để thực hiện theo đúng tiêu chí, mục tiêu của môn học tích hợp. Phần lớn các giáo viên rất cần được tham gia nhiều buổi tập huấn hơn nữa để nâng cao chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm”.
Cũng theo cô Hiền này, hiện nay, giáo viên còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài liệu tham khảo để ứng dụng trong quá trình soạn giáo án, lên lớp. Điều kiện sơ sở vật chất tại các trường học theo đúng yêu cầu của chương trình mới cũng là những băn khoăn của nhiều giáo viên như cô Hiền.
Là địa phương thuộc vùng núi, ông Phạm Thanh Hải - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Hồ, Sơn La cho biết dạy học tích hợp càng khó hơn đối với các em học sinh dân tộc thiểu số.
“Ngoài tình trạng thiếu giáo viên thì khả năng nhận thức của học sinh cũng là một trong những cản trở, kiến thức để học sinh tiếp thu được là rất khó. Việc giáo viên dạy liên môn cũng khiến cho các thầy cô không tự tin để dạy. Trước kia một giáo viên dạy một môn đã khó bây giờ dạy liên môn khó khăn sẽ nhân lên nhiều lần”, ông Hải bày tỏ.
Đối với các trường tại đây gần như cũng không có các phòng học bộ môn cho các em chỉ có các trang bị thiết bị dạy học tối thiểu chứ chưa đáp ứng được những điều kiện theo yêu cầu của chương trình mới.
Xóa bỏ những quan điểm bi quan
Dưới góc độ nghiên cứu và làm nghề, trao đổi với
Người Đưa Tin
bà Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng dạy và học tích hợp không phải bây giờ mới được triển khai trong thực tế tất cả các giáo viên có kinh nghiệm đều chọn dạy học tích hợp làm phương pháp để đạt được mục tiêu giáo dục của mình.
Cùng với đó, quan điểm học đi đôi với hành, kiến thức phải được đặt trong bối cảnh đời sống và xu thế dạy tích hợp đã được thực hiện ở các nước thì việc triển khai dạy đa môn, liên môn là phù hợp.
“Môn học tích hợp sẽ không thực hiện được nếu như cách dạy của giáo viên không thay đổi và điều kiện dạy học không được đảm bảo. Qua các cuộc trao đổi, tôi thấy rất hiếm có trường thực hiện được đồng bộ 4 trụ cột để triển khai chương trình mới và dạy học tích hợp đó là đó là mục tiêu gắn liền với tích hợp, nội dung dạy học và phương pháp dạy học, điều kiện dạy học, hệ thống đánh giá”, chuyên gia nhận định.
Giáo viên hiện nay đang chờ đợi việc có đủ về điều kiện về cơ sở vật chất giảng dạy, hoàn thiện hệ thống đánh giá để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ đổi mới phương pháp giảng dạy chứ không phải họ không làm được. Ngoài ra, thầy cô cũng trăn trở khi họ không có thời gian sinh hoạt chuyên môn và không có thiết bị, tài liệu dạy học, họ cũng chưa được thực hiện tập huấn thật cụ thể theo hình thức gắn với thực tế của nhà trường.
Bà Chu Cẩm Thơ cũng cho rằng: “Không nên quá bi quan trong quá trình triển khai dạy môn tích hợp thay vào đó nên quyết liệt đầu tư để cho giáo viên thực hiện, tạo động lực niềm tin cho họ về ý nghĩa dạy học tích hợp”.
Nếu suy nghĩ không tích cực sẽ cho rằng môn tích hợp rất hời hợt về kiến thức, đang làm kiến thức của học sinh yếu đi. Cũng có giáo viên hiểu rằng học tích hợp nhưng không thi tích hợp, nên chắc chắn học sinh mình có kết quả kém, vậy tại
sao
tôi phải cố gắng dạy tích hợp?
Tuy nhiên, về phía giáo viên cũng cần chủ động thay đổi, không nên theo lối mòn dạy học theo giáo án truyền thụ kiến thức, trong khi đã là giáo viên gặp bất kỳ bài học hay đối tượng nào chúng ta đều phải thay đổi phương pháp, kỹ năng, nghiên cứu nội dung, biên soạn giáo án phù hợp, gắn với thực tiễn, với khoa học liên môn là chuyện bắt buộc.
“Việc phá tảng băng về tâm lý, thói quen có từ đã rất lâu của rất của nhiều giáo viên là điều khá thách thức.
Giáo viên cần cùng trao đổi, chia sẻ để nâng cao hiểu biết, không phải để bắt chước và làm theo, dạy học tích hợp phải thực hành để phát hiện ra chúng ta cần làm gì cho
học sinh
ngay tại chính ngôi trường của họ, điều này không phải là dễ trong một vài năm”, chuyên gia nhấn mạnh.