Đẩy nhanh cải cách thể chế để thu hút FDI, tăng hiệu quả đầu tư công
Việt Nam đang kỳ vọng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ chảy vào nhiều hơn, bên cạnh sự gia tăng đầu tư công trong năm nay.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam trao đổi về giải pháp để Việt Nam thu hút nhiều hơn FDI và tăng hiệu quả đầu tư công.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.
ADB cho rằng, FDI vẫn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Thưa ông, Việt Nam cần làm gì để thu hút nhiều hơn FDI?
Trong bối cảnh cạnh tranh FDI gia tăng ở châu Á, Việt Nam cần duy trì và tăng cường sức hấp dẫn của mình thông qua ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh và đặc biệt là đảm bảo thực thi chính sách ổn định.
Trước hết, cần đẩy nhanh các cải cách thể chế hiệu quả để cải thiện môi trường kinh doanh. Động lực tích cực hiện tại trong cải cách pháp luật đầu tư công, mua sắm, điện và quan hệ đối tác công - tư cần được duy trì trong dài hạn.
Việc mở rộng hạ tầng chất lượng và bền vững là rất quan trọng. Việt Nam phải mở rộng quy mô đầu tư công vào hạ tầng, bao gồm vận tải liên phương thức, số hóa các quy trình hải quan và cung cấp năng lượng sạch, để tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của FDI.
Cần có nỗ lực chung để chuyển hướng đầu tư công và tư vào hạ tầng chống chịu với khí hậu. Việt Nam nên thành lập các khu công nghiệp thân thiện môi trường với hạ tầng tiên tiến để thu hút FDI bền vững.
Cuối cùng, Chính phủ cần nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, đặc biệt là trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ tài chính và kinh tế số. Để tăng năng suất, Chính phủ có thể tăng cường các chương trình công cộng nhằm khuyến khích R&D, đặc biệt là bằng cách liên kết các viện nghiên cứu với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm FDI vào R&D.
Ngoài thúc đẩy FDI, Chính phủ đang tăng đầu tư công như một biện pháp mạnh để thu hút đầu tư tư nhân. Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của đầu tư công vào tăng trưởng kinh tế?
Với những trở ngại và bất ổn đáng kể trong nền kinh tế toàn cầu và khu vực, điều quan trọng là phải kích thích nền kinh tế trong nước để cân bằng với các lĩnh vực bên ngoài đang suy yếu. Trong các công cụ kích thích tài khóa, đầu tư công đặc biệt hiệu quả trong thúc đẩy nhu cầu trong nước đối với hàng hóa và dịch vụ, từ đó khuyến khích đầu tư trong nước và tạo ra thu nhập cho tiêu dùng.
Đầu tư công vào hạ tầng thiết yếu cũng đặt nền tảng cho nhiều hơn đầu tư tư nhân vào các dịch vụ hiệu quả, tận dụng hạ tầng đã hoàn thành. Đẩy nhanh đầu tư vào hạ tầng chất lượng, bao gồm thu hút FDI, vào các siêu dự án hạ tầng vừa là nhu cầu cấp thiết, vừa là cơ hội thúc đẩy tăng trưởng.
Đầu tư công cũng có thể được mở rộng cho R&D, giáo dục và đào tạo các kỹ năng quan trọng cho các ngành công nghiệp mới nổi, góp phần vào phát triển bền vững.
Những năm qua, Việt Nam đưa ra nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Theo ông, làm thế nào để giải quyết thách thức này?
Đã và đang có những cải cách đáng kể để cải thiện hiệu quả và hiệu suất hành chính, bao gồm những thay đổi trong Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu và các quy định liên quan. Nếu được triển khai hiệu quả, những cải cách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phê duyệt và triển khai dự án nhanh hơn, cải thiện hiệu quả đầu tư công và hỗ trợ Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Ngoài đầu tư công, các biện pháp tài khóa khác nhằm mở rộng chi tiêu xã hội, như mạng lưới an sinh xã hội hoặc các ưu đãi để đào tạo lại lực lượng lao động đang chuyển đổi, có thể bù đắp tác động tiêu cực trong ngắn hạn của quá trình tái cấu trúc kinh tế, đồng thời đẩy nhanh các điều chỉnh cần thiết cho tăng trưởng dài hạn.
Đầu tư công và kích thích chi tiêu tài khóa, giống như nhiều sáng kiến khác của Chính phủ, đòi hỏi sự phối hợp tốt giữa các bộ để có thể triển khai hiệu quả. Trong bối cảnh hiện nay, các dự án đầu tư công cần được bổ sung bằng các cải cách môi trường kinh doanh và phát triển thị trường vốn để tạo điều kiện cho phát triển đầu tư tư nhân trong toàn nền kinh tế.