Đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo đa chiều

Với các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả theo tinh thần 'không để ai bị bỏ lại phía sau', tới hết tháng 9 năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn quốc giảm 1%, còn ở mức 1,93%.

Mô hình nuôi gà của anh Bùi Văn Thắng tại huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: L.H.

Mô hình nuôi gà của anh Bùi Văn Thắng tại huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: L.H.

“Bệ đỡ” giảm nghèo

Ở tuổi 35, anh Bùi Văn Thắng (ở xã Lạc Lương, huyện Yên Thủy, Hòa Bình) không dám tin mình có được cuộc sống ấm no với một cơ ngơi mà nhiều người mơ ước với trang trại nuôi gà 1 vạn con mỗi lứa.

Chia sẻ về quá trình làm giàu, anh Thắng cho biết, hồi trẻ, cuộc sống anh vất vả vì lớn lên trong gia đình luôn là hộ nghèo trong xã. Vì thế anh không được đi học. Lấy vợ với 2 bàn tay trắng, cuộc sống càng khó khăn hơn. Thế nhưng nhờ nguồn vốn vay từ Chương trình mục tiêu giảm nghèo, anh Thắng đã mạnh dạn vay vốn và đầu tư nuôi gà thả đồi.

“Lúc đầu cũng chỉ dám làm 2 chuồng với 2.000 con gà. Nhưng không có kỹ thuật nên gà bị dịch chết quá nửa, cộng với không có đầu ra tiêu thụ nên chuyến đầu coi như lỗ. Thế nhưng được cán bộ phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn của huyện đào tạo, cho đi học các lớp tập huấn về chăn nuôi, đặc biệt là liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm nên lần nuôi sau bắt đầu có lãi. Dần dà quy mô chuồng trại đã được mở ra với số lượng nuôi 1 vạn con một lứa” - anh Thắng cho biết.

Cũng theo anh Thắng, để mở được quy mô chuồng trại như trên, anh vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn ngân hàng chính sách với lãi suất thấp trong thời hạn 5 năm. Ngoài ra, anh thế chấp vay thêm 300 triệu đồng từ ngân hàng nông nghiệp với mức lãi suất ưu đãi. Nhờ đó, trang trại anh có nguồn vốn để quay vòng, ngoài nuôi gà thịt anh còn cung cấp gà giống cho các hợp tác xã, chuồng trại khác. “Trung bình 1 năm tôi xuất 10 lứa gà, như năm 2024 giá dao động từ 85.0000 - 87.000 đồng/kg, mỗi lứa trừ chi phí lãi ròng từ 35 - 40 triệu đồng. Nhờ chăn nuôi gà mà gia đình tôi đã “trả” được danh hiệu hộ nghèo sau mấy chục năm” - anh Thắng chia sẻ.

Nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, việc vươn lên thoát nghèo không còn là câu chuyện hiếm ở huyện nghèo Yên Thủy. Ông Bùi Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy cho biết, để công tác giảm nghèo triển khai hiệu quả, thời gian qua huyện Yên Thủy đã đẩy mạnh tiến độ và các chính sách giảm nghèo, cận nghèo theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều. Điều này góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện và nhu cầu thực tế của người dân.

“Nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi thực sự là "bà đỡ" giúp các hộ nghèo, cận nghèo cải thiện điều kiện sinh hoạt, sửa chữa nhà, phát triển sản xuất, kinh doanh và giải quyết việc làm thông qua chương trình hỗ trợ đào tạo nghề” - ông Hồng đánh giá. Cũng theo ông Hồng, dự kiến đến hết năm 2024, huyện sẽ thực hiện giải ngân đạt 100% vốn đa dạng hóa sinh kế và phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp được phân bổ về.

Nhiều địa phương thoát nghèo

Trước đó, để có cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, các chính sách kinh tế - xã hội khác, tháng 2/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 trên cả nước. Theo đó, tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) chung toàn quốc là 5,71%. Tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 1.586.336 hộ. Trên bình diện cả nước, tỷ lệ hộ nghèo chung là 2,93%, với 815.101 hộ nghèo; tỷ lệ hộ cận nghèo là 2,78%, với 771.235 hộ cận nghèo.

Về triển khai kết quả giảm nghèo, theo báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Chính phủ cho biết, thời gian qua, các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả theo tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". Đến hết tháng 9/2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, còn 1,93%. Ngoài ra, có 9 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thuộc 4 tỉnh đã được công nhận thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và đưa ra khỏi Danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025: Tỉnh Thừa Thiên - Huế có 3 xã; Tỉnh Long An có 1 xã; Tỉnh Bến Tre có 4 xã; Tỉnh Sóc Trăng có 1 xã. Cùng với đó, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng được công nhận thoát nghèo năm 2024.

Có thể nói, Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc tích hợp các biện pháp giảm nghèo đa chiều vào chính sách quốc gia; không chỉ về thu nhập mà còn bao gồm các yếu tố như tiếp cận y tế, giáo dục, vệ sinh và nước sạch. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những thách thức từ nội tại, ảnh hưởng của đại dịch, thiên tai, bão lũ... vẫn khiến cuộc sống của nhiều người dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số vốn đã nghèo khó càng bị tác động nhiều hơn. Chính vì vậy, việc triển khai giảm nghèo bền vững cần hướng đến giáo dục đào tạo, dạy nghề, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Lan Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/day-nhanh-tien-do-giam-ngheo-da-chieu-10293407.html
Zalo