Đẩy mạnh sản xuất nông sản, thực phẩm phục vụ Tết

Những ngày này, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đang đẩy nhanh sản xuất, đa dạng về mẫu mã, nâng cao chất lượng thực phẩm, nông sản phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo dự báo, nhu cầu thực phẩm, nông sản dịp Tết năm nay tăng khoảng từ 10 đến 20% so với dịp Tết năm 2024.

 Xã viên Hợp tác xã Aratay Coffee (xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) sàng lọc hạt cà-phê.

Xã viên Hợp tác xã Aratay Coffee (xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) sàng lọc hạt cà-phê.

Đến các HTX nông nghiệp những ngày này, không khí sản xuất rất khẩn trương, liên tục nhằm đáp ứng kịp thời các đơn hàng cho dịp Tết.

Sản phẩm phong phú, sẵn sàng ra thị trường

Tại tỉnh Bến Tre những ngày giáp Tết, nhiều HTX đã lên kế hoạch cho các mặt hàng đặc sản, đặc trưng của địa phương như: Bưởi da xanh, quýt đường, hoa kiểng, bánh tráng, bánh phồng, thủy sản… sẵn sàng cung ứng ra thị trường.

Tại khu vườn rộng hơn 4,5 ha của ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc HTX Bưởi da xanh Giồng Trôm, xã Lương Qưới, huyện Giồng Trôm, những cây bưởi da xanh, quýt đường, cam xoàn… được chăm sóc kỹ lưỡng, quả nào cũng căng bóng, chờ ngày xuất bán. Tất cả đang hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Ông Bảy cho biết, ngoài diện tích 4,5 ha của gia đình ông, hiện 52 ha chuyên trồng dừa, bưởi da xanh, cau, cam, quýt cũng đã bước vào công đoạn xử lý cuối cùng để bán ra thị trường.

Nếu như năm 2024, các mặt hàng của HTX Giồng Trôm chỉ bán dưới dạng quả, thì năm 2025, với công nghệ xử lý còn nguyên lá, cành cho nên giá cao hơn bình thường từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg. Năm nay, dự kiến HTX sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 20 tấn trái cây các loại phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại tỉnh Bến Tre và Thành phố Hồ Chí Minh.

Không chỉ có trái cây, các mặt hàng thực phẩm cũng được chú trọng đẩy mạnh sản xuất. Ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc HTX Dịch vụ Thủy sản Thới Thạnh, huyện Giồng Trôm cho biết: Nhờ giải pháp bẻ càng giúp tôm phát triển nhanh, đến ngày thu hoạch càng tôm nhỏ, được thị trường ưa chuộng. Sắp tới, gia đình ông sẽ thu hoạch khoảng 400 kg tôm càng xanh loại 1, các thành viên trong HTX cũng thu hoạch với năng suất cao tương tự, giá bán dự kiến cao hơn so với bình thường khoảng 10 đến 20%.

Hiện tỉnh có 150 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản (trong đó, nhiều HTX sản xuất, cung ứng hàng hóa trong dịp Tết như: Nuôi tôm càng xanh, hoa kiểng, trồng bưởi da xanh, bánh tráng, bánh phồng…), nhờ chủ động trong việc triển khai thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre

Dịp cận Tết, xã viên các HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La cũng tất bật vào vụ mùa được coi là cho thu nhập cao nhất trong năm. Anh Nguyễn Anh Đức, Phó Giám đốc HTX Tây Bắc, xã Viêng Lán, huyện Yên Châu cho biết: Để phục vụ thị trường Tết, từ tháng 10, HTX đã thu mua gần 10 tấn tỏi tươi để chế biến; tuyển thêm lao động làm việc tăng ca; vận hành xưởng chế biến cả ngày lẫn đêm để kịp đưa sản phẩm tỏi đen ra thị trường.

Mỗi tháng HTX sản xuất 3 tấn tỏi đen, dự kiến 2 tháng cuối năm, tăng lên 4,5 tấn. Hiện HTX Tây Bắc đang vận hành hết công suất 8 máy làm tỏi đen, mỗi máy khoảng 1,5 tấn tỏi tươi/mẻ, các máy sấy đều được lắp đặt hệ thống điều khiển từ xa giúp tối ưu hóa các công đoạn sản xuất, cho giá trị kinh tế cao.

Ông Hà Đức Chung, thành viên HTX nông nghiệp Chiềng Phú, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu cho biết: “Gia đình tôi có hơn 2.000 m2 trồng các loại rau cải, cà pháo. Hiện nay, toàn bộ diện tích canh tác đang phát triển tốt, dự kiến Tết này cung cấp ra thị trường hơn 5 tấn rau, hứa hẹn cho thu nhập cao”.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên Nguyễn Thu Hà cho biết: Từ nay đến Tết, huyện sẽ tổ chức các sự kiện trưng bày, giới thiệu sản phẩm để tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung ứng hàng hóa tại các siêu thị, điểm bán, giới thiệu nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra các HTX, chủ thể OCOP về chất lượng sản phẩm, nhất là thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng và giữ thương hiệu nông sản, OCOP của huyện; đồng thời hướng dẫn nông dân quảng bá, cập nhật thông tin về các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử; khâu đóng gói, bảo quản nhằm bảo đảm sản phẩm luôn ở chất lượng tốt nhất khi đến tay khách hàng.

Mở rộng các kênh bán hàng

Với nhiều HTX nông nghiệp, vụ Tết được xem là vụ mùa cho thu nhập chính trong năm, cho nên phần lớn các địa phương đều đẩy mạnh đầu tư cả về trang thiết bị kỹ thuật, giống và phát triển các kênh bán hàng. Đặc biệt, vụ Tết năm nay, nhiều địa phương phía bắc vừa trải qua bão Yagi, nhiều giống rau, hoa quả bị bão tàn phá dẫn đến mất mùa, kéo theo nguồn hàng hóa được dự báo là sẽ khan hiếm, giá thành cao.

Vì vậy, để điều tiết lượng hàng và bán hàng hiệu quả, nhiều địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ HTX, tổ hợp tác phát triển các kênh bán hàng, điều tiết lượng hàng giữa các địa phương.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La Lê Tiến Lợi, đơn vị đã hỗ trợ 11 HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tổ chức tại các thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên; hướng dẫn, tư vấn, giúp đỡ các HTX trong toàn tỉnh xây dựng dự án vay vốn, triển khai thẩm định và cho các HTX vay từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh theo Điều lệ Quỹ quy định; tiếp tục triển khai các nội dung, nhiệm vụ theo Nghị định số 45/NĐ-CP của Chính phủ.

Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình HTX theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hội chợ giúp các HTX tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm để mở rộng quy mô hoạt động của HTX, liên minh HTX.

Tại tỉnh Bến Tre, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho biết, ngành nông nghiệp cùng chính quyền địa phương đã hướng dẫn, khuyến khích người dân bán hàng qua các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội bên cạnh cách truyền thống thông qua thương lái như trước đây.

Trong đó, tại vùng trọng điểm trồng hoa của huyện Chợ Lách, ngành nông nghiệp, công thương cùng chính quyền địa phương đã làm việc với các tỉnh bạn, các đơn vị tổ chức chợ Tết nhằm kết nối, giúp người dân đăng ký lô, sạp để mang sản phẩm hoa, cây cảnh của người dân cũng như HTX đến bán trong dịp cận Tết.

Tại nhiều địa phương, trên website của Liên minh HTX tỉnh và các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, các cơ quan báo, đài đã mở các chuyên mục, cửa sổ điện tử để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản của địa phương thông qua các video, hình ảnh, bài viết.

Công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa cũng được các địa phương đẩy mạnh triển khai trên tinh thần, chất lượng hàng hóa gắn với công tác bảo đảm nguồn cung, góp phần gia tăng giá trị kinh tế trên một diện tích đất canh tác và triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ phát triển HTX theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg, ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025.

Bài và ảnh: HÀ TUẤN TRUNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/day-manh-san-xuat-nong-san-thuc-pham-phuc-vu-tet-post852780.html
Zalo