Đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam

Chiều 22-10, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Halal “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của 500 đại biểu đến từ 50 quốc gia. Tham dự có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, ngành. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan tham dự.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Khánh Hòa

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Khánh Hòa

Theo Bộ Ngoại giao, thị trường Halal toàn cầu có quy mô lớn với hơn 2 tỷ người Hồi giáo vào năm 2024 và quy mô kinh tế Halal toàn cầu được dự báo sẽ đạt 7.700 tỷ USD vào năm 2025. Mức chi tiêu và sử dụng các sản phẩm Halal có xu hướng ngày càng tăng, không chỉ ở những người theo đạo Hồi mà cả những người không theo đạo Hồi do sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và bảo vệ môi trường… Sản phẩm Halal là những sản phẩm được cho phép, hợp pháp để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt từ các thành phần nhỏ nhất đến khâu chế biến, vận chuyển. Các sản phẩm này bao gồm các sản phẩm thiết yếu gồm thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, mỹ phẩm, dệt may, thủ công mỹ nghệ đến lĩnh vực dịch vụ như: Ngân hàng, du lịch, an ninh, giáo dục và đào tạo, dịch vụ ăn uống, khách sạn, logistics.

Ông Lê Hữu Hoàng dự hội nghị tại điểm cầu Khánh Hòa.

Ông Lê Hữu Hoàng dự hội nghị tại điểm cầu Khánh Hòa.

Theo Sở Ngoại vụ, hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng 20 doanh nghiệp đang xuất khẩu sản phẩm thực phẩm vào các quốc gia Hồi giáo, trong đó 6 doanh nghiệp đạt chứng nhận Halal với tổng sản lượng hơn 2.000 tấn/năm; chủ yếu là cá chẽm, cá ngừ, tôm, ghẹ, và rong nho. Trong lĩnh vực du lịch, Khánh Hòa đã tổ chức nhiều chương trình hội nghị, sự kiện gặp gỡ, xúc tiến hợp tác, chương trình famtrip cho các đoàn cơ quan, doanh nghiệp từ Ấn Độ, Indonesia… đến khảo sát cơ hội đầu tư, giao thương, triển khai các tour du lịch tại Khánh Hòa…

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong nước và các tổ chức đến từ các thị trường Halal tiêu biểu trên thế giới đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược trong xây dựng và phát triển ngành Halal; biện pháp góp phần hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành Halal, giúp các sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn Halal của Việt Nam tham gia sâu vào thị trường Halal toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn như: Nông nghiệp, du lịch, dệt may, dược phẩm và mỹ phẩm…

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để tham gia sâu hơn vào thị trường Halal toàn cầu. Hội nghị là cơ hội để Việt Nam hợp tác trên toàn thế giới vì hòa bình; thúc đẩy ngành Halal Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu; kết nối con người Việt Nam với con người các nước, nhất là các nước đạo Hồi. Thời gian vừa qua, Việt Nam đã nỗ lực phát triển ngành Halal và đã có những chuyển biến tích cực, toàn diện. Đồng thời Việt Nam cũng ký kết một số hợp tác với các đối tác quốc tế về sản phẩm Halal. Trong giai đoạn mới, Việt Nam sẽ đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, trong đó có ngành Halal. Việt Nam mong muốn phát triển Halal thành ngành kinh tế mạnh và trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi Halal toàn cầu. Xác định đây là cơ hội vàng để doanh nghiệp tham gia vào thị trường Halal; phát triển ngành này trên cơ sở tôn trọng con người, cùng xây dựng hòa bình trên toàn thế giới. Halal được định hướng trở thành trụ cột mới trong hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam; phát triển nhanh bền vững, hiệu quả lĩnh vực này.

Đ. LÂM - C. ĐỊNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202410/day-manh-phat-trien-phat-trien-nganh-halal-viet-nam-7e669cb/
Zalo