Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan đảng
Ngày 29/11/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định 204-QĐ/TW phê duyệt Đề án chuyển đổi số trong các cơ quan đảng. Mục tiêu của đề án là nhằm đổi mới, tạo chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ, thực chất, nâng cao chất lượng trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, phong cách công tác, lề lối làm việc và nâng cao hiệu quả, giảm thời gian giải quyết công việc của cán bộ, công chức, viên chức các cấp, góp phần quan trọng vào cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan đảng.
Đề án chuyển đổi số trong các cơ quan đảng còn hướng tới tổ chức hạ tầng số, nền tảng số tổng thể, đồng bộ, hiện đại; tăng cường năng lực, tái cấu trúc hạ tầng kỹ thuật và tổ chức, phát triển các hệ thống thông tin, dữ liệu theo kiến trúc thống nhất.
Tăng cường kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho công tác tham mưu, phục vụ và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tại các cơ quan đảng từ trung ương đến cơ sở. Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan đảng với các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm an toàn, an ninh, bảo mật và xác thực thông tin theo quy định của pháp luật; phù hợp, tương đồng với Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Lộ trình đặt ra là năm 2025 dữ liệu đã số hóa được làm sạch và được sử dụng thường xuyên. 100% các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan đảng được đánh giá, bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ. 100% người sử dụng truy cập vào hệ sinh thái các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Đảng có định danh số và xác thực tập trung, thống nhất.
100% thông tin về tổ chức bộ máy, biên chế, hồ sơ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức được số hóa và thực hiện trên môi trường số. 100% các vụ việc, khiếu nại tố cáo, dấu hiệu vi phạm của cán bộ, công chức, đảng viên được quản lý trên môi trường số.
100% nội dung công tác tuyên giáo được thực hiện trên môi trường số; thông tin, dữ liệu, văn bản về các lĩnh vực trong công tác tuyên giáo được cung cấp chính thức, kịp thời. 100% đơn, thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện trên môi trường số. 100% thông tin chung về công tác dân vận được số hóa và thực hiện trên môi trường số.
Cùng với đó, 100% các yêu cầu thông tin, số liệu về KT - XH phục vụ công tác tham mưu, thẩm định được thực hiện tổng hợp, phân tích và khai thác qua môi trường số. 100% thông tin tuyên truyền đối ngoại được số hóa và thực hiện trên môi trường số. 100% văn bản không mật được ký số, gửi, nhận, xử lý trên môi trường số và có thể xử lý trên thiết bị di động, mọi lúc, mọi nơi.
100% công tác tổng hợp, báo cáo được thực hiện trên môi trường số. 100% hồ sơ, tài liệu không mật, hướng tới tất cả các tài liệu mật, tối mật của Đảng được số hóa và quản lý, sử dụng trên môi trường số. 100% thông tin về sức khỏe của cán bộ (từ cấp thứ trưởng và tương đương trở xuống) được số hóa và quản lý, sử dụng trên môi trường số.
100% hệ thống thông tin trên toàn hệ thống phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị của Đảng được xây dựng, cập nhật dữ liệu thường xuyên và có thể kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.
Về nhiệm vụ phát triển dữ liệu số dùng chung, xây dựng, triển khai kho dữ liệu tập trung dùng chung phục vụ phân tích, xử lý, cung cấp, phân phối dữ liệu. Rà soát, đánh giá, làm sạch dữ liệu đã số hóa và đưa vào sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan đảng, từng bước kết nối, tích hợp với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của quốc gia, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thu thập thông tin, dữ liệu về kho dữ liệu dùng chung và chia sẻ cho các cơ quan, đơn vị để phân tích, dự báo, phục vụ hoạt động và công tác chuyên môn.
Tổ chức số hóa dữ liệu của các cơ quan đảng; chuẩn hóa các dữ liệu đã được số hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng dữ liệu số. Phát triển, triển khai các cơ sở dữ liệu, danh mục dùng chung phục vụ việc tích hợp, chia sẻ và đồng bộ dữ liệu giữa các ứng dụng như: Dữ liệu người dùng tập trung, cơ sở dữ liệu mã định danh các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; cơ sở dữ liệu tài liệu số hóa; các danh mục dùng chung khác.
Để thực hiện thành công Đề án chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, trong thời gian tới các cơ quan, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tuyên truyền trên môi trường số thông suốt, hiệu quả; triển khai tái cấu trúc, đổi mới mô hình hoạt động, điều hành và mô hình nghiệp vụ từ “truyền thống” sang không gian số dựa trên dữ liệu số.
Quán triệt, bám sát và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia nói chung, phát triển kinh tế số nói riêng phải thực chất, hiệu quả. Huy động sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Phát triển kinh tế số là đòi hỏi khách quan, yêu cầu bắt buộc trong phát triển KT - XH của Việt Nam là xu thế phát triển hiện nay. Phát triển kinh tế số phải gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Phát triển kinh tế số là một quá trình liên tục, bền bỉ, không ngừng nghỉ, không có điểm dừng; phải đổi mới tư duy, có tầm nhìn chiến lược, tinh thần quyết tâm phải cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; huy động hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công - tư để bắt cùng, tiến kịp và vượt lên trong khu vực, thế giới.
Phát triển kinh tế số phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ hiện đại, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lập nghiệp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Phát triển kinh tế số một cách tổng thể, toàn diện, bao trùm, ưu tiên chất lượng hơn số lượng; kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa xây dựng, hoàn thiện thể chế số với hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số, ứng dụng số, dịch vụ số, kỹ năng số và bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng cho chuyển đổi số.