Đẩy mạnh truyền thông về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013
Sở Tư pháp Hà Tĩnh nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nhằm tạo cơ sở hiến định triển khai đồng bộ, thống nhất chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy từ Trung ương đến cơ sở.

Ngày 5/5/2025, Quốc hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết số 194/2025/QH15. Theo đó, Quốc hội quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Ảnh: VGP News.
Theo ông Đinh Viết Hồng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Tĩnh, thực hiện Công văn số 2459/HĐPH-PB&TG ngày 6/5/2025 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương về đẩy mạnh truyền thông về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Sở Tư pháp với tư cách là Cơ quan Thường trực của Hội đồng PHPBGDPL tỉnh đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương tổ chức truyền thông sâu rộng đến đối tượng chịu sự tác động về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả.
Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nhằm tạo cơ sở hiến định triển khai đồng bộ, thống nhất chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã), góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển giàu mạnh.

Lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013
Thời gian lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 bắt đầu từ ngày 6/5/2025, hoàn thành vào 5/6/2025.
Hiến pháp là đạo luật chung, có hiệu lực pháp lý cao nhất, quy định những nguyên tắc nền tảng về tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Mọi sự thay đổi, điều chỉnh trong Hiến pháp đều tác động trực tiếp đến đời sống chính trị, pháp lý và xã hội.
Theo đó, để góp phần hoàn thiện thể chế, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân, cần đẩy mạnh truyền thông kịp thời, rộng rãi tới đối tượng chịu sự tác động về việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Qua đó, phát huy đầy đủ, hiệu quả cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thông tin, báo chí, phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu đầy đủ về mục đích, ý nghĩa và những nội dung sửa đổi Hiến pháp, từ đó chủ động, tự giác tuân thủ, thực hiện sau khi Hiến pháp được thông qua.
Trong đó, nội dung truyền thông nêu rõ mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết sửa đổi Hiến pháp năm 2013; những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, tập trung vào nội dung mới, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
Về thời gian thực hiện, việc truyền thông được thực hiện từ ngày Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 công bố dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đến khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua. Mặt khác, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, địa phương, các cơ quan, tổ chức, địa phương căn cứ điều kiện thực tế có thể tổ chức đợt cao điểm truyền thông, tạo điều kiện cho Nhân dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến, hiểu rõ, đầy đủ về mục đích, ý nghĩa và các nội dung được sửa đổi của Hiến pháp năm 2013.
Về hình thức truyền thông, trên cơ sở Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin; Kế hoạch số 171/KH-UBND ngày 12/5/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”; Công văn số 2770/UBND-NC3 ngày 6/5/2025 của UBND tỉnh về việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp và văn bản có liên quan, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương chủ động lựa chọn các hình thức truyền thông phù hợp, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kết hợp linh hoạt giữa truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trực tiếp nhằm tạo hiệu ứng sâu rộng, lan tỏa trong cộng đồng, bám sát yêu cầu, tiến độ và quá trình lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương nghiêm túc thực hiện và báo cáo về Sở Tư pháp (báo cáo được tổng hợp chung trong báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp).
Xem Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có vấn đề cần trao đổi, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương thông tin về Sở Tư pháp (qua Phòng PBGDPL, đồng chí Nguyễn Thị Hoa Phượng - Trưởng phòng: SĐT: 0919.656.223) để phối hợp tham mưu giải quyết.