Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác của Cơ quan Cảnh sát điều tra
Cơ quan điều tra các cấp đã tiếp nhận 54.494 nguồn tin về tội phạm; thụ lý điều tra 55.816 vụ án, 82.966 bị can. Tỷ lệ khám phá án về trật tự xã hội (TTXH) cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao 4,5%. Tỷ lệ khám phá án tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng tăng.
Ngày 10/4, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) các cấp quý I/2024. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị. Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an dự hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Bộ Công an có các đồng chí Cục trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an; lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ. Tại điểm cầu Học viện CSND có Ban Giám đốc học viện và các khoa chức năng. Tại Công an các tỉnh, thành phố có Giám đốc, Phó Giám đốc – Thủ trưởng Cơ quan CSĐT; lãnh đạo Công an các đơn vị nghiệp vụ. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới Công an cấp xã.
Ứng dụng khoa học, công nghệ trong điều tra, xử lý tội phạm
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, đây là hội nghị rất quan trọng của năm 2024 trong tình hình mới nhằm đánh giá kết quả trong nhận thức triển khai chỉ đạo của lãnh đạo đối với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, rút kinh nghiệm để triển khai trong thời gian tới.
“Thời gian vừa qua, lãnh đạo Bộ đã tập trung quyết liệt chỉ đạo toàn diện các mặt công tác liên quan đến điều tra, xử lý tội phạm, phòng ngừa tội phạm, phòng ngừa nghiệp vụ và tấn công trấn áp, điều tra xử lý tội phạm. Đã chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các quy định về nghiệp vụ cơ bản theo hướng phân cấp mạnh cho cơ sở, bổ sung những vấn đề liên quan không gian mạng; toàn lực lượng tổ chức chuyển hướng công tác phòng, chống tội phạm từ đời thực sang không gian mạng, ứng dụng khoa học, công nghệ theo chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia. Đồng thời, chỉ đạo thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số với việc hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử, Đề án 06, số hóa dữ liệu nghiệp vụ và triển khai nhiều phần mềm nghiệp vụ” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Đồng chí Thứ trưởng cho biết, chất lượng công tác điều tra ngày càng được nâng cao; đã đẩy nhanh tiến độ, chất lượng điều tra các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội rất quan tâm, nhiều vụ chưa có tiền lệ, xảy ra trong lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín. Đội ngũ CBCS CSĐT ngày càng lớn mạnh, trưởng thành…
Bảo đảm nguyên tắc “không đi sau tội phạm, không để tội phạm lộng hành”
Đại tá Trần Minh Tiến, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan CSĐT Bộ Công an trình bày báo cáo tóm tắt kết quả công tác Cơ quan CSĐT Công an các cấp quý I/2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý II và thời gian tiếp theo năm 2024. Theo đó nhấn mạnh, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng CSĐT toàn quốc chủ động nhận diện các loại tội phạm, tham mưu, triển khai quyết liệt, đồng bộ các kế hoạch, biện pháp; tổ chức thực hiện hiệu quả cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) Tết; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh.
“Từ việc chủ động nhận diện đầy đủ tình hình, diễn biến và 3 phương thức hoạt động của tội phạm, lực lượng CSĐT đã triển khai toàn diện các mặt công tác với nhiều điểm đổi mới, xuyên suốt từ phòng ngừa đến điều tra, xử lý tội phạm, bảo đảm nguyên tắc “không đi sau tội phạm, không để tội phạm lộng hành”- Đại tá Trần Minh Tiến nêu rõ. Đồng thời cho biết, những kết quả nổi bật đó là do có sự đổi mới mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo, bám sát thực tiễn, bám sát cơ sở, linh hoạt, hiệu quả gắn với sự chuyển đổi trạng thái làm việc từ truyền thống sang hiện đại, ứng dụng khoa học, công nghệ để theo kịp yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Đã chỉ đạo chuyển hướng áp dụng thành tựu khoa học công nghệ trong đấu tranh tội phạm như ứng dụng Đề án 06, xây dựng phần mềm Điều tra hình sự, phần mềm Nghiệp vụ cơ bản Cảnh sát, phần mềm Signet, ứng dụng VNeID…; chỉ đạo tập trung xuyên suốt từ cấp bộ đến cấp xã theo từng lĩnh vực công tác, địa bàn đấu tranh.
Tham mưu Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương ra quân quyết liệt triển khai các kế hoạch, biện pháp tấn công, trấn áp tội phạm trong cao điểm, qua đó, bảo đảm tốt tình hình ANTT. Thực hiện quyết liệt những chỉ đạo mới của Bộ về nhận diện đúng, kịp thời phương thức mới của tội phạm; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi trạng thái từ truyền thống sang hiện đại; tháo gỡ những điểm nghẽn trong đấu tranh tội phạm trên không gian mạng.
Cơ quan điều tra các cấp đã tiếp nhận 54.494 nguồn tin về tội phạm; thụ lý điều tra 55.816 vụ án, 82.966 bị can. Tỷ lệ khám phá án TTXH cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao 4,5%. Tỷ lệ khám phá án tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng tăng. Trong hoạt động điều tra luôn tuân thủ quy định của pháp luật. Bảo đảm tiến độ, chất lượng điều tra các vụ án, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng do Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Kịp thời phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án hình sự, ma túy, kinh tế, tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, quyết liệt trong áp dụng pháp luật để xử lý tội phạm khi nhận diện đúng tội phạm. Qua đó có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm theo phương châm “xử lý 1 vụ, cảnh tỉnh cả cùng, cả lĩnh vực”.
Triển khai nhiều giải pháp, tập trung lực lượng truy bắt, vận động đầu thú, thanh loại đối tượng truy nã. Đẩy mạnh rà soát, đối sánh làm sạch dữ liệu truy nã gắn với dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu Căn cước công dân, dữ liệu nghiệp vụ và xác minh, bổ sung thông tin truy nã. Trong quý I/2024, đã bắt, dẫn giải về nước 9 đối tượng truy nã; bắt, bàn giao 18 đối tượng truy nã cho nước ngoài.
Các đơn vị thuộc Cơ quan điều tra Bộ Công an phát huy vai trò “tư lệnh”, chủ động nhận diện tội phạm, phát hiện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm; hướng dẫn, chỉ đạo xuyên suốt với hệ lực lượng trong việc áp dụng luật, triển khai nghiệp vụ một cách bài bản, mạnh mẽ với tội phạm, nhất là tội phạm có phương thức, thủ đoạn mới. Công an các địa phương đã đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành hoặc vượt chỉ tiêu Bộ giao về bố trí điều tra viên ở Công an cấp xã giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra án đảm bảo quy định pháp luật. Công an cấp xã đã tổ chức hòa giải, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn ở cơ sở, hạn chế phát sinh tội phạm. Đại tá Trần Minh Tiến cho biết, Cơ quan CSĐT đã đề ra 8 giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Tại hội nghị, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đã quán triệt Hướng dẫn của Bộ Công an thay thế Hướng dẫn số 15 về thực hiện bố trí điều tra viên ở Công an cấp xã; Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng, Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH giới thiệu tóm tắt những ứng dụng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm.
Dưới sự điều hành của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, các đại biểu đã tham luận, thảo luận về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi nghiệp vụ, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm trong những tháng cuối năm 2024 và thời gian tiếp theo.
Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, lãnh đạo Bộ luôn xác định công tác điều tra, xử lý tội phạm là một công tác trọng tâm, quan trọng đối với toàn lực lượng, có ý nghĩa quyết định đến công tác phòng, chống tội phạm, góp phần bảo đảm TTATXH, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Lãnh đạo Bộ đã tập trung chỉ đạo rất quyết liệt, toàn diện các mặt công tác liên quan đến điều tra, xử lý tội phạm, từ việc hoàn thiện thể chế xây dựng hệ thống pháp luật, sắp xếp tinh gọn bộ máy bên trong, bố trí điều tra viên ở Công an cấp xã cũng như thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển hướng công tác phòng, chống tội phạm từ thủ công truyền thống sang hiện đại, công nghệ cao.
Đồng chí Bộ trưởng đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả, thành tích Cơ quan CSĐT Công an các cấp đạt được trong thời gian qua. Trong đó, đã chủ động tham mưu, thực hiện hiệu quả nhiều vấn đề lớn mang tính chiến lược về phòng, chống tội phạm. Các đơn vị thuộc Cơ quan điều tra Bộ Công an phát huy vai trò “tư lệnh” chủ động nhận diện tội phạm, phát hiện được phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm. Tổ chức bộ máy cơ quan CSĐT các cấp tiếp tục được củng cố, tăng cường, bảo đảm “tinh, gọn, mạnh” và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác điều tra…
Cơ quan CSĐT Công an các cấp đã thực hiện các phương châm, nguyên tắc mà thực tiễn đã minh chứng tính đúng đắn trong thời gian qua như: triệt xóa các băng nhóm từ khi mới hình thành; đánh cả đường dây ma túy, bắt đối tượng cầm đầu; tội phạm kinh tế, tham nhũng, môi trường phải tập trung xử lý 1 vụ cảnh tỉnh cả vùng, không có vùng cấm, ngoại lệ; triển khai tổng thể các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với một số loại tội phạm trọng điểm...
Đồng chí Bộ trưởng nhấn mạnh những khó khăn, phức tạp đối với công tác Công an nói chung và lực lượng CSĐT nói riêng trong thời gian tới, đồng thời nêu một số nội dung trọng tâm cần thực hiện. Cụ thể, cần quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả khẩu hiệu hành động của Đảng ủy Công an Trung ương đề ra “Xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Chủ động nghiên cứu, tham mưu, xây dựng, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình hướng dẫn, đề án, phương án… về phòng ngừa, điều tra, xử lý tội phạm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập cản trở thực tiễn công tác điều tra. Đổi mới nâng cao chất lượng tuyên truyền đến các cơ quan, tổ chức và người dân, nhất là những quy định mới, các vấn đề liên quan đến tội phạm trong không gian mạng.
Tập trung cao độ, chủ động nhận diện, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội; hạn chế điều kiện phát sinh tội phạm ngay tại cơ sở, đi đôi với nâng cao chất lượng điều tra, xử lý tội phạm. Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Bộ Công an và các thông tư, quyết định, hướng dẫn mới của Bộ về công tác nghiệp vụ cơ bản xuyên suốt, chuyên sâu, có hiệu quả thực chất các mặt công tác. Tăng cường hợp tác quốc tế của Cơ quan CSĐT trong phòng, chống tôi phạm. Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi trạng thái các mặt công tác của Cơ quan CSĐT từ truyền thống sang hiện đại, đáp ứng yêu cầu…
“Tôi đề nghị các đồng chí Cục trưởng, Giám đốc Công an địa phương chỉ đạo rà soát lại các kế hoạch, phương án bảo đảm chủ động kiểm soát tình hình, phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là các loại tội phạm đang diễn biến phức tạp, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, nhất là các chức danh tư pháp, đảm bảo ngang tầm nghiệp vụ” – Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu.