Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình phát triển vùng dân tộc
Căn cứ vào chỉ đạo của các cơ quan Trung ương, tỉnh Hòa Bình đã cụ thể hóa và ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đi vào chiều sâu nhằm triển khai có hiệu quả chương trình.
Căn cứ vào chỉ đạo của các cơ quan Trung ương, tỉnh Hòa Bình đã cụ thể hóa và ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đi vào chiều sâu nhằm triển khai có hiệu quả chương trình.
Đồng chí Đinh Duy Chuyên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Việc triển khai Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN đã được thực hiện một cách đồng bộ, xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cơ sở và có sự phân cấp quản lý rõ người, rõ việc theo quy định, phù hợp với pháp luật về quản lý đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan đảm bảo công khai, minh bạch. Căn cứ vào các quy định của Trung ương, tỉnh Hòa Bình đã ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương nhằm triển khai thực hiện chương trình như: Nghị quyết số 207 của HĐND tỉnh về tỷ lệ số lượng, dự án chương trình đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù thuộc các Chương trình MTQG; Quyết định số 2280 của UBND tỉnh phê duyệt danh mục loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù thuộc các Chương trình MTQG; Quyết định số 42 của UBND tỉnh quy định chi phí hỗ trợ chuẩn bị đầu tư, quản lý các dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù thuộc Chương trình MTQG... Qua đó đã góp phần tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình thuộc Chương trình MTQG.
Song song với xây dựng cơ chế, chính sách, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN. Thông qua công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện các chính sách dân tộc đã tạo động lực phát triển KT-XH, ổn định tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, tổng nguồn vốn giao thực hiện năm 2024 (bao gồm cả năm 2023 chuyển sang) là 1.118.514 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư 522.155 triệu đồng (bao gồm 104.593 triệu đồng năm 2023 chuyển sang; năm 2024 là 417.562 triệu đồng). Tính đến cuối tháng 10 giải ngân được trên 204.140 triệu đồng, đạt tỷ lệ 39,09% so với kế hoạch giao. Nguồn vốn sự nghiệp 596.359 triệu đồng (bao gồm 215.275 triệu đồng năm 2023 chuyển sang; năm 2024 là 381.084 triệu đồng). Đến nay giải ngân được 77.822 triệu đồng, đạt tỷ lệ 13,05% so với kế hoạch giao.
Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, với nhiều tác động cả khách quan và chủ quan đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện chương trình. Cụ thể, dự toán giao kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình có những nội dung được phân bổ quá nhiều, vượt quá nhiệm vụ chi, không thể giải ngân được phải chuyển nguồn. Trong khi các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị còn chậm, gặp khó khăn do trên địa bàn một số xã chưa có các doanh nghiệp, hợp tác xã để thực hiện liên kết, hoặc có thì trình độ, năng lực thực hiện dự án của một số đơn vị còn hạn chế. Bên cạnh đó, hiện chưa có hướng dẫn trong sử dụng vốn cho hộ dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn vay vốn phát triển sản xuất thuộc nội dung Tiểu dự án 1 - Dự án 9. Các yêu cầu cơ bản về điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin theo Thông tư số 03/2023/TT-BTTTT, ngày 30/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông rất khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện. Chưa thống nhất quy định về đối tượng thụ hưởng Tiểu dự án 3 - Dự án 5 đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện. Cơn bão số 3 vừa qua gây nhiều thiệt hại về sản xuất, tài sản của người dân, cũng như hạ tầng cơ sở công cộng trên địa bàn tỉnh và tiến độ triển khai các dự án.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh chỉ đạo tập trung rà soát, đánh giá tác động các văn bản, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình, chỉnh sửa ngay các thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện thực hiện chương trình đúng quy định pháp luật hiện hành. Tiếp tục rà soát các danh mục công trình, dự án không đảm bảo tiến độ, khối lượng thực hiện… Xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết, cụ thể đến từng dự án, chương trình; xác định cụ thể các mốc để thực hiện giải ngân đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch vốn giao. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện các chương trình từ công tác lập kế hoạch, chuẩn bị đầu tư… và giải ngân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các dự án thuộc chương trình, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.