Dạy nghề ở TP.Thủ Đức gặp khó: Phụ huynh vẫn còn tâm lý trọng bằng cấp
Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học đi học nghề còn hạn chế do phụ huynh vẫn còn tâm lý trọng bằng cấp.
Nguồn lao động ở trường đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, học viên học nghề chưa có nhiều cơ hội để thực hành ở doanh nghiệp. Đây là vấn đề đặt ra tại buổi làm việc của Đoàn giám sát HĐND TP.HCM về công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn TP.Thủ Đức diễn ra sáng nay (18/9)
Thực hành của học viên gặp khó
Từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2024, TP.Thủ Đức đã tạo việc làm mới cho hơn 21.150 lao động. Tỉ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận trong 6 tháng năm 2024 đạt 88%. Tỷ lệ thất nghiệp ở TP.Thủ Đức ở dưới mức 3%.
Nêu khó khăn về tình hình lao động và việc làm trên địa bàn, ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức cho biết, nhu cầu về ngành nghề và đào tạo nghề của doanh nghiệp rất đa dạng, nhưng chính sách chi hỗ trợ đào tạo nghề thấp so với bình quân học phí các nghề đào tạo nên chưa đáp ứng hết nhu cầu của doanh nghiệp.
Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học đi học nghề còn hạn chế do phụ huynh vẫn còn tâm lý trọng bằng cấp.
Ông Đặng Văn Đại, Hiệu trưởng trường Trung cấp Đông Sài Gòn cho biết, trường được TP.Thủ Đức cấp kinh phí và hỗ trợ nhiều chính sách để phát triển các chương trình đào tạo trung cấp và dạy nghề.
Thế nhưng trường đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong phối hợp với các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.
Cụ thể, trường rất khó khăn trong kết nối với doanh nghiệp để rà soát và bổ sung chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường. Doanh nghiệp thường yêu cầu cao về chuyên môn và kỹ năng thực hành, nhưng việc thiết lập cơ chế phối hợp để điều chỉnh chương trình học chưa được thực hiện đầy đủ.
Bên cạnh đó, việc đưa học viên vào thực tập ở doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp phải tập trung sản xuất, không có đủ thời gian hướng dẫn học viên thực tập. Điều này khiến cho việc học tập thực hành của các em bị hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Ông Đặng Văn Đại mong muốn rằng, trong thời gian tới, các cơ chế hỗ trợ sẽ được xây dựng đầy đủ hơn, giúp cho các cơ sở đào tạo nghề có thể kết nối chặt chẽ hơn với doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp có thiết bị đáp ứng nhu cầu sản xuất, trong khi thiết bị của trường còn hạn chế, Do đó, việc phối hợp giữa hai bên để học viên tiếp cận công nghệ tiên tiến trở nên khó khăn. Trường mong làm sao mà có cơ chế để doanh nghiệp có thể hỗ trợ hoặc phối hợp với trường”" ông Đại nhấn mạnh.
Cần sự chủ động
Theo bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM, việc thiết lập cơ chế hợp tác là cần thiết để đảm bảo lợi ích cho cả trường nghề và doanh nghiệp.
Trường có thể cung cấp cho doanh nghiệp nguồn học viên thực tập, từ đó doanh nghiệp đánh giá năng lực và có thể tiếp nhận các em sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế này đòi hỏi sự quan tâm và năng lực từ cả phía trường học lẫn doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thách thức khác mà trường đang đối mặt là tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ tại TP.Thủ Đức, chiếm tới 87%. Điều này khiến việc quản lý lao động và ký kết hợp đồng lao động gặp khó khăn, ảnh hưởng đến an toàn và vệ sinh lao động.
Bà Tới đề xuất, cần có sự chỉ đạo sâu sát hơn từ chính quyền địa phương và sự phối hợp giữa các phòng ban để theo dõi sát sao tình hình doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi của người lao động:
“Vấn đề đặt ra trong thời gian tới cần phải có quan tâm nghiên cứu làm sao để nguồn dữ liệu cung cấp được dự báo tình hình làm sao để đề xuất được cho lãnh đạo thành phố trong việc đề ra chính sách cho vấn đề việc làm. Sở Lao động thương binh và xã hội cũng sẽ có sự quan tâm đề xuất thêm”, bà Tới nói.
Ngoài ra, về việc cung cấp thông tin dự báo nhu cầu nhân lực, bà Tới cũng khẳng định, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM thường xuyên tiến hành khảo sát và báo cáo hàng quý, cung cấp dữ liệu cho các địa phương và trường học để nắm bắt nhu cầu lao động. Điều này giúp các trường có thể điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với thị trường lao động.