Dạy thêm, học thêm: Thuốc nào 'trị tận gốc'?

Những quy định mới về dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT đang nhận nhiều ý kiến trái chiều. Phía chuyên gia cho rằng, để giải quyết vấn đề này, điều quan trọng số một nâng cao chất lượng dạy thật, học thật trong nhà trường.

Tránh gây xáo trộn việc học

Từ học kỳ II năm học 2024-2025, Trường THPT Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) dừng tổ chức dạy học tăng cường cho học sinh nhà trường, thực hiện theo quy định về dạy thêm, học thêm của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT.

Việc dừng tổ chức dạy học tăng cường cho học sinh trong nhà trường khiến nhiều phụ huynh băn khoăn bởi nhu cầu học sinh cần học thêm là có thật. Trong khi, học phí dạy tăng cường của các thầy cô trong trường rất thấp.

Một giờ học chính khóa của cô và trò Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Hoài.

Một giờ học chính khóa của cô và trò Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Hoài.

Chị Nguyễn Ngọc Anh, phụ huynh có con gái học lớp 10 của Trường THPT Đại Mỗ cho biết: “Nhà trường tổ chức dạy tăng cường cho đối tượng học sinh có nhu cầu nâng cao, bồi dưỡng kiến thức. Con gái tôi học tăng cường các môn Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học mà học phí chỉ khoảng gần 200.000 đồng/tháng. Giờ trường không tổ chức dạy tăng cường nữa, tôi chưa biết cho con học thêm ở đâu?”.

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GDĐT sẽ có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Theo thông tư này, có 3 trường hợp không được dạy thêm gồm: học sinh tiểu học; giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Thông tư mới quy định, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Hiệu trưởng Trường THCS Văn Yên (quận Hà Đông, Hà Nội) Trương Thị Liên cho biết, nếu thực hiện việc dạy thêm trong nhà trường không thu phí như quy định tại Thông tư 29 thì ngân sách nhà trường không đủ để chi trả cho việc dạy thêm trong nhà trường. Hiện học phí học thêm trong trường từ 6.000 đến 13.000 đồng/tiết học tùy theo số lượng học sinh trên lớp thì học phí học thêm tại các trung tâm ngoài nhà trường sẽ cao hơn nhiều lần. Như vậy, không phải phụ huynh nào cũng đủ điều kiện để cho con tham gia học thêm.

“Chúng tôi đang chờ chỉ đạo thực hiện của cấp trên và đang trao đổi cách làm như thế nào để tránh gây xáo trộn”, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Yên cho hay.

Cách nào "trị tận gốc"?

Vấn đề dạy thêm, học thêm lâu nay luôn là chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Dù Bộ GDĐT đã đưa ra nhiều giải pháp để tránh tình trạng biến tướng từ việc dạy thêm, học thêm nhưng cho tới thời điểm này, khi Thông tư 29 chỉ còn vài ngày nữa chính thức có hiệu lực thì vấn đề này vẫn đang thu hút nhiều ý kiến trái chiều.

Ở chiều ngược lại, nhiều phụ huynh thở phào nhẹ nhõm khi con em mình không phải đi học thêm từ chính thầy, cô giáo trên lớp của con. Lý do theo chị Hoàng Diệu Thúy, phụ huynh có con học lớp 4 tại Hà Nội là chất lượng dạy học. “Nếu con không học thêm của thầy, cô trên lớp thì tôi sợ thầy cô không vui mà cho học thêm thì mất nhiều thời gian của con”, chị Thúy nói.

Tâm lý "bất nhất" của phụ huynh về việc dạy thêm, học thêm cũng là điều dễ hiểu. Bởi thực tế, nhiều hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm, học thêm đã được chỉ ra như: giáo viên dạy trên trường dạy lấy lệ để ép học sinh phải học thêm; dạy thêm, học thêm làm tăng áp lực tài chính cho phụ huynh; học sinh không đi học thêm bị giáo viên “trù dập”… Trong khi đó, nhu cầu học thêm của học sinh là có thật, nhất là những học sinh cuối cấp.

Quy định mới về dạy thêm, học thêm tại Thông tư 29 được xem là phù hợp với tình hình thực tế và bỏ được tư duy “không quản được thì cấm” trong việc xây dựng các quy định của pháp luật. Quy định mới cũng nhằm hạn chế tiêu cực của dạy thêm học thêm. Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho rằng, khi thông tư có hiệu lực, việc tổ chức, quản lý việc dạy thêm, học thêm có đúng như quy định nêu ra hay không là bài toán đặt ra.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng cần có những giải pháp căn cơ và đồng bộ để "trị tận gốc".

Trao đổi với PV, PGS.TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, điều quan trọng số một hiện nay là làm sao nâng cao chất lượng dạy thật, học thật ở ngay tại các nhà trường, từ đó để học sinh có đủ kiến thức, tham gia lớp học tiếp theo và trải qua các kỳ thi mà không cần học thêm.

Về quy định mới, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, quan điểm của lãnh đạo Bộ GDĐT là trong các nhà trường công lập, giáo viên đã nhận lương Nhà nước, sử dụng cơ sở vật chất của nhà nước thì không có chuyện dạy thêm thu tiền của phụ huynh, học sinh.

Thứ trưởng Bộ GDĐT đưa ra thực tế, khi thông tư ban hành có những địa phương buông lỏng, thôi không bổ trợ cho học sinh nữa... Ông Thưởng bày tỏ mong muốn, trong quá trình thực hiện Thông tư 29, lãnh đạo các sở GDĐT, hiệu trưởng các nhà trường tránh cực đoan.

Nguyễn Hoài

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/day-them-hoc-them-thuoc-nao-tri-tan-goc-10299629.html
Zalo