Đẩy mạnh xét nghiệm HIV, tăng cường tiếp cận với dịch vụ hướng tới kết thúc dịch bệnh AIDS
Xét nghiệm HIV đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và là cách duy nhất để biết được một người có bị nhiễm HIV hay không, từ đó giúp bệnh nhân tiếp cận với các biện pháp dự phòng và điều trị HIV/AIDS, góp phần phòng chống lây nhiễm HIV hiệu quả hơn…
Triển khai đa dạng các hoạt động và mô hình tư vấn, xét nghiệm HIV
ThS.BS Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, hiện nước ta đã triển khai đa dạng các hoạt động và mô hình tư vấn, xét nghiệm HIV. Toàn quốc có hơn 1.300 phòng xét nghiệm sàng lọc và 251 phòng xét nghiệm khẳng định HIV (31 phòng xét nghiệm tuyến Trung ương, 80 phòng xét nghiệm tuyến tỉnh, 136 phòng xét nghiệm tuyến huyện và 4 phòng tư nhân).
Xét nghiệm nhiễm mới HIV được triển khai tại 50/63 tỉnh thành phố. Kết quả nhiễm mới HIV nhằm cung cấp các bằng chứng khoa học cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS; cung cấp dữ liệu cấp độ quần thể về nhiễm mới HIV, để phân tích nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, xác định điểm nóng cần lập kế hoạch dự phòng và đáp ứng y tế công cộng...; giúp nhân viên y tế xác định ưu tiên và tư vấn tăng cường, hiệu quả trong việc tìm ra các ca nhiễm HIV khác, kết hợp đồng bộ việc chăm sóc điều trị ngay, can thiệp dự phòng, chuyển gửi ưu tiên và giám sát chủ động.
Việc triển khai đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV triển khai tại 5 tỉnh: Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cao Bằng, đã giúp tăng tỷ lệ chuyển gửi điều trị ARV thành công, tăng tỷ lệ điều trị ARV trong ngày và tăng số khách hàng tham gia điều trị PrEP mới.
Tuy nhiên, dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới, nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn tồn tại và sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư còn thấp… là rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của người nhiễm HIV và các nhóm đích nguy cơ cao.
Giải pháp mở rộng, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng
ThS.BS Võ Hải Sơn cho biết, hiện nay, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang tập trung vào mục tiêu mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng và tự xét nghiệm, hướng đến việc đạt 95% người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng của mình vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu này, Cục đã triển khai các hoạt động như:
- Đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV: Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với các dự án và tổ chức quốc tế để triển khai tư vấn xét nghiệm HIV thông qua nhiều mô hình khác nhau. Mục tiêu là đưa dịch vụ này đến gần nhất với nhóm người có hành vi nguy cơ cao, giúp phát hiện sớm, tăng tỷ lệ người biết tình trạng nhiễm HIV của mình như:
+ Duy trì các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV trên toàn quốc, với hơn 1.300 cơ sở y tế thực hiện tư vấn xét nghiệm HIV.
+ Triển khai dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng ở 33 tỉnh/thành phố.
+ Cung cấp tư vấn xét nghiệm HIV cho bạn tình và người chích chung của người nhiễm HIV, cũng như các nhóm có hành vi nguy cơ cao và các hoạt động truy vết.
+ Cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm tại các tỉnh trong khuôn khổ dự án Quỹ Toàn cầu và Dự án EPIC.
+ Triển khai cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm trực tuyến qua website http://tuxetnghiem.vn tại 32 tỉnh/thành phố (từ năm 2020 đến nay đã cung cấp hơn 40.000 đơn hàng, ghi nhận gần 30.000 lượt phản hồi kết quả và khoảng 1.000 lượt báo cáo có phản ứng với sinh phẩm tự xét nghiệm).
- Triển khai xét nghiệm nhiễm mới HIV tại 50 tỉnh/thành phố: Việc mở rộng xét nghiệm nhằm phát hiện sớm các ca nhiễm mới, giúp can thiệp kịp thời và hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận điều trị ARV.
- Duy trì và mở rộng mạng lưới cơ sở xét nghiệm khẳng định HIV và xét nghiệm phục vụ theo dõi, điều trị: Hiện nay đã có 251 phòng xét nghiệm khẳng định HIV (gồm 31 tuyến Trung ương, 80 tuyến tỉnh, 136 tuyến huyện và 4 tư nhân).
- Đảm bảo chất lượng hoạt động tư vấn xét nghiệm và điều trị HIV: ThS.BS Võ Hải Sơn cho biết, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã thực hiện giám sát, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và nâng cao năng lực cho các cơ sở xét nghiệm. Ngoài ra, các hướng dẫn chuyên môn và hành lang pháp lý cũng được xây dựng để hỗ trợ triển khai hoạt động này một cách hiệu quả.