Đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án giao thông trọng điểm:Cần sự quyết liệt, thống nhất

Giải phóng mặt bằng (GPMB) là một yếu tố quan trọng trong việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng. Việc thực hiện một cách hiệu quả không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ dự án mà còn giảm thiểu các rủi ro về pháp lý, tài chính và xã hội.

Những vấn đề tồn đọng

Hầu hết dự án giao thông khi triển khai thực hiện đều có vướng mắc về mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, trong đó liên quan đến công tác thu hồi đất cũng như vật liệu xây dựng khan hiếm.

Thi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn huyện Mê Linh. Ảnh: Công Hùng

Thi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn huyện Mê Linh. Ảnh: Công Hùng

Nhiều chủ đầu tư, nhà thầu chia sẻ, đối với các công trình giao thông, đặc thù của loại hình công trình này bao gồm cầu, đường hầm..., điều kiện thi công cơ bản, trải dài, đi qua nhiều địa hình, địa phương khác nhau, đồi núi, sông hồ và cả khu dân cư.

Chính vì vậy, ngoài những yếu tố dễ nhận biết, còn có những yếu tố tiềm ẩn như địa chất không đồng đều mà khảo sát không đánh giá hết điều kiện tiếp cận công trình, giao thông và thời tiết.

Các công trình giao thông thường có thời gian thi công kéo dài trải qua nhiều biến động và cơ chế chính sách, giá cả và nguồn vốn. Với đặc thù 90% công trình đều được triển khai trong điều kiện chưa hoàn thành công tác GPMB, "xôi đỗ", đan cắt bởi công trình hiện hữu, đường giao thông dân sinh dẫn tới thay đổi biện pháp thi công, tình trạng chờ việc làm gia tăng chi phí biện pháp và hoạt động, tài chính cho nhà thầu…

Với dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội thông tin, để thi công đường song hành Dự án thành phần 2.1: xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận TP Hà Nội theo đúng tiến độ, đơn vị phải triển khai thực hiện hoàn thành hạng mục di chuyển điện cao thế từ 110kV đến 500kV trong năm 2024 theo tiến độ đã được phê duyệt và hoàn thành công tác rà phá bom mìn, vật nổ để bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công.

Trong đó, phạm vi thực hiện rà phá bom mìn, vật nổ trên phạm vi rất lớn, có chiều dài khoảng 58,2km đi qua địa bàn 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín) với diện tích đất thu hồi phục vụ xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và đất hành lang dự trữ đường sắt quốc gia khoảng 812,07ha.

Phạm vi của dự án trải dài qua 3 tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Riêng địa phận Hà Nội đi qua địa bàn 7 quận, huyện với chiều dài khoảng 58,2km. Dự án nằm trên những vị trí địa lý có tính đặc thù (khu vực đã từng có giao tranh khốc liệt trong hai cuộc kháng chiến trước kia). Mặt khác nhiều vị trí thuộc phạm vi đất nhà máy, DN hoặc hộ gia đình sản xuất, kinh doanh cá thể,… dẫn đến công tác rà phá bom mìn gặp không ít khó khăn.

Còn với di chuyển điện cao thế từ 110kV đến 500kV bao gồm 16 vị trí giao chéo với đường Vành đai 4, đây là phạm vi phải cải tạo, di chuyển lớn chưa từng có trên địa bàn Hà Nội về quy mô và khối lượng công việc... Ngay sau khi ký kết hợp đồng thi công xây lắp, đơn vị đã yêu cầu các nhà thầu tập trung rà soát nhà cung cấp vật liệu, trong đó có vật liệu cách điện thủy tinh, nhưng do nguồn cung loại cách điện thủy tinh U160 khan hiếm, có nguy cơ làm ảnh hưởng đến tiến độ. Và việc bố trí lịch cắt điện gặp nhiều khó khăn nên việc phối hợp với các đơn vị chức năng được thực hiện thường xuyên liên tục, tránh ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.

Hay như điểm đầu Dự án đi qua khu vực Sân bay quốc tế Nội Bài, các tuyến đường dây 220KV, 110KV hầu hết cung cấp điện cho lõi trung tâm, nơi có rất nhiều cơ quan, tổ chức chính trị quan trọng, nơi có nhiều khu công nghiệp lớn, quan trọng.

"Do vậy, việc khảo sát, lên phương án và tính toán tiết giảm phụ tải khi cắt điện phục vụ di chuyển, đấu nối GPMB phục vụ thi công rất khó khă. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối về điện, bảo đảm quản lý phụ tải, bảo đảm cung cấp, duy trì điện tại những khu vực trọng yếu, các đơn vị không quản ngày đêm thực hiện tốt nhất việc cắt điện đấu nối bảo đảm an toàn, chất lượng, thi công trong thời gian ngắn nhất, đạt hiệu quả cao nhất" - đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho hay.

Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc

Để có thể đẩy nhanh tiến độ dự án cũng như bảo đảm chất lượng, việc tổ chức kiểm tra định kỳ để đánh giá tiến độ và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện GPMB đã đem lại những hiệu quả rõ nét.

Kỹ sư xây dựng cầu đường Ngô Văn Lâm - Phòng Quản lý thực hiện dự án 2 (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội) chia sẻ, đối với công tác rà phá bom mìn, vật nổ, đơn vị thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc rà phá bom mìn, vật nổ, huy động đầy đủ nhân lực, máy móc để triển khai thi công (triển khai đồng thời 38 đội thi công trên phạm vi toàn tuyến); được Binh chủng Công binh tổ chức kiểm tra nghiệm thu và các địa phương xác nhận đã hoàn thành công tác rà phá bom mìn, vật nổ bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Còn với hạng mục di chuyển điện cao thế từ 110kV đến 500kV phục vụ GPMB, kỹ sư Lê Văn Tăng cho biết, đã yêu cầu nhà thầu rà soát, tìm kiếm các nguồn cung và chủng loại cách điện thủy tinh trên thị trường, phối hợp và cung cấp thông số cho đơn vị tư vấn thiết kế để phục vụ tính toán lựa chọn chủng loại bảo đảm yêu cầu kỹ thuật nhằm thay thế để bảo đảm kế hoạch tiến độ, không phát sinh chi phí (đã tổ chức lập thiết kế thay thế loại cách điện U160 bằng U210, được đơn vị quản lý vận hành và Sở Công Thương Hà Nội có văn bản chấp thuận, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã phê duyệt).

Phối hợp với các đơn vị quản lý vận hành, đơn vị điều độ hệ thống điện rà soát, tính toán, quản lý nhu cầu phụ tải, tiết giảm phụ tải cho phù hợp; xây dựng kế hoạch đăng ký cắt điện tổng thể bảo đảm không cắt trùng lặp các tuyến đường dây và hạn chế ảnh hưởng đến việc cung cấp điện của TP Hà Nội.

Yêu cầu nhà thầu thi công bố trí đầy đủ nhân lực, thiết bị, tổ chức triển khai thi công tăng ca để đẩy nhanh tiến độ thi công móng tại những vị trí giao chéo có mặt bằng. Thành lập Hội đồng nghiệm thu với các thành phần và phối hợp hoạt động chặt chẽ nên tiến độ các công việc được bảo đảm.

Từ sự thành công của dự án này cho thấy, để bảo đảm tiến độ các phần việc, chính quyền các cấp cần có sự chỉ đạo quyết liệt, khuyến khích, thúc đẩy công tác GPMB thông qua việc chỉ đạo trực tiếp hoặc thành lập các tổ công tác chuyên trách. Cần có hình thức xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về GPMB để răn đe và tạo tính kỷ cương.

Ngoài ra, cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phương án hợp lý và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng, nhà đầu tư và cộng đồng. Bảo đảm công bằng trong đền bù, hỗ trợ tái định cư, cũng như tăng cường công tác giám sát và ứng dụng công nghệ là những yếu tố quan trọng để giải quyết nhanh chóng và hiệu quả công tác GPMB.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội thông tin, với dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, công tác rà phá bom mìn hoàn thành trước khoảng 15 ngày so với thời gian trong hợp đồng; công tác di chuyển điện giảm thời gian cắt điện cho mỗi vị trí giao chéo (theo kế hoạch cắt điện ban đầu: DZ500kV là 15 ngày, DZ220kV là 10 ngày, DZ110kV là 8 ngày. Sau khi áp dụng, thời gian cắt điện các tuyến đường dây là: DZ500kV khoảng 10 ngày, DZ220kV khoảng 7 ngày, DZ110kV khoảng 6 ngày).

Thành Luân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/day-nhanh-tien-do-gpmb-du-an-giao-thong-trong-diemcan-su-quyet-liet-thong-nhat.html
Zalo