Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số

Xác định xây dựng chính quyền số là nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số, huyện Than Uyên đã chỉ đạo các cấp, ngành, UBND xã, thị trấn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành, hiệu quả công việc cũng như phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Đến xã Pha Mu vào một ngày trung tuần tháng 9, chúng tôi bất ngờ với phong cách phục vụ người dân rất chuyên nghiệp của công chức bộ phận “Một cửa”. Bởi, khi người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) đều được cán bộ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết rất nhanh, gọn theo phương châm “không phiền hà, sách nhiễu, không né tránh trách nhiệm, không trễ hẹn trong quá trình xử lý công việc”.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Pha Mu quan tâm đầu tư máy in, máy tính; đặc biệt 100% máy tính kết nối internet và cài phần mềm diệt virus. Xã cũng đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) bằng việc trao đổi văn bản, xử lý công việc qua môi trường mạng nhằm rút ngắn thời gian giải quyết công việc. Nhiều phần mềm ứng dụng được đưa vào triển khai như: Misabambo.net (tài chính quản lý ngân sách); đăng ký và quản lý hộ tịch; gửi nhận văn bản; quản lý cán bộ công chức. Đồng thời, triển khai chứng thư số cho chủ tịch, phó chủ tịch, văn thư và các công chức chuyên môn tại bộ phận “Một cửa” để ký số các văn bản UBND xã ban hành.
Anh Hoàng Phi Hùng - Chủ tịch UBND xã Pha Mu cho biết: Những năm gần đây, xã đẩy mạnh chuyển đổi số vào công tác CCHC. Ngoài đầu tư về cơ sở vật chất, hằng năm xã cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo tập huấn, nâng cao chuyển đổi số và áp dụng trong CCHC. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết công việc của xã, nhất là không còn muộn, trễ hẹn trả kết quả.
Để xây dựng chính quyền số, UBND huyện Than Uyên chủ động tham mưu với cấp ủy, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Ban hành kế hoạch, văn bản theo chỉ đạo của trung ương, tỉnh, hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan đến cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. Huyện cũng thành lập và duy trì hoạt động 1 tổ chỉ đạo triển khai công nghệ số cấp huyện; 12 tổ chỉ đạo cấp xã, thị trấn; 131 tổ công nghệ số cộng đồng ở bản và tổ dân phố để thực hiện hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai nền tảng công dân số và phát triển tài khoản thanh toán điện tử. UBND huyện triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành vào xử lý công việc. Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức đều được cấp tài khoản như: chữ ký số, chứng thư số để ứng dụng vào quá trình xử lý văn bản. Đến nay, 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng và gửi lên trục liên thông. Nhờ đó, cán bộ, công chức, viên chức giải quyết công việc nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí và đạt hiệu quả cao.

Công chức bộ phận “Một cửa” xã Pha Mu (huyện Than Uyên) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Công chức bộ phận “Một cửa” xã Pha Mu (huyện Than Uyên) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Ngoài ra, UBND huyện Than Uyên còn đầu tư xây dựng hệ thống hội nghị trực tuyến với các trang thiết bị hiện đại (màn hình, camera, micro, máy tính, đường truyền internet…) kết nối điểm cầu cấp huyện với 12 điểm cầu xã, thị trấn. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, toàn huyện tổ chức 10 cuộc họp trực tuyến, từ đó rút ngắn thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu và chi phí di chuyển so với hình thức họp trực tiếp.
Công tác tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC thực hiện đúng quy định pháp luật. Từ đầu năm đến nay, huyện đã thực hiện 2.979 hồ sơ, trong đó dịch vụ công trực tuyến một phần đạt 2.326 hồ sơ, dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 653 hồ sơ. Đặc biệt, người dân và doanh nghiệp được hỗ trợ giải đáp thắc mắc về giải quyết TTHC bất cứ khi nào cần. Toàn huyện đã đưa 100% sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử - xã hội số trong xây dựng nông thôn mới. Các trang mạng xã hội: zalo, facebook đã và đang được người dân sử dụng hiệu quả trong quảng bá sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng trên phương tiện thông tin đại chúng. Các ngân hàng triển khai có hiệu quả việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với người dân, doanh nghiệp thông qua các ứng dụng VNPT money, Viettel Money…
Anh Nùng Văn Tiện ở bản Cang Mường (xã Mường Cang) chia sẻ: “Nếu như trước đây, khi thanh toán tiền điện, nước hằng tháng tôi phải trực tiếp đến quầy giao dịch của các đơn vị. Từ khi sử dụng ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, tôi chỉ cần sử dụng điện thoại di động chuyển khoản vào thời gian nào trong ngày cũng được. Việc này rất tiện lợi cho người dân”.
Những kết quả tích cực trong xây dựng, phát triển chính quyền số ở Than Uyên đã góp phần đổi mới căn bản hoạt động của bộ máy chính quyền theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bài, ảnh: Ánh Hồng

Ánh Hồng

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/%C4%91%E1%BA%A9y-m%E1%BA%A1nh-x%C3%A2y-d%E1%BB%B1ng-ch%C3%ADnh-quy%E1%BB%81n-s%E1%BB%91
Zalo