Đẩy mạnh xây dựng phong trào trong đồng bào các tôn giáo

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 8 tôn giáo được công nhận với hơn 2.000 chức sắc, nhà tu hành, hơn 4.600 chức việc và hơn 383.000 tín đồ, chiếm khoảng 30% dân số toàn tỉnh, sinh hoạt tại 652 cơ sở tôn giáo. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương nơi đồng bào các tôn giáo sinh sống luôn quan tâm đẩy mạnh xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ), qua đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Chú trọng công tác tuyên truyền

Xác định công tác tuyên truyền là một trong những biện pháp quan trọng trong xây dựng phong trào, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và lực lượng công an bằng nhiều biện pháp đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho đồng bào các tôn giáo về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách về tôn giáo, chính sách đại đoàn kết dân tộc. Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức chủ động của đồng bào trong phát hiện, đấu tranh tố giác tội phạm, nhất là âm mưu, hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để xâm phạm an ninh trật tự (ANTT).

Công an xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh gặp gỡ các chức sắc để tuyên truyền vận động bà con sống “tốt đời đẹp đạo”.

Công an xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh gặp gỡ các chức sắc để tuyên truyền vận động bà con sống “tốt đời đẹp đạo”.

Thôn Xuân Tự 2 (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) là nơi sinh sống của khoảng 1.400 giáo dân. Để góp phần đảm bảo an ninh, an toàn cho vùng đồng bào có đạo, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và Công an xã tích cực phối hợp với các chức sắc, người có uy tín trong đồng bào tôn giáo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động bà con giáo dân tham gia phong trào TDBVANTQ, sống “tốt đời, đẹp đạo”, không nghe theo các phần tử xấu làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân. Theo Thượng úy Nguyễn Ngọc Duy - Phó Trưởng Công an xã Vạn Hưng, công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng đã từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm, từ đó bà con giáo dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh tố giác tội phạm, cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, hỗ trợ tích cực cho lực lượng công an trong đảm bảo ANTT, giữ bình yên địa bàn.

Huyện miền núi Khánh Vĩnh không chỉ có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống mà còn có nhiều tổ chức tôn giáo hoạt động trên địa bàn như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành. Chính vì vậy, công tác đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo luôn được chính quyền địa phương nói chung, lực lượng công an nói riêng đặc biệt chú trọng. Lực lượng công an thường xuyên gặp gỡ chức sắc của các tôn giáo để nắm bắt tâm tư tình cảm, có biện pháp giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh; tuyên truyền vận động các cơ sở tôn giáo hoạt động đúng quy định pháp luật...

Nhân rộng các mô hình tự quản về an ninh trật tự

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động, với sự tham mưu tích cực của lực lượng công an, cấp ủy, chính quyền các địa phương, đoàn thể đã củng cố, duy trì và nhân rộng nhiều mô hình quần chúng tham gia giữ gìn ANTT ở vùng đồng bào các tôn giáo như: “Giáo xứ tự quản về ANTT” ở xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh; “Xóm đạo bình yên” ở xã Diên Xuân, huyện Diên Khánh; “Hội Phật tử đoàn kết tự quản về ANTT” ở xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa; “Đồng lòng xây dựng quê hương” ở phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang... Các mô hình được xây dựng phù hợp với đặc điểm địa bàn, tâm tư nguyện vọng của người dân nên đã tập hợp, huy động đông đảo đồng bào các tôn giáo tham gia phòng, chống tội phạm, từ đó hỗ trợ tích cực cho lực lượng công an trong đảm bảo ANTT ở địa bàn dân cư.

Khác với các vùng đồng bằng, ở địa bàn miền núi, việc phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được lực lượng công an cơ sở đặc biệt chú trọng. Xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn là một ví dụ. Với hơn 75% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có nhiều đồng bào theo đạo, để có thể làm tốt công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn, Công an xã đã tham mưu UBND xã thành lập 2 mô hình “Phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số” và “Giáo họ tự quản về ANTT”. Thời gian qua, các mô hình này đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác giữ gìn ANTT trên địa bàn. Các già làng, chức sắc có uy tín đã tích cực phối hợp với lực lượng công an tuyên truyền, giáo dục con cháu chấp hành các quy định của pháp luật, sống "tốt đời đẹp đạo", từ đó góp phần giữ bình yên thôn xóm.

Đại tá Đinh Hồng Nghiệp - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, với nhiều cách làm sáng tạo và hiệu quả, phong trào TDBVANTQ trong đồng bào tôn giáo đã không ngừng được củng cố, duy trì và phát triển vững chắc, phát huy được sức mạnh của quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong 10 năm qua, đồng bào các tôn giáo đã cung cấp hàng nghìn tin báo tố giác tội phạm, giúp lực lượng công an kịp thời giải quyết, xử lý hàng trăm vụ việc, góp phần đảm bảo ANTT địa bàn. Việc phát triển phong trào TDBVANTQ được gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đã được đồng bào các tôn giáo hưởng ứng tích cực, tạo nên sức mạnh tinh thần về sự đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

LAN PHƯƠNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202504/day-manh-xay-dung-phong-trao-trongdong-bao-cac-ton-giao-ab06bdb/
Zalo