Đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt trọng điểm

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt trọng điểm, bảo đảm khởi công tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào cuối 2025 và tuyến Bắc - Nam vào cuối 2026.

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 213/TB-VPCP ngày 4/5/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.

Trước đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã xem xét, thông qua chủ trương về các đề nghị của Chính phủ liên quan phát triển ngành đường sắt, bao gồm: nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có; tiếp tục triển khai các tuyến đường sắt dừng, giãn tiến độ; triển khai các dự án đường sắt quy mô lớn, như đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và các tuyến đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Để hiện thực hóa chủ trương đã được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đề ra, Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết số 172/2024/QH15 về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; số 187/2025/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; số 188/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã giao 24 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương tập trung vào tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan cần tiếp tục huy động tối đa nguồn lực cho các dự án đường sắt; rà soát tăng cường đội ngũ nhân lực (cơ quan quản lý nhà nước các cấp, ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn…), trong đó tiếp tục tập trung các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực, đa dạng các nguồn vốn (gồm: vốn Trung ương, địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu của Chính phủ và doanh nghiệp, hợp tác công tư…); kịp thời báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung, cập nhật các cơ chế chính sách đặc thù phù hợp để tăng cường phân cấp, cắt giảm thủ tục đầu tư; phát triển công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ đường sắt phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Thứ hai, tập trung triển khai đồng bộ các dự án đường sắt trọng điểm như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, đường sắt kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, các tuyến đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; khẩn trương giải quyết nhanh chóng các vướng mắc về GPMB, thủ tục đầu tư…, trong đó ưu tiên lựa chọn hướng tuyến của các dự án đường sắt trên nguyên tắc "ngắn nhất, thẳng nhất có thể; qua núi làm hầm; qua sông bắc cầu".

Thứ ba, tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng và hiệu quả vận hành; tiếp cận, áp dụng các công nghệ tiên tiến trong xây dựng, quản lý, khai thác đường sắt (như mô hình thông tin công trình - BIM…); đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để vận hành hệ thống đường sắt hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài (cần có kế hoạch đào tạo ngắn hạn, trung hạn, dài hạn ở các trình độ công nhân kỹ thuật, kỹ sư, tiến sĩ…); phải huy động các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân có năng lực công nghệ và sản xuất tham gia các dự án và phát triển công nghiệp đường sắt; phải tiếp nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ hiện đại, quản trị khoa học, thông minh để phát triển công nghiệp đường sắt, phục vụ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Triển khai đồng bộ các dự án đường sắt

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cần "thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa", phát huy tinh thần trách nhiệm, phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền", "nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn", triển khai công việc nhanh, quyết liệt, quyết đoán, tạo động lực, truyền cảm hứng làm việc. Các bộ, ngành, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động, tích cực, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tổ chức thực đảm bảo mục tiêu triển khai đồng bộ các dự án đường sắt; bảo đảm kế hoạch khởi công tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào cuối năm 2025 và khởi công dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vào cuối năm 2026. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ quan, đơn vị, các Ban quản lý dự án tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm.

Trên cơ sở các nhiệm vụ đã được phân cấp, ủy quyền chủ động triển khai thực hiện các công việc để triển khai các dự án đường sắt đô thị, trường hợp gặp vướng mắc chưa có quy định, cơ chế đặc thù, đặc biệt, khẩn trương xin ý kiến hướng dẫn của các bộ, ngành có liên quan để tiếp tục triển khai các dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Các địa phương có dự án đi qua chủ trì tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án; thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng (Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy làm Trưởng Ban) và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo: dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng hoàn thành trong ngày 05/5/2025, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam hoàn thành trước ngày 01/7/2025.

Yêu cầu Bộ Xây dựng giao Ban Quản lý dự án Đường sắt cử cán bộ tham gia Ban Chỉ đạo của các địa phương; khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện và ứng vốn ngân sách địa phương để triển khai xây dựng các khu tái định cư; thực hiện công tác GPMB theo chủ trương dự án, xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án không phải lập chủ trương đầu tư (đáp ứng tiến độ các Dự án).

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương phối hợp với UBND TP. Hà Nội triển khai thủ tục giao đất Tổ hợp công nghiệp đường sắt phục vụ các dự án đường sắt theo quy định; phối hợp với Bộ Xây dựng trong quá trình xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp và Nghị định quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt, xác định rõ những công việc Tổng công ty có thể đảm nhận phục vụ phát triển công nghiệp đường sắt.

Thủ tướng cũng có ý kiến chỉ đạo đối với một số dự án đường sắt trọng tâm. Cụ thể:

Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 187/2025/QH15 của Quốc hội, trình Chính phủ trong ngày 5/5/2025.

Chủ trì làm việc với các địa phương thống nhất quy mô, hướng tuyến của Dự án trong tháng 5/2025 làm cơ sở triển khai công tác giải phóng mặt bằng, khảo sát, thiết kế lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án; khẩn trương triển khai thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư để đảm bảo khởi công dự án vào tháng 12/2025.

Các địa phương khẩn trương triển khai công tác GPMB đảm bảo hoàn thành trong năm 2025.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về cơ chế đặc thù, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội XV (trình Chính phủ trong ngày 5/5/2025).

Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ kế hoạch đã được Chính phủ chấp thuận tại Nghị quyết 106/NQ-CP để tổ chức triển khai đáp ứng tiến độ khởi công dự án vào cuối năm 2026.

Các tuyến đường sắt đô thị

Đối với tuyến số 3 (Hà Nội - Yên Sở), Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn tại Công văn số 2719/VPCP-QHQT ngày 01/4/2025, hoàn thiện Hồ sơ đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận đề xuất sử dụng vốn ODA/vốn vay ưu đãi theo kiến nghị của UBND TP. Hà Nội, hoàn thành trong ngày 5/5/2025.

Đối với tuyến số 2 (TP. Hồ Chí Minh - Tham Lương), UBND TP. Hồ Chí Minh khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ, dự thảo Quyết định theo văn bản số 3084/VPCP-QHQT ngày 11/4/2025 về việc dừng sử dụng vốn ODA, chuyển sang nguồn vốn đầu tư công, trình Thủ tướng Chính phủ trong ngày 5/5/2025.

UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh khẩn trương phối hợp với Bộ Xây dựng để hoàn thiện Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết 188/2025/QH15.

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo) chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai các nhiệm vụ được giao nêu trên; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Dương Dũng

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/day-nhanh-tien-do-cac-du-an-duong-sat-trong-diem-477531.html
Zalo