Thanh Hóa hiện thực hóa trở thành cực tăng trưởng mới

Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết 58) được ví như 'cuộc cách mạng' chính sách đối với tỉnh. Sau 5 năm triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị cao, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở đã tạo sự chuyển biến rõ nét về quy mô kinh tế, công nghiệp, kết cấu hạ tầng, cải cách thể chế và huy động nguồn lực để Thanh Hóa hiện thực hóa mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

Hạ tầng đô thị ở Thanh Hóa trong những năm gần đây được đầu tư, xây dựng tạo diện mạo, không gian sống hiện đại cho người dân.

Hạ tầng đô thị ở Thanh Hóa trong những năm gần đây được đầu tư, xây dựng tạo diện mạo, không gian sống hiện đại cho người dân.

Nghị quyết 58 xác định rõ mục tiêu: Đến năm 2030, Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hóa, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Đây là nơi người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước, các giá trị di sản văn hóa và lịch sử được bảo tồn, phát huy; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đến năm 2045, Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Đón nhận Nghị quyết 58, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa xác định đây là thời cơ, vận hội mới có tính bước ngoặt, không được phép bỏ lỡ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 28/02/2021 về thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW, trong đó xác lập 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, từ phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp công nghệ cao đến du lịch, đô thị, logistics, quốc phòng - an ninh, cải cách hành chính và xây dựng Đảng. Một trong những điểm đặc biệt là việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 58 do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giám đốc một số sở làm thành viên, tạo thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt, thường xuyên của các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức thực hiện.

Trong quá trình triển khai, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phát huy cao độ tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhất là trong việc phối hợp với Trung ương để hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù cho Thanh Hóa. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong 4 địa phương của cả nước được Quốc hội ban hành nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách phát triển riêng (đối với tỉnh Thanh Hóa là Nghị quyết số 37/2021/QH15). Đây là “chìa khóa thể chế” quan trọng, mở đường cho các quyết định đầu tư lớn, phân cấp mạnh mẽ, tạo điều kiện để tỉnh chủ động trong quy hoạch, chuyển đổi đất đai, phê duyệt dự án và khai thông nguồn lực phát triển.

Với sự đồng bộ trong chỉ đạo và điều hành, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa đều tăng trưởng vượt bậc và đạt chất lượng cao. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 ước đạt 10,24%, đứng thứ 4 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước (so với các tỉnh, thành phố trước khi hợp nhất, sáp nhập). Quy mô GRDP năm 2025 ước đạt 357.760 tỷ đồng, gấp 1,9 lần năm 2020, GRDP bình quân đầu người năm 2025 ước đạt 3.750 USD/người, gấp 1,7 lần năm 2020.

Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 700,1 nghìn tỷ đồng, gấp 1,14 lần giai đoạn 2016-2020. Cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng vốn nhà nước, tăng nhanh tỷ trọng vốn ngoài nhà nước. Hoạt động kinh tế đối ngoại, vận động, xúc tiến đầu tư được tổ chức thực hiện linh hoạt và đạt kết quả tích cực. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thu hút được 350 dự án đầu tư trực tiếp, một số dự án có quy mô lớn như: Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn tại Khu Kinh tế Nghi Sơn với tổng mức đầu tư (TMĐT) 5.500 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa tại xã Thiết Ống, huyện Bá Thước với TMĐT 3.199 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương tại Khu Kinh tế Nghi Sơn với TMĐT 1.098 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất dụng cụ thể thao Outdoor Gear Việt Nam tại xã Ba Đình với TMĐT 868 tỷ đồng...

Từ năm 2021 đến nay toàn tỉnh thu hút được 3 dự án ODA với tổng vốn đầu tư 2.054,72 tỷ đồng; thu hút được 58 chương trình, dự án, phi dự án với tổng vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 18,8 triệu USD. Hoạt động đầu tư công được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt từ khâu xây dựng kế hoạch, giao kế hoạch vốn và triển khai thực hiện; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý hằng năm luôn trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước.

Giai đoạn 2020-2024 tỉnh đã nâng cấp, mở rộng hơn 710km đường bộ, hoàn thành nhiều công trình giao thông kết nối liên vùng và cửa ngõ chiến lược như: Đường giao thông nối TP Sầm Sơn với Khu Kinh tế Nghi Sơn; tuyến đường Đại lộ Đông - Tây TP Thanh Hóa, đoạn từ thị trấn Rừng Thông (nay là phường Đông Sơn) đến Quốc lộ 1A; đường nối trung tâm TP Thanh Hóa (nay là phường Hạc Thành) với đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn; đường Vạn Thiện - Bến En...

Cũng trong giai đoạn này, vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp được phát huy mạnh mẽ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy liên tục kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các mục tiêu nghị quyết tại các địa phương, chỉ đạo kịp thời các điều chỉnh cần thiết, tháo gỡ nút thắt thể chế, cơ chế, con người. Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh và các phó chủ tịch điều hành công việc theo hướng rõ đầu việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm đầu ra, đặc biệt quan tâm cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và cải thiện môi trường đầu tư. Mô hình chỉ đạo linh hoạt, sát thực tiễn, kết hợp chặt chẽ giữa Đảng và chính quyền, là một điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết 58.

Những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết 58 là minh chứng rõ nét cho sự lãnh đạo đúng hướng, hành động quyết liệt và quản trị hiệu quả. Với khí thế mới, tầm nhìn dài hạn và quyết tâm chính trị cao, Thanh Hóa có cơ sở để vươn lên trở thành tỉnh kiểu mẫu như lời căn dặn của Bác Hồ, đồng thời thực hiện vai trò là một cực tăng trưởng ở phía Bắc của Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Bài và ảnh: Minh Hiếu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thanh-hoa-hien-thuc-hoa-tro-thanh-cuc-tang-truong-moi-254724.htm
Zalo