Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch Khu đền tháp Mỹ Sơn
Việc lập quy hoạch di tích Khu đền tháp Mỹ Sơn là nhiệm vụ hết sức cấp thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý để triển khai đầu tư, phát huy giá trị di sản.
UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản gửi Bộ VHTT&DL nghiên cứu, thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, nhiệm vụ lập quy hoạch gồm định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích tại khu vực bảo vệ nguyên vẹn, nghiêm ngặt và lâu dài tất cả các dấu vết còn sót lại; các khu vực cần tôn tạo, chỉnh trang các công trình dịch vụ, công cộng, cảnh quan không gian và hệ thống hạ tầng kỹ thuật; định hướng giải pháp nâng cao trách nhiệm và sự tham gia của cộng đồng; định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan...

Quần thể tháp Mỹ Sơn. Ảnh: TL
Đối với nội dung phạm vi lập quy hoạch, tập trung vào khu vực gắn liền với quá trình hình thành, có sự ảnh hưởng đến không gian bảo tồn và phát huy giá trị di tích Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Cụ thể, tổng diện tích khu vực không gian phục vụ công tác nghiên cứu quy hoạch khoảng 30.875 ha, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Duy Xuyên.
Diện tích lập quy hoạch là 1.158 ha; phạm vi đối tượng nghiên cứu là các di tích gắn với Khu đền tháp Mỹ Sơn: Trà Kiệu, Bằng An, lưu vực sông Thu Bồn, các di chỉ khảo cổ học và phế tích Champa khác.
Trước đó, dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2008 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ cuối năm 2008, bao gồm toàn bộ thung lũng Mỹ Sơn giới hạn bằng các đỉnh núi bao quanh, tổng diện tích phạm vi đề xuất nghiên cứu quy hoạch là 1.158ha, tổng nguồn vốn 282 tỷ đồng.
Ngoài quy hoạch sử dụng đất, dự án cũng tập trung vào công tác bảo tồn, trùng tu di tích; phát lộ, khai quật khảo cổ học; trùng tu gia cố, bảo tồn di tích; sưu tầm, trưng bày hiện vật…
Thực hiện Quy hoạch 2008, kết quả thu được khá tích cực, tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp nhiều vấn đề phát sinh từ các nghiên cứu, phát hiện mới bổ sung cho giá trị di tích. Ngoài ra, nhiều yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội và nhu cầu phát triển dịch vụ du lịch đã thay đổi.

Du khách tham quan Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: T.Thành
Theo ông Nguyễn Công Khiết, Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, quy hoạch cũ đã hết hạn từ năm 2020 nhưng vướng dịch Covid-19, thiếu nguồn lực đầu tư nên chưa thể triển khai được. Do đó, việc lập quy hoạch mới là nhiệm vụ hết sức cấp thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý để Mỹ Sơn triển khai đầu tư, phát huy giá trị di sản.
Hồi tháng 2/2025, tại cuộc họp Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch Mỹ Sơn, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương yêu cầu tập trung hoàn chỉnh quy hoạch sớm nhất trong 2 năm 2025 - 2026, hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch trình Thủ tướng trong quý I/2025 để triển khai thực hiện đúng thời gian.