Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Người tiêu dùng thông qua truy xuất nguồn gốc có thể trực tiếp tìm hiểu, thu thập thông tin về sản phẩm họ đã mua một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Qua đó, hạn chế mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

Hiện nay, Việt Nam là một trong các nước đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu nông sản, nhất là lúa gạo. Trên thực tế, nhiều nơi và lĩnh vực đã hình thành nhiều chuỗi giá trị đồng bộ từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, theo các hình thức liên kết khác nhau như: Liên kết tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ đầu ra; liên kết góp vốn đầu tư sản xuất, theo ba cấp độ: Sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm địa phương... với sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân trong các ngành hàng nông, lâm, thủy sản, mang lại lợi ích cho hàng chục nghìn hộ. Hơn nữa, một số chuỗi cung ứng nông sản ứng dụng thành công công nghệ mới như công nghệ thông tin, công nghệ chuỗi khối (Blockchain) để kết nối sản xuất và tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản nhằm gia tăng giá trị. Lâm Đồng là tỉnh có diện tích lớn thứ 7 cả nước, tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với diện tích trồng trà, cà phê và rau màu lớn. Để góp phần đưa sản phẩm ra thị trường trong nước cũng như quốc tế, tỉnh Lâm Đồng đã không ngừng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Người tiêu dùng thông qua truy xuất nguồn gốc có thể trực tiếp tìm hiểu, thu thập thông tin về sản phẩm họ đã mua một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Qua đó, hạn chế mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu như thực phẩm, dược phẩm hay đồ may mặc... Về phía doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc giúp kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi, xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa. Đây không chỉ là bước để các doanh nghiệp tạo sự tin tưởng nơi khách hàng mà còn là “bức tường” bảo vệ uy tín của sản phẩm và doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại. Đối với cơ quan quản lý nhà nước thì đây chính là công cụ hữu ích phục vụ cho công tác quản lý, kiểm soát thị trường hàng hóa. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường.

Trong những năm gần đây, xu hướng lựa chọn hàng hóa của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi, nhất là đối với hàng hóa thực phẩm. Khách hàng ngày càng đòi hỏi, lựa chọn khắt khe về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Vì vậy, việc sử dụng hàng hóa có đầy đủ tem nhãn truy xuất nguồn gốc luôn là cách tốt nhất để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh bảo vệ được thương hiệu sản phẩm của mình, đồng thời tạo được niềm tin cho người tiêu dùng giúp họ yên tâm sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng đảm bảo.

Bà Võ Thị Kim Anh - một người tiêu dùng tại Phường 6, TP Đà Lạt cho biết: "Người nội trợ thì đầu tiên quan tâm là chất lượng. Tôi nghĩ rằng sản phẩm trong siêu thị đã qua khâu kiểm định. Tôi thường check mã và xem nguồn gốc xuất xứ như thế nào...".

Tại Công ty TNHH Trà Ngọc Duy, Phường 9, TP Đà Lạt, những năm trước đây, sản phẩm của công ty chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh. Để mở rộng khách hàng trong nước và hướng tới xuất khẩu, đơn vị đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư trang thiết bị máy móc để sản xuất, chế biến theo công nghệ tiên tiến, dán nhãn truy xuất nguồn gốc. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các sản phẩm của doanh nghiệp đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Ông Phạm Nguyễn Ngọc Duy - Giám đốc Công ty TNHH Trà Ngọc Duy cho rằng, muốn xuất khẩu các sản phẩm trà atiso ra thị trường quốc tế thì phải truy xuất nguồn gốc theo quốc tế quy định.

Số liệu khảo sát, đánh giá các đơn vị cung cấp công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện nay cho cơ sở sản xuất kinh doanh đang áp dụng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cho thấy nội dung tem QR còn sơ sài, đơn giản chỉ có thông tin cơ bản về cơ sở sản xuất kinh doanh, công dụng, cách sử dụng, bảo quản, ngày sản xuất và hạn sử dụng của sản phẩm, trong khi các thông tin khác của cả chuỗi cung ứng như: thông tin về sử dụng loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật gì, mua ở đâu; con giống, cây giống, quy trình nuôi, trồng… không có, chưa đúng theo quy định tại tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12850:2019. Do đó chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại những thị trường lớn.

Để đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ngày 17/4/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 2976/KH-UBND về việc "Thực hiện Đề án Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng". Để hỗ trợ các đơn vị doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cấp tỉnh kết nối với Cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia; hỗ trợ các tổ chức cá nhân áp dụng các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP, ISO 22000:2018, FSSC 22000, Halal,…. Bên cạnh đó, tháng 4/2024 UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt và giao nhiệm vụ cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng và Viettel Lâm Đồng Xây dựng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc của tỉnh Lâm Đồng và triển khai thí điểm mô hình truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm Cà phê Arabica Đà Lạt và Sầu riêng Đạ Huoai…

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, là cơ sở quan trọng cho các thương hiệu Việt vươn xa. Một trong những động lực để doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm là các yêu cầu thực tế của người tiêu dùng cần mua sản phẩm minh bạch về thông tin sản phẩm.

Bước sang năm 2024, Sở Công thương tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên nền tảng số cũng như phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản. Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã tham gia quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử. Nhằm hỗ trợ các tổ chức xúc tiến thương mại và doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao nhận thức, năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch 2772/KH-UBND ngày 25/04/2022 về việc “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 Lâm Đồng có 100% tổ chức xúc tiến thương mại và trên 500 doanh nghiệp của tỉnh được cấp tài khoản trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số quốc gia và 50% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin; 25% số lượng hội chợ, triển lãm trên địa bàn được tổ chức trên môi trường trực tuyến. Đồng thời, hình thành cơ sở dữ liệu xúc tiến thương mại và nghành hàng xuất khẩu đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh (cà phê nhân, rau quả, chè, hoa cắt cành, lụa tơ tằm, hạt điều nhân, sầu riêng…) trong đó, cơ sở dữ liệu nghành hàng xuất khẩu cà phê nhân, rau quả, chè, hoa cắt cành được kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu của thị trường EU, Nhật, Đài Loan, Úc…

Trung tá PHÙNG BÁ THẮNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202410/day-manh-ung-dung-cong-nghe-truy-xuat-nguon-goc-san-pham-tren-dia-ban-tinh-lam-dong-ca82303/
Zalo