Đẩy mạnh xếp hạng tín nhiệm: Tăng tính hấp dẫn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã qua giai đoạn khủng hoảng và dần cải thiện, nhưng vốn từ TPDN so với tổng vốn huy động của nền kinh tế còn thấp.

Với vai trò quan trọng là kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp, ngoài đẩy mạnh tính minh bạch thông tin và tăng chất lượng trong việc phát hành trái phiếu nhằm lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, việc xếp hạng tín nhiệm cho TPDN sẽ giúp tăng tính hấp dẫn cho thị trường này.

Giá trị phát hành hàng chục ngàn tỷ đồng

Thống kê cho thấy, thị trường TPDN riêng lẻ trong tháng 4-2024 ghi nhận giá trị phát hành lớn với 2 nhóm phát hành chính là bất động sản và ngân hàng thương mại (NHTM). Tính đến ngày 2-5, thị trường có 13 đợt phát hành TPDN mới với tổng giá trị hơn 13.900 tỷ đồng, tăng gần 30% so với tháng trước.

Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch TPDN riêng lẻ trong tháng 4-2024 đạt 68.406 tỷ đồng. Hầu hết các trái phiếu được giao dịch nhiều đều do nhóm NHTM phát hành. Lũy kế từ đầu năm đến nay, thị trường TPDN đã có 31 đợt phát hành riêng lẻ trị giá hơn 29.000 tỷ đồng và 6 đợt phát hành ra công chúng trị giá 8.878 tỷ đồng. Trong số các đợt phát hành riêng lẻ, các TPDN đã được xếp hạng tín nhiệm chiếm 7,5% giá trị.

 Ngân hàng thương mại là nhóm có lượng phát hành trái phiếu lớn nhất từ đầu năm đến nay. Ảnh: MINH HUY

Ngân hàng thương mại là nhóm có lượng phát hành trái phiếu lớn nhất từ đầu năm đến nay. Ảnh: MINH HUY

Đánh giá về hoạt động thị trường TPDN, đại diện Quỹ đầu tư Dragon Capital cho biết, tình hình phát hành TPDN đang có xu hướng cải thiện rõ rệt so với các tháng đầu năm. Với sự khởi đầu khả quan trong tháng 4, thị trường TPDN được kỳ vọng sẽ “ấm” dần từ quý 2-2024. Lý giải việc các NHTM đẩy mạnh phát hành trái phiếu, đơn vị xếp hạng tín nhiệm Finn Ratings cho rằng, do thanh khoản ngân hàng đã giảm dư thừa.

Việc này thể hiện ở lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã nhảy vọt lên mức trên 4% trong tháng 4-2024 nên Ngân hàng Nhà nước liên tục hút thanh khoản qua kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO), đồng thời huy động tiền gửi từ dân cư, của các tổ chức tín dụng cũng giảm tốc trong quý 1-2024. Bên cạnh đó, các NHTM cũng tăng cường huy động qua kênh trái phiếu để bổ sung nguồn vốn trung dài hạn, khi quy định tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn bị siết chặt.

Chất lượng còn... tiềm ẩn rủi ro

Tại hội thảo “Phát triển thị trường TPDN đến năm 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm” mới đây, GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, cho biết, khủng hoảng thị trường trái phiếu xảy ra vào năm 2022 và hậu quả là tỷ lệ dư nợ từ 16% GDP xuống còn khoảng 11% GDP. Hiện tại chưa có chiều hướng đi lên mà vẫn đang đi ngang. Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng, không phải không có triển vọng.

Bởi lẽ, nhiều doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn phục hồi, bắt đầu có đơn hàng, nhưng muốn mở rộng kinh doanh lại gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Hiện vốn tín dụng rẻ nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn vướng nợ cũ. Tiếp cận tín dụng khó thì các doanh nghiệp phải trông chờ vào TPDN. Tuy nhiên, muốn phát hành TPDN thành công cần phải có được sự tin tưởng của khách hàng.

Dù thị trường TPDN có xu hướng lành mạnh hơn sau giai đoạn thanh lọc năm 2022-2023, nhưng chất lượng TPDN còn tiềm ẩn rủi ro. Số liệu của Công ty Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho thấy, 20% giá trị TPDN lưu hành đến từ các doanh nghiệp vỏ bọc, không có hoạt động cốt lõi nhưng vẫn huy động vốn có tỷ lệ chậm trả lên đến 38%, trong khi 80% giá trị còn lại có tỷ lệ chậm trả là 10%.

Hiện tỷ lệ TPDN được phát hành từ doanh nghiệp được kiểm định, xếp hạng chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với các nước khác trong khu vực. Doanh nghiệp phát hành TPDN tại Việt Nam được xếp hạng tín nhiệm chỉ chiếm khoảng 6%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Indonesia đạt 92%, Thái Lan 84% và Malaysia 44%...

Do đó, các chuyên gia VIS Rating cho rằng, để phát triển thị trường TPDN là kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư, thì cùng với việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động kiểm soát, phát triển thị trường trái phiếu minh bạch, hoạt động xếp hạng tín nhiệm, trong đó có cả xếp hạng tín nhiệm TPDN (hiện Việt Nam mới xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành TPDN) có vai trò quan trọng giúp thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức.

 Giao dịch tại Ngân hàng Sacombank, quận 3, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Giao dịch tại Ngân hàng Sacombank, quận 3, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tại Nghị định 65/2022 của Chính phủ cũng quy định, trong năm 2024, bắt buộc doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ phải được xếp hạng tín nhiệm dựa trên quy mô và mức độ của hoạt động phát hành. Quy định này được đánh giá là một điểm mới rõ nét trong chu kỳ phát triển mới của thị trường TPDN, vì trong chu kỳ phát triển trước đó, xếp hạng tín nhiệm chưa phản ánh hết vấn đề cũng như những biến động nội tại ở doanh nghiệp.

Đánh giá về góc độ phát triển thị trường, Dragon Capital cũng nhận định: các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã và đang rất năng động trong việc đưa ra các xếp hạng tín nhiệm đầu tiên đối với tổ chức phát hành và TPDN. Điều này được kỳ vọng là một trong những yếu tố then chốt, giúp thay đổi chất lượng thị trường TPDN.

Ông Dương Đức Hiếu, Giám đốc Khối Xếp hạng và Nghiên cứu tại VIS Rating, cho biết, thực tế nghiên cứu sự phát triển của thị trường TPDN ở khu vực châu Á cho thấy, hoạt động xếp hạng tín nhiệm đã diễn ra từ những năm 80. Sau khi có các hoạt động xếp hạng tín nhiệm nội địa, nhà đầu tư bắt đầu tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường. Điều này đã khẳng định hoạt động xếp hạng tín nhiệm đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của thị trường TPDN.

* Ông Trần Lê Minh, Tổng Giám đốc VIS Rating:

3 yêu cầu đối với công ty xếp hạng tín nhiệm

Ở những thị trường có quy mô TPDN đang lưu hành lớn như: Trung Quốc với khoảng 7.000 tỷ USD có 9 công ty xếp hạng tín nhiệm; Hàn Quốc quy mô khoảng 1.500 tỷ USD có 3 công ty… cho thấy các thị trường trên thế giới không cần có quá nhiều công ty xếp hạng tín nhiệm.

Hiện trên thế giới có 3 công ty xếp hạng toàn cầu tín nhiệm nổi tiếng nhất là Moody’s, Fitch và S&P. 3 công ty này chiếm hơn 90% tổng số lượng xếp hạng tín nhiệm của 2 thị trường có hoạt động cổ phiếu và TPDN lớn nhất là Mỹ và châu Âu. Ngay cả thị trường châu Á như Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Philippines, Hàn Quốc thì các công ty xếp hạng thành công ở thị trường nội địa bản chất luôn có sự liên kết với 3 công ty lớn đó.

Quy mô thị trường TPDN Việt Nam khoảng 47 tỷ USD và hiện có 4 tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Hiện Việt Nam có khoảng 740 doanh nghiệp có trái phiếu đang lưu hành. Trong năm 2024, tổng số doanh nghiệp cần phải xếp hạng không đến 100. Bức tranh quy mô thị trường TPDN ở các quốc gia châu Á hiện nay cho thấy không có sự liên hệ nào giữa quy mô thị trường với số lượng các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm nội địa.

Trình độ xếp hạng tín nhiệm giữa các thị trường không khác biệt quá lớn nhưng có 3 điểm chung mà bất kỳ công ty xếp hạng tín nhiệm nào cũng phải có: tuân thủ quy định của cơ quan quản lý; có phương pháp xếp hạng đã được chứng minh qua thời gian, và phải chính trực trong mọi hoạt động.

HẠNH NHUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/day-manh-xep-hang-tin-nhiem-tang-tinh-hap-dan-cho-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-post741158.html
Zalo