Đẩy mạnh tự chủ đại học để nắm thời cơ và khơi thông các nguồn lực

Ngày 14.12, Câu lạc bộ Mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc gia 'Đổi mới quản trị đại học trên cơ sở tự chủ đại học gắn liền với đảm bảo chất lượng'.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện hơn 150 cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn cả nước, với hơn 200 đại biểu dự trực tiếp và trên 200 đại biểu dự trực tuyến.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện Ban tuyên giáo Trung ương, đại diện lãnh đạo Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam, đại diện lãnh sự quán Hoa Kỳ và Hội đồng Anh tại TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học và thành viên Câu Lạc bộ trên địa bàn cả nước.

Chủ đề liên quan trực tiếp đến "thượng tầng kiến trúc" trong hoạt động của cơ sở giáo dục đại học

Phát biểu tại Hội thảo, TS Trần Việt Anh, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Hùng Vương, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo cho biết, sau một thời gian hơn nửa năm chuẩn bị, Ban tổ chức đã nhận được gần 70 báo cáo có chất lượng của các đại biểu và các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục từ các đại học, trường đại học trên cả nước.

Hội thảo đề cập đến chủ đề vô cùng quan trọng, liên quan trực tiếp đến thượng tầng kiến trúc và những nội dung thiết thực, cốt lõi nhất trong hoạt động của cơ sở giáo dục đại học trong thời gian qua, đó là tự chủ đại học - gắn với trách nhiệm giải trình và đảm bảo chất lượng.

 TS Trần Việt Anh, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Hùng Vương, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo phát biểu khai mạc

TS Trần Việt Anh, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Hùng Vương, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo phát biểu khai mạc

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Câu lạc bộ, đồng trưởng ban tổ chức Hội thảo, các báo cáo tại Hội thảo lần này đã tập trung vào đánh giá thực trạng tự chủ trong các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay; kinh nghiệm về tự chủ đại học của các nước châu Á, châu Âu và của Hoa Kỳ; mối quan hệ Ban giám hiệu - Hội đồng trường; thực trạng về tự chủ tài chính, tự chủ học thuật của các trường đại học.

Các báo cáo cũng đã xem xét và khảo sát, đánh giá những nhân tố chủ yếu tác động đến tự chủ đại học ở Việt Nam; đề cập đến các vấn đề rất quan trọng như như đội ngũ giảng viên, chuẩn đầu ra và sự hài lòng của sinh viên, chuyển đổi số, khung năng lực của giảng viên và người học, hoạt động kiểm định chất lượng, mối quan hệ của nhà trường, nhà khoa học với doanh nghiệp trong bối cảnh tự chủ đại học như hiện nay.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh, điều thay đổi quan trọng nhất trong tự chủ đại học từ khi Luật giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 là định hướng các cơ sở giáo dục đại học hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Qua các báo cáo tham luận của các đại biểu tại Hội thảo, có thể thấy được bức tranh khá tổng thể về việc thực hiện tự chủ trong các trường đại học ở Việt Nam trong thời gian 5 năm qua, từ 2019 đến nay; thấy được những mặt tích cực, tự chủ nhưng phải luôn gắn với bảo đảm chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ, chất lượng nghiên cứu và không ngừng đổi mới sáng tạo, hội nhập với các chuẩn mực quốc tế.

Tự chủ đại học đã như luồng gió mới, tạo động lực, thúc đẩy giáo dục đại học Việt Nam đổi mới rất mạnh mẽ, nhất là đổi mới cơ chế hoạt động và quản trị đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập.

 GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Câu lạc bộ, đồng trưởng ban tổ chức Hội thảo

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Câu lạc bộ, đồng trưởng ban tổ chức Hội thảo

Cần cân nhắc vẫn có khái niệm đại học và trường đại học hay chỉ là trường đại học

Các báo cáo tham luận và các phát biểu trao đổi tại Hội thảo cho thấy, bên cạnh những thành tựu rất quan trọng đã đạt được, cũng còn những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam.

Thứ nhất, cần khẳng định, xác định rõ vai trò và vị trí của Hội đồng trường với Ban Giám hiệu. Với các trường công lập, nếu tự chủ thì khi so sánh với doanh nghiệp, Hội đồng trường vai trò sẽ như Hội đồng quản trị, còn Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu có vai trò như Giám đốc, Ban Giám đốc của doanh nghiệp. Với các trường ngoài công lập, hội đồng quản trị trên thực tế phải có vai trò quyết định như của hội đồng trường.

Vì vậy, với các trường công lập, Chủ tịch Hội đồng trường dễ đồng nhất với Bí thư Đảng ủy; trong khi đó với các trường ngoài công lập, Chủ tịch hội đồng quản trị mới là người giữ vai trò quyết định lớn nhất và quan trọng nhất. Do đó, Luật và Nghị định tới đây cần sửa đổi sao cho phù hợp với thực tiễn này.

Thứ hai, tự chủ đại học tác động mạnh mẽ đến mô hình và quản trị của 2 đại học quốc gia, các đại học vùng và các đại học. Theo tư duy biện chứng, các trường đại học tự chủ muốn phát triển bền vững phải tiến tới đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Tự chủ càng cao thì mô hình quản trị khi có cấp quản lý trung gian ngày càng không phù hợp.

Do đó, vấn đề đặt ra là tới đây, khi sửa Luật giáo dục đại học, cần cân nhắc việc các cơ sở giáo dục đại học sẽ vẫn có khái niệm là các đại học, trường đại học hay chỉ là các trường đại học?

 Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Thứ ba, cần tiến tới sự bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập.

Nhà nước hoàn toàn có thể đầu tư cho các trường ngoài công lập nếu trường đó có nhóm nghiên cứu mạnh, tham gia đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực theo yêu cầu sứ mệnh quốc gia. "Gió đã bắt đầu đổi chiều", các trường công lập đào tạo uy tín, chất lượng được tự chủ sẽ ngày càng có thế mạnh vượt trội so với các trường ngoài công lập và các trường chưa tự chủ trong việc thu hút nhân tài và thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức khẳng định, Hội thảo đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của các các nhân, tổ chức về tự chủ đại học, cũng như đề xuất những kiến nghị xác đáng và thuyết phục để Đảng và Nhà nước tháo gỡ những rào cản, khó khăn trong quá trình thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam.

Từ Hội thảo này cho thấy các cơ sở giáo dục đại học, các cơ quản quản lý Nhà nước phải tiếp tục thay đổi từ nhận thức đến cơ chế vận hành, quản trị tự chủ đại học. Đồng thời, đẩy mạnh tự chủ đại học để từ đó, các cơ sở giáo dục đại học nắm thời cơ và khơi thông các nguồn lực. Tự chủ đại học để phát huy tối đa mọi nguồn lực. Các cơ sở giáo dục đại học tự chủ có nguồn lực, có trách nhiệm và động lực để phát triển và “cất cánh” nhanh và mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Tổng kết ý kiến trao đổi tại Hội thảo, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đánh giá, tự chủ đại học theo Luật giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, nếu thực hiện tốt, đúng và đầy đủ, thực sự có thể ví như “khoán 100” với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Nếu biết tận dụng và phát huy tốt để cộng hưởng, phát huy những thế mạnh và tiềm năng, giáo dục đại học Việt Nam sẽ phát triển vượt bậc trong thời gian tới.

Thúc đẩy nhận thức và tư duy, hành động trong quá trình tự chủ đại học

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam đánh giá rất cao hoạt động và vai trò dẫn dắt của Câu lạc bộ Mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.

 PGS.TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam

PGS.TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam

Ông khẳng định, Hội thảo này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự thúc đẩy nhận thức và tư duy, hành động, đến quá trình phát triển biện chứng trong quá trình tự chủ đại học ở Việt Nam. Ông cũng đánh giá rất cao vai trò của Câu lạc bộ trong việc phản biện và tư vấn xây dựng các chính sách liên quan đến đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.

Các ý kiến đóng góp của Hội thảo sẽ là những nội dung quan trọng, có cơ sở khoa học và thực tiễn để sửa Luật Giáo dục đại học và các nghị định liên quan đến giáo dục đại học và tự chủ đại học trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thống nhất đề xuất 4 nội dung, chủ đề hoạt động của câu lạc bộ trong năm 2025 là: Đào tạo nguồn nhân lực các lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam; triển khai đào tạo STEM; Chuyển đổi số và ứng dụng AI trong giáo dục đại học; Xây dựng các tiêu chí độc lập của Câu lạc bộ, của Hiệp hội cho hoạt động kiểm định và đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục đại học cũng như các chương trình đào tạo bậc đại học, sau đại học ở Việt Nam trong bối cảnh AI và CMCN 4.0 phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ như hiện nay.

Câu lạc bộ Mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 58/QĐ-HH-CLB năm 2023 của Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam.

Câu lạc bộ tập hợp thành viên là các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đến giáo dục đại học, các chuyên gia và các nhà khoa học nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động đào tạo và nghiên cứu, hội nhập quốc tế trong các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng.

Các hoạt động này gồm: bảo đảm chất lượng, tuyển sinh, phát triển chương trình, giáo trình, cập nhật tài liệu chuyên môn, đổi mới phương pháp và công nghệ giảng dạy; nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy khởi nghiệp và phục vụ cộng đồng; đóng góp hoàn thiện chính sách và trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, học hỏi lẫn nhau, góp phần hiệu quả nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam.

Nguyễn Liên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/day-manh-tu-chu-dai-hoc-de-nam-thoi-co-va-khoi-thong-cac-nguon-luc-post399311.html
Zalo