Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng bệnh sởi, đáp ứng điều trị tốt nhất

Bộ Y tế dự báo dịch sởi có xu hướng chung giảm, nhưng chưa dừng lại, cần hết sức thận trọng, sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều ca sốt phát ban nghi sởi tại các tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước.

Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác điều trị bệnh sởi tại các bệnh viện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác điều trị bệnh sởi tại các bệnh viện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính tới thời điểm hiện tại, cả nước đã ghi nhận trên 54.000 ca nhiễm sởi. Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã tổ chức các Đoàn công tác với sự tham gia của Bộ trưởng và các Thứ trưởng đi kiểm tra công tác sàng lọc, phân luồng, thu dung điều trị bệnh nhân sởi trẻ em và người lớn tại các bệnh viện ở cả ba miền của đất nước.

Người lớn và trẻ em không thể chủ quan với sởi

Đoàn Công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã kiểm tra công tác sàng lọc, phân luồng, thu dung điều trị bệnh nhân sởi trẻ em và người lớn tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Viện Y học Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), tiếp sau đó là tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Ông Cao Việt Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết từ năm 2024 đến nay, tại bệnh viện đã ghi nhận gần 2.700 ca mắc sởi. Số bệnh nhân sởi nhập viện trong 3 tháng đầu năm 2005 gấp hơn 2 lần so với số ca sởi của cả năm 2024. Trong số bệnh nhân nhập viện do sởi có 14% bệnh nhân dưới 6 tháng tuổi. Đáng nói là có đến 60% ca mắc chưa được tiêm chủng hoặc chưa đến tháng tuổi được khuyến cáo tiêm chủng đã mắc sởi. Hiện trung bình mỗi ngày bệnh viện khám, sàng lọc cho khoảng từ 70-90 ca, cao điểm có ngày hơn 100 ca.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận 13 ca tử vong do sởi, tuy nhiên các ca tử vong này là bệnh nhân có những bệnh nền phức tạp như viêm phổi, đẻ non, rối loạn chuyển hóa, teo đường mật, viêm màng não, teo đường mật...

Lãnh đạo bệnh viện Nhi Trung ương cũng lo ngại vì số lượng nội trú đông, phòng bệnh có hạn, phòng cách ly tiêu chuẩn còn hạn chế, trong khi bệnh nhân nội trú thường nặng, nhiều bệnh lý nền nặng, nguy cơ mắc sởi cao, thời gian nằm viện kéo dài. Cùng với đó là công tác phân luồng gặp khó do đông từ phòng khám đến đơn vị điều trị.

Tại Viện Y học Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) từ cuối năm 2024 đến nay đã khám, điều trị cho 104 bệnh nhân mắc sởi trong đó có ghi nhận nhiều ca diễn biến nặng, có 02 ca thở máy xâm nhập, 01 ca ECMO đã ổn định ra viện.

Phó giáo sư Đỗ Duy Cường - Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới Bạch Mai cho biết các bệnh nhân mắc sởi vào viện điều trị so với mọi năm có biến chứng nặng hơn. Độ tuổi trung bình mắc sởi nhập viện là từ 30-65 tuổi, đáng lưu ý có bệnh nhân 70 tuổi vẫn mắc sởi biến chứng nặng và phải thở máy… Điều này cho thấy là sởi không thể chủ quan dù là người lớn thì biến chứng nặng cũng rất cao.

Qua công tác kiểm tra bệnh sởi tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy số ca mắc sởi tại thành phố đang có xu hướng giảm mạnh, nhiều xã, phường đã đủ điều kiện và công bố hết dịch. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị người dân và các bệnh viện không được chủ quan, lơ là bởi nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện vẫn còn hiện hữu.

 Khu vực dành riêng khám cho bệnh nhân sởi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khu vực dành riêng khám cho bệnh nhân sởi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo bà Lê Hồng Nga - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), từ đầu dịch tới nay, có 8.087 ca sởi tại thành phố và 12.269 ca sởi tới từ các tỉnh lân cận. Sởi tác động tới mọi lứa tuổi, tuy nhiên nhóm trẻ từ 0-4 tuổi chịu ảnh hưởng sớm và nặng nhất, nhóm tuổi chiếm ưu thế là 1-5 tuổi.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ghi nhận và đánh giá cao công tác phòng chống dịch, thu dung, điều trị, công bố dịch của sởi của Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi công bố dịch, tới nay số ca bệnh đã giảm rất nhiều. Trong công tác điều trị bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện cần quan tâm, tuyệt đối không lơ là chủ quan trước dịch bệnh.

Dịch sởi chưa dừng lại, cần hết sức thận trọng

Nhận định xu hướng dịch, Bộ Y tế cho biết, đa số trường hợp mắc bệnh ở nhóm trẻ em từ 09 tháng tuổi đến dưới 15 tuổi (72,7%). Chủ yếu bệnh nhân mắc sởi đều không được tiêm vaccine phòng bệnh sởi hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (chiếm hơn 95%). Bệnh ghi nhận chủ yếu ở các thành phố lớn, di biến động dân cư cao, tuy nhiên đã có xu hướng gia tăng tại các tỉnh miền núi.

Bộ Y tế dự báo dịch sởi có xu hướng chung giảm, nhưng chưa dừng lại, cần hết sức thận trọng, sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều ca sốt phát ban nghi sởi tại các tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước, đặc biệt ở một số tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế còn khó khăn, những tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi thấp.

Đối với công tác tiêm chủng năm 2025, theo Cục Phòng bệnh, ở nhóm 1-10 tuổi có 17/17 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch, bắt đầu triển khai từ tháng 2/2025; Nhóm từ 06-09 tháng tuổi có 25/25 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch và bắt đầu triển khai tiêm vào cuối tháng 2-3/2025.

Như vậy, trong năm 2024-2025, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi được triển khai tại 45 tỉnh, thành phố sử dụng vaccine từ nguồn viện trợ của WHO (1,5 triệu liều và nguồn tự mua của Thành phố Hồ Chí Minh).

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Thủ tướng rất quan tâm đến công tác phòng chống sởi và đã ra 2 công điện tăng cường phòng chống bệnh sởi cũng như đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine sởi. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng liên tiếp có các chỉ đạo, ban hành các văn bản hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và phòng chống bệnh sởi nói riêng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phân tích sởi có thể mắc ở mọi lứa tuổi kể cả trẻ sơ sinh và trên 70 tuổi cho thấy có khoảng trống trong độ bao phủ vaccine. Vậy nên, để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống, thu dung và điều trị bệnh sởi. Bài học kinh nghiệm trong phòng chống, điều trị dịch sởi của Thành phố Hồ Chí Minh là bài học kinh nghiệm quý báu cho nhiều địa phương khác trong phòng chống sởi, với các chiến dịch chủ động, đón đầu nhằm hạn chế tối đa các ca diễn tiến nặng.

Bộ Y tế đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng, tổ chức tiêm bù mũi cho đối tượng trẻ em từ 1 tuổi đến 5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định và phải kết thúc việc tiêm bù chậm nhất trong ngày 31/03/2025./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/day-nhanh-tien-do-tiem-vaccine-phong-benh-soi-dap-ung-dieu-tri-tot-nhat-post1023804.vnp
Zalo